(VietNamNet) - Chính phủ đề nghị nâng mức khởi điểm chịu thuế đối với người Việt Nam lên 4 triệu đồng/tháng, đưa thu nhập từ chuyển quyền sử dụng đất vào diện chịu thuế, chuyển một số thu nhập không thường xuyên vào thu nhập thường xuyên. Sửa đổi này dự kiến có hiệu lực từ 1/7/2004.
|
Người dân chuyển quyền sử dụng đất sẽ phải nộp thuế thu nhập cao. |
Đây là một số nội dung mới sửa đổi, bổ sung Pháp lệnh thuế thu nhập đối với người có thu nhập cao Chính phủ vừa trình Uỷ ban Thường vụ Quốc hội.
Nâng khởi điểm chịu thuế lên 4 triệu đồng
Chính phủ đã đề nghị nâng mức khởi điểm chịu thuế đối với người Việt Nam từ mức 3 triệu đồng/tháng hiện nay lên 4 triệu đồng. Theo giải trình của Chính phủ, Pháp lệnh hiện hành quy định khi giá cả thị trường biến động từ 20% trở lên thì trình Uỷ ban Thường vụ Quốc hội điều chỉnh bằng mức tiền. Thực tế mức trượt giá bình quân từ 2001 (lần sửa đổi Pháp lệnh gần đây nhất) đến 2003 chỉ 4% trong khi dự kiến sửa đổi đã tăng mức khởi điểm chịu thuế thêm 33% (từ 3 triệu đồng lên 4 triệu đồng). Việc điều chỉnh khởi điểm chịu thuế lần này cũng căn cứ vào thang bảng lương Nhà nước quy định đối với cán bộ, công chức. Dự kiến sửa đổi điều chỉnh lương áp dụng từ 1/7/2004 với mức lương cao nhất 3,77 triệu đồng vẫn chưa phải nộp thuế.
Để giảm mức điều tiết về thuế đối với người Việt Nam, sửa đổi lần này còn nâng mức giãn cách về thu nhập chịu thuế bậc cao nhất và bậc thấp nhất từ 5 lần (15 triệu/3 triệu) lên 6,25 lần (25 triệu/4 triệu). Chính phủ cũng đề nghị bãi bỏ thuế suất cao nhất 50% và thuế thu nhập bổ sung. Người Việt Nam có thu nhập bình quân 10 triệu đồng/tháng hiện nay nộp 1,2 triệu đồng thì tới đây sẽ chỉ nộp 0,7 triệu đồng.
Đối với người nước ngoài, Chính phủ đề nghị bỏ thuế suất 50% cho phù hợp với mức thuế suất cao nhất của các nước trong khu vực. Còn lại vẫn giữ khởi điểm chịu thuế, mức giãn cách giữa các bậc như hiện nay. Tuy nhiên, Chính phủ đề nghị bổ sung thu nhập từ lao động của người nước ngoài ở Việt Nam dưới 30 ngày vào diện chịu thuế.
Chuyển quyền sử dụng đất chịu thuế thu nhập cao
Pháp lệnh lần này bổ sung thêm đối tượng hộ gia đình và cá nhân có thu nhập từ chuyển quyền sử dụng đất vào diện nộp thuế thu nhập cá nhân. Thuế suất thuế thu nhập từ chuyển quyền sử dụng đất đối với hộ gia đình, cá nhân được quy định là 28%. Sau khi tính theo mức thuế suất trên, số thu nhập còn lại nếu cao hơn 15% so với chi phí thì phải nộp thuế thu nhập bổ sung theo biểu luỹ tiến từng phần: đến 30% chịu thuế 10%, đến trên 60% phải nộp 25%.
