(VietNamNet) - Xuất khẩu thủy sản của Việt Nam vào Trung Quốc, Hongkong đã giảm mạnh: 51,1% về khối lượng, 53,3% về giá trị so với cùng kỳ. Hiện hai thị trường này chỉ chiếm 7% trong tổng giá trị kim ngạch xuất khẩu thủy sản của Việt Nam.
|
Thị trường xuất khẩu thủy sản 9 tháng năm 2003. |
Theo Bộ Thủy sản, tính đến hết tháng 10/2003, kim ngạch xuất khẩu thủy sản sang Trung Quốc và Hongkong chỉ đạt khoảng 122 triệu USD, giảm tới 157,8 triệu USD so với cùng kỳ.
Một quan chức Vụ Kế hoạch - Tài chính (Bộ Thủy sản), nói: xác định Trung Quốc là thị trường tiềm năng, thủy sản Việt Nam đã rất quan tâm đến quốc gia láng giềng khổng lồ này thông qua việc tham dự hội chợ, khảo sát thị trường. Tuy nhiên, đến nay khó khăn, vướng mắc khi xuất hàng vào Trung Quốc vẫn chưa được tháo gỡ.
Trao đổi với VietNamNet, ông Hồ Quốc Lực, quyền Chủ tịch Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP), Giám đốc Công ty cổ phần Sao Ta, cho biết, đó chính là phương thức giao hàng và thanh toán nhiều rủi ro; vận chuyển khó khăn, chi phí vận chuyển đường bộ cao; thuế nhập khẩu cao (khoảng 30%); chưa có sơ sở hạ tầng đáp ứng yêu cầu chuyên ngành (chợ cá, kho lạnh...) gần biên giới để tranh thủ cơ hội xuất hàng. Do vậy, các DN lớn ngại xuất hàng vào thị trường này, chủ yếu là do tư thương, buôn bán nhỏ làm.
Bên cạnh đó, theo ông Lực, trong khi kinh tế Trung Quốc ngày càng phát triển, thu nhập và đời sống cao hơn, nhu cầu thực phẩm ngon, bổ dưỡng tăng, thì DN Việt Nam vẫn chưa chú ý chặt chẽ đến chất lượng sản phẩm.
"Theo tôi biết, phía đông và nam Trung Quốc giáp biển nên có nguồn hải sản lớn, phong phú. Cộng với sản lượng tôm thẻ chân trắng lớn nhất châu Á, nên giá tôm, cá của Trung Quốc rất rẻ. Khi tôi tới Phúc Kiến, chợ thủy sản lớn thứ hai nước này, thì thấy đó là chợ đầu mối chuyên đưa hàng về phía tây (đồi núi). Do đó, tại Móng Cái, Lạng Sơn, chúng ta không thể xuất được sang Trung Quốc, mà ngược lại, thủy sản Trung Quốc còn đang thẩm thấu vào Việt Nam. Ta xuất khẩu thủy sản chủ yếu qua Hà Khẩu (Lào Cai), nhưng chỉ ở dạng nhỏ lẻ", ông Hồ Quốc Lực nói.
Mặt khác, từ đầu năm đến nay, do ảnh hưởng của dịch bệnh SARS và dư âm của nó, việc xuất khẩu vào Trung Quốc cũng giảm mạnh. Từ 30/6, Trung Quốc lại đưa ra những quy định mới về ghi nhãn, bao gói và chứng nhận về kiểm hàng, kiểm dịch. Nhãn hàng phải ghi rõ tên thông thường, phương thức khai thác. Hàng nhập khẩu sẽ bị trả lại hoặc tiêu hủy nếu không trùng khớp với giấy chứng nhận hay không đáp ứng yêu cầu về ghi nhãn. Những quy định trên cũng gây khó khăn trong việc xuất khẩu hàng thủy sản của Việt Nam.
Theo Vụ Kế hoạch - Tài chính (Bộ Thủy sản) từ 1/1/2004, thực hiện Hiệp định Khu vực Mậu dịch tự do ASEAN - Trung Quốc, cả hai bên sẽ phải giảm thuế nhập khẩu các mặt hàng thủy sản thuộc Chương 3 Danh mục thu hoạch sớm. Song, do Việt Nam là thành viên mới được đối xử đặc biệt và khác biệt, với mức thuế đỉnh cao hơn và thời gian giảm thuế kéo dài hơn (Trung Quốc đến năm 2006 phải giảm thuế xuống còn 0%, còn Việt Nam là năm 2008). Vì vậy, các DN cần làm tốt công tác xúc tiến thương mại để tận dụng lợi thế này. |
|