(VietNamNet) Với vai trò là điểm cuối của Hành lang kinh tế Đông - Tây (EWEC), Đà Nẵng đang nỗ lực chuẩn bị để đón đầu cơ hội này.
Những cơ hội đang mở ra
|
Lãnh đạo các nước ASEAN hội đàm tại Đà Nẵng về sự phát triển của Hành lang kinh tế Đông Tây. |
Nhân dịp đến Đà Nẵng dự hội thảo về Hành lang kinh tế Đông – Tây (EWEC) trong khuôn khổ "Hội chợ quốc tế về hàng xuất khẩu - tiêu dùng – du lịch" hồi tháng 7/2003, ông Udomsak Sritangos, Phó Tổng Lãnh sự Vương quốc Thái Lan tại TP.HCM, đã nhận xét: "Khi EWEC hình thành sẽ "kéo" ngành công nghiệp của các nước trên tuyến gần lại với nhau, tạo nên chuỗi điểm nhấn liên hoàn Đà Nẵng - Phú Bài - Lao Bảo - Savanakhet – Mukdahan!". Còn theo ông Lâm Quang Minh, Giám đốc Trung tâm Xúc tiến đầu tư Đà Nẵng, EWEC sẽ nâng giá trị tài nguyên (vốn rất giàu có ở miền Trung VN và Nam Lào) lên thành những sản phẩm cao cấp chứ không còn đơn thuần là nguyên liệu thô nữa. Trong điều kiện như vậy, theo nhiều nhận định, thương mại sẽ là lĩnh vực đi tiên phong cho sự liên kết, hợp tác phát triển giữa các quốc gia. Thương mại sẽ mở đường cho công nghiệp phát triển bằng những dự án đầu tư. Từ đó tạo điều kiện cho cơ sở hạ tầng phát triển, và qua đó cũng sẽ mở ra thời cơ lớn cho ngành du lịch. Thậm chí Thái Lan hiện đã có tour du lịch "Một điểm đến ba quốc gia": Sáng điểm tâm ở Thái Lan, trưa ăn cơm Lào và chiều tối tắm biển Đà Nẵng!
Ông Udomsak Sritangos kể, qua những chuyến đi theo đường bộ từ Thái Lan đến Đà Nẵng, ông mới nhận thấy hết được tiềm năng to lớn mà EWEC mang lại, đặc biệt là với các khu vực nghèo như Đông Bắc Thái (Khonkaen, Udomthani, Nomkhai... ) và miền Trung VN. Không chỉ phát triển kinh tế theo đường trục toàn tuyến mà hành lang kinh tế này sẽ như một mạng lưới phát triển nhiều nhánh vào mỗi quốc gia mà nó đi qua. Ông Lâm Quang Minh cũng đồng tình: "Từ đường trục, sẽ phát triển thêm các nhánh về phía Nam Thái Lan, theo hướng Bắc đến Vân Nam (Trung Quốc), Tây Ấn Độ... ".
Một điều rất rõ ràng là khi EWEC hoàn thành, con đường thông thương hàng hoá từ Mawlamyine (Myanmar) đến Cảng Đà Nẵng dài 1.450km sẽ được rút ngắn đáng kể về thời gian. Qua đó, không chỉ giảm chi phí vận chuyển mà việc đi lại của du khách cũng dễ dàng hơn... Lúc ấy, cảng Đà Nẵng sẽ trở thành điểm thu hút hàng hoá của cả khu vực 4 nước (Myanmar, Thái Lan, Lào và Việt Nam), hàng hoá từ Lao Bảo, Savanakhet, Mukdahan, Khonkaen... đổ về đây để xuất đi nước thứ ba. Từ đó, các cơ hội phát triển du lịch, thu hút đầu tư, phát triển nguồn nhân lực.. của Đà Nẵng sẽ được nâng lên.
Những nỗ lực tăng cường cơ sở vật chất
Đến thời điểm này, các nước liên quan đã có những động thái chuẩn bị khá chu đáo để đón đầu cơ hội khi EWEC hình thành và đi vào vận hành. Tại Lào, các tuyến đường thuộc EWEC đang được nâng cấp, dự kiến sẽ hoàn thành vào cuối năm 2004. Với Thái Lan, phần hành lang ở quốc gia này đã được nâng cấp hoàn chỉnh. Chiếc cầu thứ hai qua sông Mekong nối Mukdahan với Savanakhet cũng đang thành hình. Riêng ở Khonkaen đang xây dựng trường Đại học Đông Bắc Thái Lan rộng 900 ha, một sân bay quốc tế tương đương sân bay Nội Bài và khu khách sạn 4-5 sao làm nơi thường xuyên tổ chức các hội nghị thượng đỉnh của EWEC... Ông Lâm Quang Minh cho hay, trong chuyến công tác Đông Bắc Thái Lan mới đây, ông thấy nhiều doanh nghiệp ở đây biết về Đà Nẵng nhiều hơn ông tưởng. Đặc biệt, nhiều người dân ở khu vực này đang đua nhau học tiếng Việt!
