(VietNamNet) - Tin từ Tổng công ty Than Việt Nam cho biết vào lúc 10h sáng nay (21/11), tấn than thứ 16 triệu đã được rót xuống tàu Amstrong, giao cho khách hàng Marubeni (Nhật Bản). Như vậy, ngành than đã hoàn thành trước hai năm mục tiêu khai thác và tiêu thụ 16-17 triệu tấn/năm.
|
Niềm vui của công nhân ngành than khi đón tấn than thứ 16 triệu. |
Ô ng Đoàn Văn Kiển, Tổng giám đốc Tổng công ty Than, cho biết, dự kiến trong năm nay, sản lượng than khai thác đạt 20,1 triệu tấn, với 18 triệu tấn than sạch. Ngành sẽ tiêu thụ được 18 triệu tấn than thương phẩm, trong đó có 11,4 triệu tấn tiêu thụ nội địa và 6,6 triệu tấn xuất khẩu. Song, thành công hơn cả qua con số 16 triệu tấn, đó là luồng gió mới về mới nhận thức trong toàn bộ CBCNV của ngành, với tư duy kinh tế thị trường. Đặc biệt, Than Việt Nam đã đổi mới được tổ chức quản lý, đẩy mạnh đầu tư thiết bị công nghệ, mở rộng thị trường và chuyển đổi cơ chế kinh doanh đa ngành.
Một yếu tố thuận lợi đối với ngành than năm nay là thị trường được mở rộng và ổn định. Tổng công ty Than đã xuất được sang 30 thị trường. Antraxit, loại than gầy không khói của Việt Nam, đang là mặt hàng xuất khẩu đặc chủng lớn nhất thế giới. Than xuất khẩu vào Trung Quốc ổn định trở lại. Các thị trường Nhật Bản, Tây Âu, Hàn Quốc, Thái Lan, Đài Loan đều là những bạn hàng lớn và bền vững. Nhu cầu tiêu thụ nội địa tăng lên. Đặc biệt thị trường các tỉnh miền Nam tiêu thụ mạnh, chỉ tính riêng 4 ngành tiêu thụ than lớn là điện, đạm, xi măng, giấy mua trên 5 triệu tấn.
Theo Tổng công ty Than Việt Nam, tổng doanh thu năm nay của ngành dự kiến đạt gần 9.502 tỷ đồng, trong đó, doanh thu từ sản xuất than là 6.050 tỷ đồng, còn lại là các ngành nghề khác. Như vậy, tỷ trọng tính theo doanh thu của các ngành nghề khác so với than năm 2003 đạt 36/64%. Năm nay, Than Việt Nam nộp vào NSNN khoảng 375 tỷ đồng, lợi nhuận trước thuế đạt 352 tỷ đồng. Thu nhập bình quân của CBCNV đạt gần 2 triệu đồng/người/tháng. |
Đóng góp vào sự thành công của ngành than phải kể đến các đơn vị sản xuất cơ khí. Sau một thời gian tổ chức lại, cơ khí than không còn thụ động ở khâu sửa chữa như trước, mà mở rộng sang lĩnh vực chế tạo phụ tùng. Tận dụng tối đa nội lực, các đơn vị cơ khí trong ngành than đang mở rộng liên danh, hợp tác với DN cơ khí trong và ngoài nước để chế tạo, sản xuất thiết bị phục vụ khai thác hầm lò. Doanh thu của cơ khí Trung tâm Cẩm Phả, Động lực Cẩm Phả cũng tăng gấp 3 lần năm 2001.
|
Than Việt Nam đã xuất khẩu được sang 30 thị trường. |
Theo ông Đoàn Văn Kiển, việc khôi phục và phát triển mạnh mẽ ngành cơ khí mỏ theo hướng phát triển cơ khí chế tạo, hiện đại hoá cơ khí sửa chữa đã từng bước chuyển Than Việt Nam trở thành một tổ hợp công nghiệp nặng. Trong đó, than là ngành đóng vai trò trung tâm.
Năm nay, Than Việt Nam cũng đã làm tốt việc sắp xếp lại các DN trong toàn ngành. Chỉ tiêu của Tổng công ty trong 7 năm tới là tăng tỷ trọng doanh thu từ các nghề khác ngoài than lên 45% tổng doanh thu hàng năm. Riêng sản lượng than chắc chắn sẽ vượt con số 24 triệu tấn vào năm 2010. Tổng công suất các nhà máy điện chạy than do Than Việt Nam đầu tư hoặc tham gia đấu thầu sẽ từ 2.500- 3.000 MW, tương đương sản lượng 3,78 tỷ kWh/năm.
|