(VietNamNet) - Tin từ Tổng cục Du lịch Việt Nam cho biết, Luật du lịch (dự thảo) đang trong quá trình lấy ý kiến các chuyên gia để hoàn thiện thay cho Pháp lệnh Du lịch hiện hành. Dự kiến, Luật Du lịch sẽ được trình Quốc hội xem xét và thông qua vào năm 2005.
|
Năm 2003, Việt Nam dự tính đón 2,2 triệu khách quốc tế. |
Theo ông Vũ Tuấn Cảnh - Phó tổng cục trưởng Tổng cục Du Lịch Việt Nam - Pháp lệnh Du lịch được ban hành cách đây 4 năm (1999) và đến nay đã tỏ ra nhiều bất cập, không lường hết các quan hệ trong lĩnh vực du lịch mới phát sinh. Nhiều vấn đề như xã hội hoá du lịch, cho DN tư nhân tham gia kinh doanh du lịch, chia sẻ lợi ích với người dân địa phương nơi có địa điểm du lịch... cần phải được xem xét đến.
Tại cuộc toạ đàm về Luật Du lịch vừa được tổ chức tại Hà Nội, đại diện Tổ chức Phát triển Hà Lan cho rằng, Luật Du lịch phải thể hiện được tính bền vững, dựa trên cơ sở cộng đồng, sự cân đối giữa khu vực Nhà nước và tư nhân. Đồng thời, việc xã hội xoá du lịch phải đi liền với xoá đói giảm nghèo, bảo vệ sự bền vững và môi trường, lợi ích của dân trong vùng du lịch. Đặc biệt, các quy định của Luật Du lịch phải phù hợp với thông lệ quốc tế khi Việt Nam đề ra mục tiêu gia nhập vào Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) vào năm 2005.
Theo ông John J. Downes, chuyên gia tư vấn của Tổ chức Du lịch Quốc tế (WTO), một điểm quan trọng là luật phải đảm bảo tính bền vững. ''Các DN không chịu nổi nếu chạy theo luật vì sự thay đổi sẽ làm xáo trộn hoạt động kinh doanh của các DN'' - ông John Downes nói.
Bên cạnh đó, ông John Downes cũng khuyến nghị Việt Nam nên đưa ra những quy định hết sức cụ thể trong Luật Du lịch. Ông dẫn chứng: ''Chủ thể đưa ra là Nhà nước nhưng cần cụ thể. Đại diện Nhà nước ở đây là Tổng cục Du lịch hay một cơ quan nào khác? Hay luật cần phân biệt rõ hoạt động du lịch với vui chơi, giải trí''. Theo ông John Downes, cần quy định chi tiết các quy định bảo vệ quyền lợi cho khách du lịch.
|