Với Đà Nẵng, trước nhiều cơ hội phát triển mà EWEC mở ra trên các lĩnh vực thương mại, công nghiệp, du lịch.., thành phố đã và đang phát triển và hoàn thiện nhiều hệ thống cơ sở hạ tầng quan trọng như đường hầm Hải Vân; nâng cấp cảng Tiên Sa; nâng cấp đường vào cảng và xây dựng cầu Tuyên Sơn; nâng cấp Sân bay Quốc tế Đà Nẵng; nâng cấp hệ thống giao thông, xây dựng các đường ven biển Liên Chiểu - Thuận Phước, Sơn Trà - Điện Ngọc; xây cầu Sông Hàn, cầu Thuận Phước; hoàn thiện hệ thống viễn thông, cấp điện, cấp nước; xây dựng cơ sở hạ tầng 05 Khu công nghiệp... Trong khi đó, trường Đại học Ngoại ngữ Đà Nẵng cũng đang xúc tiến khẩn trương để sớm hình thành khoa tiếng Thái Lan. Rõ ràng EWEC đã đến rất gần và muốn làm ăn thì phải hiểu đối tác của mình là ai. Đây chính là những yếu tố thuyết phục nhất và ấn tượng nhất để thu hút các nhà đầu tư đến với Đà Nẵng.
|
Lãnh đạo các nước ASEAN tham quan cơ sở vật chất của Đà Nẵng chuẩn bị cho Hành lang kinh tế Đông Tây. |
Tháo dỡ vướng mắc cho doanh nghiệp Thái Lan
Hẳn nhiên, những nỗ lực tăng cường cơ sở vật chất nêu trên chỉ mới là phần "cứng" của quá trình chuẩn bị. Còn để sử dụng và khai thác có hiệu quả điều đó thì một phần "mềm" về cơ chế chính sách, năng lực từng doanh nghiệp, trình độ nguồn nhân lực... là cực kỳ quan trọng. Trên phương diện này, Đà Nẵng cũng đã hợp tác chặt chẽ với các địa phương của Lào, Thái Lan để có sự đáp ứng tốt nhất.
Trong cuộc gặp Đại sứ Thái Lan tại Việt Nam Krit Kraichitti hồi cuối tháng 10 vừa qua, Chủ tịch UBND TP. Đà Nẵng Huỳnh Năm đã khẳng định, Đà Nẵng cũng như các tỉnh miền Trung mong muốn có các đối tác làm ăn hiệu quả cùng khai thác giá trị của Hành lang Đông - Tây. Đà Nẵng có những doanh nghiệp lớn về chế biến xuất khẩu thủy sản và đang nhằm vào khai thác thị trường Đông Bắc Thái Lan. Ngoài ra, giữa Đà Nẵng và các tỉnh Thái Lan có nhiều cơ hội để liên kết trong sản xuất và xuất nhập khẩu ra thế giới khi giao thông đã thông thương. Ông đề nghị Đại sứ quán Thái Lan nghiên cứu khả năng mở cơ quan lãnh sự tại Đà Nẵng để giúp cho doanh nghiệp và khách du lịch của hai bên qua lại thuận lợi.
Đại sứ Krit Kraichitti cũng cho biết mối quan tâm của ông là tại sao Đà Nẵng và Thái Lan chỉ cách nhau một con đường ngắn nhưng các doanh nghiệp Thái Lan lại chưa mặn mà làm ăn ở miền Trung? Đó là lý do để ông dẫn đầu Đoàn cán bộ ngoại giao Thái Lan với sự tham dự của Tổng lãnh sự Thái Lan tại TP.HCM, các Tham tán thương mại, Tổng Giám đốc Hãng Hàng không Thai Airways cùng đến Đà Nẵng tìm hiểu những thuận lợi, khó khăn nhà đầu tư Thái Lan sẽ gặp khi làm ăn tại miền Trung. Tuy nhiên, ông khẳng định, những thông tin về cơ sở hạ tầng, về các chính sách ưu đãi dành cho nhà đầu tư nước ngoài của Đà Nẵng là một tín hiệu hấp dẫn đối với các doanh nghiệp Thái Lan. Hai bên thống nhất thường xuyên cập nhật các tin tức phục vụ cho mục đích thắt chặt và nâng cao các quan hệ hợp tác đầu tư, xúc tiến thương mại để doanh nghiệp hai phía có khả năng gặp gỡ và hợp tác cụ thể. Phía Thái Lan cũng đề nghị Đà Nẵng có thông tin cụ thể để cung cấp cho các doanh nghiệp Thái Lan tại Hội thảo về Hành lang kinh tế Đông Tây sẽ được tổ chức tại Đà Nẵng vào đầu năm 2004.
