Tìm vàng ở lục địa đen
09:28' 06/02/2003 (GMT+7)
Ông Nguyễn Văn Lãng - Giám đốc Công ty Thương mại Dịch vụ LST - sau bốn năm tìm cơ hội làm ăn qua 17 chuyến đi đến các nước châu Phi có thể là một trong những người đủ điều kiện nhất để nói về chuyện kiếm tiền ở lục địa đen.
Châu Phi là một thị trường thu hút những người làm ăn ''lì đòn''...

Là một chuyên viên về công nghệ chế biến hạt điều, ông tìm thấy ở Mozambique một vùng nguyên liệu phong phú với sản lượng 300.000 tấn/năm và một khách hàng tiềm năng về chuyển giao công nghệ. Vào năm 1997, ngành xuất khẩu hạt điều của Việt Nam đang ở đỉnh cao cũng là lúc ông khởi đầu những chuyến nghiên cứu thị trường ở châu Phi và không hề nghĩ rằng mình đang làm một cuộc phiêu lưu như lời nhắc nhở của một vài người bạn. Chỉ sau vài lần thâm nhập, ông Lãng nhận ra đất nước Mozambique với 16 triệu dân và GDP đầu người chưa đến 210 USD cũng như một vài nước ở châu lục này là một thị trường thu hút những người làm ăn ''lì đòn'' sẵn sàng trả giá để có lợi nhuận cao, trong số đó có không ít người Việt Nam. Ghi nhận của ông Lãng cho thấy thị trường này rất dễ tính với hàng tiêu dùng. Nếu nghiên cứu thị trường kỹ lưỡng thì đem qua thứ gì cũng bán hết. Ông nói: ''Làm ăn ở lục địa này, nếu kiên nhẫn và tổ chức bộ máy tốt thì sẽ thành công''.

Một doanh nhân nổi tiếng năng nổ từng tổ chức nhiều chuyến khảo sát một số nước châu Phi lại không thành công tại thị trường này, đó là Giám đốc Nông trường Sông Hậu Trần Ngọc Sương, người vừa nhận được danh hiệu ''Người phụ nữ ấn tượng châu Á'' trong cuộc bình chọn tại Singapore hồi tháng 11/2002.

Mặc dù đã thành công trong thương vụ xuất khẩu 50.000 tấn gạo đầu tiên sang Tanzania mấy năm trước, nhưng bà Ngọc Sương cho rằng làm ăn tại châu Phi phải có vốn lớn vì ở đây thanh toán chủ yếu là bằng phương thức trả chậm, trong khi việc mở L/C lại rất phức tạp, có khi phải qua nhiều thủ tục rắc rối. Trong cách nhìn của bà Ngọc Sương, thị trường châu Phi tuy đầy tiềm năng nhưng cũng ẩn chứa nhiều rủi ro cho người bán do các hoạt động trung gian tiêu cực. Do vậy, để làm ăn được thì phải có đầu mối tại chỗ và có quan hệ tốt ở cấp chính phủ. Cách buôn bán hay nhất - theo bà Ngọc Sương - là có nhiều tiền, mang hàng sang trữ trong kho và bán dần, một cách làm ăn cổ điển mà hiệu quả lại cao.

Cùng suy nghĩ với bà Ngọc Sương, một doanh nhân người Hải Phòng thường xuyên đưa hàng vào châu Phi cho rằng trong một thị trường có nhiều nhu cầu như vậy, các nhà buôn nhỏ tồn tại một cách bình đẳng nhưng muốn làm ăn có hiệu quả cao thì phải liên kết với nhau. Mức cầu ở thị trường châu Phi rất cao, hầu như hàng gì mang qua bán cũng được. Giày dép, áo quần mang qua bao nhiêu đều tiêu thụ được hết. Phần lớn các nước ở châu lục này còn nghèo với GDP đầu người khoảng 210-300 USD, nhưng mức chi tiêu gia đình để giải quyết các nhu cầu tối thiểu chiếm tỷ lệ cao so với thu nhập: ở Mozambique là 82%, Uganda là 85%, Zambia lên đến 91%. Đúng là một thị trường tiềm năng phản ánh qua giá trị thương mại hàng hóa ở đa phần các nước châu Phi khá cao: Ma-rốc nhập mỗi năm 10 tỷ USD, con số đó ở Nam Phi là 29 tỷ USD, nghèo như Angola cũng phải nhập đến 3 tỷ USD hàng hóa.