Thu nhập chịu thuế từ chuyển quyền sử dụng đất được xác định bằng thu nhập từ chuyển quyền sử dụng đất trừ chi phí liên quan. Thu nhập được xác định theo giá thực tế chuyển nhượng tại thời điểm chuyển quyền. Trường hợp giá thực tế chuyển nhượng thấp hơn giá do UBND cấp tỉnh quyết định thì thu nhập từ chuyển quyền sử dụng đất được căn cứ vào giá đã quy định này. Chi phí chuyển quyền sử dụng đất bao gồm giá vốn của đất (tiền sử dụng đất Nhà nước thu, giá trên hợp đồng nhận đất...) và chi phí đền bù thiệt hại về đất, chi phí cải tạo san lấp mặt bằng...
Chính phủ đề nghị thu thuế từ chuyển quyền sử dụng đất vào thời điểm phát sinh thu nhập và sẽ quy định rõ nghĩa vụ kê khai nộp thuế của cá nhân có thu nhập từ chuyển quyền. Việc nộp thuế phải được hoàn tất trước khi nộp thuế trước bạ. Khoản thu nhập này có thể để người nhận quyền sử dụng đất nộp thay theo hợp đồng chuyển nhượng quyền sử dụng đất.
Đưa nhuận bút, tiền đề tài, giảng dạy... vào thu nhập thường xuyên
Sửa đổi Pháp lệnh lần này đã chuyển một số khoản thu nhập không thường xuyên như tiền nhuận bút, đề tài khoa học, giảng dạy, hoa hồng môi giới sang thu nhập thường xuyên áp dụng vào biểu thuế chung. Theo đó, sẽ bãi bỏ biểu thuế lũy tiến từng phần đối với thu nhập không thường xuyên và khoản thu nhập này được tổng hợp cùng thu nhập từ tiền lương, tiền công để làm cơ sở xác định thu nhập chịu thuế trong năm.
Để đảm bảo thu thuế kịp thời, Chính phủ sẽ quy định khi cơ quan chi trả tiền nhuận bút, đề tài, giảng dạy... sẽ khấu trừ thuế 10% và cấp biên lai thuế. Cuối năm tổng hợp với thu nhập từ tiền lương, tiền công nếu tổng thu nhập năm của cá nhân dưới 48 triệu đồng thì không phải nộp thuế. Số thuế tạm nộp sẽ được hoàn trả thông qua tài khoản mở tại cơ quan thuế.
Trừ 23% thu nhập để tính thuế đối với ca sĩ, cầu thủ bóng đá
Một số ý kiến cho rằng tính thuế thu nhập cao hiện nay đối với ca sĩ, nghệ sĩ xiếc, múa, cầu thủ bóng đá, vận động viên chuyên nghiệp... là bất hợp lý. Thu nhập của các đối tượng này chỉ giới hạn trong một số năm nhất định, không ổn định như tiền lương, tiền công. Khi có kỹ năng, thanh, sắc, sức khoẻ.... để hành nghề thì Nhà nước thu thuế trên toàn bộ thu nhập, nhưng khi không đủ khả năng để hành nghề thì Nhà nước không có chế độ bảo trợ từ số thu nhập đã nộp thuế. Do đó, Chính phủ đề nghị cho trừ 23% thu nhập chịu thuế. 23% này tương ứng mức nộp bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế (23% tiền lương) để bù đắp thu nhập cho các đối tượng này khi không còn khả năng hành nghề.
Sửa đổi thuế thu nhập cá nhân lần này nâng khởi điểm chịu thuế đối với trúng thưởng xổ số từ 12,5 triệu đồng/lần lên 15 triệu đồng. Mức khởi điểm chịu thuế thu nhập từ chuyển giao công nghệ được nâng từ 2 triệu đồng/lần lên 10 triệu đồng để khuyến khích việc chuyển giao này. Mức khởi điểm chịu thuế đối với quà biếu, quà tăng bằng hiện vật từ nước ngoài chuyển về được nâng từ 2 triệu đồng/lần lên 5 triệu đồng. Các mức thuế suất vẫn được giữ nguyên.
|