Đẩy mạnh hợp tác với doanh nghiệp Lào
Đối với Lào, trên nền tảng quan hệ hữu nghị truyền thống đặc biệt giữa hai Đảng và hai Nhà nước, trong khuôn khổ hợp tác Tiểu vùng sông Mekong mở rộng và Hành lang kinh tế Đông Tây, hơn 10 văn bản thoả thuận và ghi nhớ đã được Đà Nẵng ký với các tỉnh Viêng Chăn, Savanakhet, Sêkông, Chămpasak, Salavan, Bolikhamsay, Xaynhaburi, Attopư... Qua đó, tăng cường hỗ trợ doanh nghiệp của hai bên hợp tác sản xuất, kinh doanh, giúp đỡ về quy hoạch, phát triển nông nghiệp, hợp tác về y tế, giáo dục, văn hóa, xã hội. Đến nay, đã có hơn 10 doanh nghiệp Đà Nẵng có quan hệ làm ăn với Lào trên nhiều lĩnh vực như thương mại, tư vấn thiết kế, xây dựng, công - nông nghiệp, đưa kim ngạch buôn bán giữa hai bên không ngừng tăng trưởng. Nhiều hội chợ thương mại của Lào được các doanh nghiệp Đà Nẵng chú ý tham gia để mở rộng thị trường, tìm đối tác mới. Từ đó, nhiều hợp đồng đã được triển khai như Công ty Cơ kim khí Đà Nẵng xây dựng nhà máy phân vi sinh Savanakhet; Công ty Điện chiếu sáng Đà Nẵng xây dựng các công trình đèn trang trí, đèn tín hiệu điều khiển, đèn chiếu sáng; Tổng công ty Xây dựng miền Trung hợp tác với tỉnh Savanakhet thi công hồ thủy lợi Sesalalong và đào nền quốc lộ 12A, mặt đường biên giới Việt Lào; hợp tác khai thác và vận chuyển gỗ tròn tại Hồ Nậm - Thơn thuộc 2 tỉnh Bôlikhămxay và Khăm muộn, dự án thủy lợi Huội Thuột, Sekaman 3. Đà Nẵng cũng đã hỗ trợ heo giống và xây dựng trạm nghiền thức ăn gia súc cho 2 tỉnh Salavan và Sêkông. Đầu tháng 8/2003, Công ty Điện lực 3 và Tổng công ty Điện lực Lào đã ký thỏa ước mua bán điện... Bên cạnh đó, hai bên còn có nhiều hình thức liên doanh làm ăn về khách sạn, vận chuyển khách, tư vấn giám sát các công trình thủy lợi, văn hoá, giáo dục – đào tạo.
Bí thư Thành uỷ Đà Nẵng Nguyễn Bá Thanh trong lần gặp gỡ với Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Lào đã khẳng định, thành phố sẽ nỗ lực hết sức để giữ vững mối quan hệ truyền thống, tình hữu nghị anh em của hai nước Việt - Lào bằng những việc làm cụ thể có ích nhất. Tinh thần ấy sẽ được phát triển trên một bình diện cao hơn khi Đà Nẵng và các địa phương Hạ Lào cùng tham gia vào khai thác dự án Hành lang Kinh tế Đông Tây sắp hoàn thành trong năm 2004.
Tuy nhiên về cơ chế, chính sách hỗ trợ doanh nghiệp, nhiều ý kiến cho rằng các nước liên quan trong Hành lang kinh tế Đông – Tây cần tập trung xây dựng định hướng và quy hoạch phát triển kinh tế tư nhân, vì đây là thành phần có nhiều điều kiện phát triển khi EWEC hoàn thành; đồng thời hỗ trợ xúc tiến thương mại, khảo sát thị trường các tỉnh EWEC đi qua... Trên cơ sở đó, có chính sách sản phẩm phù hợp với thị hiếu tiêu dùng của từng vùng để phát triển sản xuất... Đặc biệt là chú trọng việc tuyên truyền, quảng bá nhằm giúp các doanh nghiệp hiểu được những lợi ích to lớn từ EWEC.
|