Nhưng có lẽ những con số thống kê như vậy không mấy ý nghĩa với một thương nhân trẻ rất thực tế như Trần Văn Nam (TP.HCM). Giã từ nghề lái taxi cách đây hai năm, Nam theo anh em bên gia đình vợ "đánh" những chuyến hàng lớn sang Angola, nơi có khoảng 500 người Việt sống bằng nghề buôn bán, trong đó 300 người ở tại Thủ đô Luanda. Tại đây, địa bàn hoạt động chính là khu San Paolo - nơi báo chí nước này gọi là ''Vietnam Town'' - với bốn trung tâm thương mại mang tên Đồng Xuân đánh số từ 1 đến 4. Ngoài các sạp bán lẻ, các trung tâm Đồng Xuân còn có những điểm bán sỉ đủ mặt hàng: xe gắn máy mỗi đợt hàng lên đến cả nghìn chiếc từ Hải Phòng chở qua, sắt thép từ các tỉnh phía bắc, hàng điện tử, áo quần và vật liệu xây dựng từ TP.HCM. Các hiệu ảnh trang bị hiện đại, những quán ăn đông khách của người Việt làm cho khu này càng trở nên nhộn nhịp hơn.

Trần Văn Nam có đến ba cửa hàng bán giày dép, áo quần và các loại đồ dùng gia đình được chuyển từ TP.HCM sang, mỗi tháng vài container. Nay thì địa chỉ thư điện tử
namangola@yahoo.com đã rất quen thuộc đối với những người muốn đưa hàng sang thăm dò thị trường châu Phi. Sau hai năm lăn lộn tại Angola, Nam tích lũy được khá nhiều kinh nghiệm buôn bán.

Anh cho biết, người buôn bán hàng tiêu dùng quy mô vừa phải như anh thì rất thích hợp ở xứ này, vì Angola là một đất nước rộng lớn có cảng đến nhiều nước ven biển và có đường bộ vào đến trung tâm lục địa. Thuận lợi hơn nữa là Chính phủ và người dân Angola rất có cảm tình với người Việt Nam. Angola vừa trải qua một cuộc nội chiến nên nhu cầu tái thiết rất cao. Trong khi các công ty lớn của phương Tây tỏ ra không mặn mà với nơi này thì ngành xây dựng của Việt Nam có thể tận dụng thời cơ hiện nay để tiếp cận với một thị trường mới, Nam nhận định như thế và nói thêm: ''Đứng được trên thị trường này là nhanh chóng trở nên giàu có''.

Dường như các doanh nghiệp lớn của Việt Nam cũng đã nhận ra điều này khi thời gian gần đây họ đã tìm cách đặt chân vào thị trường Nam Phi, một đất nước 43 triệu dân có mức thu nhập bình quân đầu người hơn 3.000 USD, thuộc loại cao nhất châu Phi, mỗi năm phải nhập đến 700.000 tấn gạo của Thái Lan, Ấn Độ và Trung Quốc. Một số công ty trong nước cũng đang chuẩn bị thành lập các đại lý thương mại tại châu Phi như một chỗ dựa vững chắc cho hàng Việt Nam vào lục địa này.

Trong hướng mở rộng thị trường thì lục địa đen chính là một thị trường tiềm năng. Tất nhiên làm ăn không hề là chuyện đơn giản, nhưng không đi thì làm sao đến được.

(Theo TBKTSG)

  Gửi tin qua Mobile Gửi tin qua E-mail In tin Gửi phản hồi
CÁC TIN KHÁC:
Ăn Tết không quên hội nhập (06/02/2003)
TP.HCM: Nhiều DN sản xuất ngay trong những ngày Tết (06/02/2003)
Thị trường TP.HCM xuất hiện nhiều rau, hoa quả lạ (04/02/2003)
Chọn tour du xuân (03/02/2003)
Chung cư Hà Nội cần một mô hình mới (02/02/2003)
''VNPT cần tiếp tục phát triển theo hướng mô hình tập đoàn kinh tế'' (01/02/2003)
Giảm 30% cước truy nhập Internet trả trước 1260P (30/01/2003)
Du lịch đầu xuân - cuộc đua của các doanh nghiệp (30/01/2003)
Tháng đầu năm 2003, sản xuất công nghiệp cả nước tăng 14,9% (30/01/2003)
Giá nông sản những ngày giáp Tết tăng vọt (30/01/2003)
Cả nước sẽ có thêm 10.000 cơ sở sản xuất biogas (29/01/2003)
ADB tài trợ 75 triệu USD cho Việt Nam cải cách tài chính ngân hàng (29/01/2003)
''Mỹ cần xem xét vụ kiện cá tra một cách công bằng'' (29/01/2003)
Xuất khẩu quý I có thể tăng 25,6% (29/01/2003)
Xem tiep Tro ve dau trang