Mỹ: Chính sách kinh tế mới
10:51' 08/01/2003 (GMT+7)
 

Tổng thống Mỹ George W. Bush hôm qua (7/1) công bố kế hoạch cắt giảm và cải cách chính sách thuế trị giá 670 tỷ USD trong vòng 10 năm. Động thái này, theo ông Bush và những người ủng hộ ông ta, là liệu pháp cần thiết để hồi sinh cho nền kinh tế Mỹ. Tuy nhiên, cũng có không ít ý kiến tỏ ra hoài nghi chính sách mạnh tay này.

Tổng thống Mỹ Bush

 

Với mục đích kích cầu, khuyến khích đầu tư và tạo công ăn việc làm cho người thất nghiệp đang đạt số lượng kỷ lục 6%, hy vọng đề xuất của Tổng thống Bush sẽ sớm được Quốc hội Mỹ thông qua. Để vượt được cửa ải này, ngoài sự ủng hộ tuyệt đối của Đảng Cộng hoà, ông Bush sẽ phải cầu cạnh một số phiếu thuận của các dân biểu Đảng Dân chủ.

 

Từ kế hoạch mạnh tay

 

Đề xuất cải cách chính sách thuế của Tổng thống Bush bao gồm những điểm cơ bản sau:

  • Bãi bỏ thuế đánh vào cổ tức của nhà đầu tư chứng khoán.
  • Áp dụng ngay lập tức từ 1/1/2003 việc thay đổi khung tính thuế thu nhập thay vì đến năm 2004 và 2006. Các mức thuế mới sẽ là 25%, 28%, 33% và 35% so với 27%, 30%, 35% và 38.6% hiện tại.
  • Tăng mức thu nhập khởi điểm bị đánh thuế từ 6.000 USD hiện nay lên 7.000 USD. Mức thuế vẫn giữ nguyên là 10%.
  • Tăng ngay lập tức mức khấu trừ thuế thu nhập cho nhà đầu tư chứng khoán có con từ 600 USD hiện nay lên 1.000 USD. Theo luật Mỹ, mọi công dân Hoa Kỳ đang phải nuôi con dưới 17 tuổi sẽ được hưởng khoản khấu trừ này 
  • Áp dụng chính sách ưu đãi thuế cho các vợ chồng mới cưới.
  • Tăng mức khấu hao cho doanh nghiệp quy mô nhỏ đầu tư mua sắm máy móc thiết bị mới từ 25.000 lên 75.000 USD.
  • Dành khoảng 3,6 tỷ USD cho các bang tạo việc làm cho người thất nghiệp.  

Đến hy vọng phục hồi kinh tế

 

''Chúng ta không thể hài lòng chừng nào mọi khu vực trên cả nước này đều chưa giàu có và hùng mạnh. Đã có những dấu hiệu không hay mà chúng ta không thể làm ngơ được. Bằng việc tiếp tục cắt giảm thuế thu nhập, chúng ta sẽ đẩy nhanh tốc độ hồi phục kinh tế và tạo việc làm cho công dân Mỹ'' - Tổng thống Bush tuyên bố tại Câu lạc bộ Kinh tế Chicago.

 

Bộ tham mưu của ông Bush tính toán rằng, chính sách thuế mới, nếu được Quốc hội thông qua, sẽ giúp khoảng 92 triệu người đóng thuế giảm được trung bình 1.083 USD thuế thu nhập năm 2003, 34 triệu gia đình có con nhỏ và tạo ra 2,1 triệu việc làm mới trong 3 năm tới.

 

Mặc dù tỏ ra hào phóng và mạnh tay như vậy, song Chính quyền Washington vẫn cương quyết không chịu chia sẻ với một số bang đang vật lộn với khó khăn. Ông Bush đã quyết định quay mặt với đề xuất rót 10 tỷ USD cho những bang này với lý do ''mục tiêu của liệu pháp này là kích thích kinh tế phát triển, chứ không phải lấy tiền của người đóng thuế bang này cho bang khác''.

 

Thông tin về chính sách kinh tế mới của Mỹ đã đẩy đồng đô la lên giá so với các đồng tiền khác của thế giới. Trong khi đó, chỉ số chứng khoán chỉ tăng nhẹ sau khi tăng đột biến hôm thứ hai.

 

Hay…

 

Chưa đến ngày định đoạt số phận của chính sách thuế mới, song các nghị sĩ Dân chủ và một vài kinh tế gia đã đánh tiếng phản đối. Họ cho rằng những biện pháp mà chính sách này đưa ra sẽ ít đưa lại hiệu quả, ngược lại, chúng sẽ khiến tình hình thâm thủng ngân sách liên bang trở nên tồi tệ hơn. Đặc biệt, chính sách này là chỉ vì người giàu mà thôi. Theo tính toán của Đảng Dân chủ, việc bãi bỏ 25% thuế cổ tức sẽ chỉ có lợi cho những ai có mức thu nhập từ đầu tư chứng khoán trên 1 triệu USD/năm, trong khi đó đại đa số cổ đông Mỹ chỉ kiếm được chưa đầy 50 USD từ cổ phiếu của mình.   

 

Thủ lĩnh Đảng Dân chủ tại Thượng viện Tom Daschle khẳng định rằng đề xuất của Tổng thống Bush sẽ không thể nào thực hiện được. ''Tổng thống đang đề xuất một kế hoạch mà chỉ hướng tới người giàu. Nó sẽ không giúp được gì ngay cho nền kinh tế, mà lại biến hơn 600 tỷ USD thành món nợ. Trước hết, không hề có sự kích thích trong kế hoạch kích thích của ông Bush. Thứ hai, nó vô cùng bất công'' - ông Daschle nói.

 

Hạ nghị sĩ George Miller của Đảng Dân chủ cũng khẳng định: ''Tổng thống đang đổ hơn 600 tỷ USD cho cái lý thuyết kinh tế nhỏ giọt cổ điển. Chúng tôi phản đối. Hãy dành tiền cho những ai thực sự cần nó''. Còn Thượng nghị sĩ Dân chủ John Edwards, người có thể sẽ là đối thủ của ông Bush trong cuộc bầu cử năm tới, thì cho rằng chính sách mới là ''quả bom ngân sách làm lợi cho tầng lớp giàu có nhất của Mỹ''.

 

Ngay cả Thượng nghị sĩ John McCain của Đảng Cộng hoà cũng bày tỏ ý định sẽ chống lại kế hoạch vì người giàu này của ông Bush.

 

Nhà Trắng đã đề ra 2 nhiệm vụ quan trọng nhất trong thời điểm hiện nay. Đó là hồi phục kinh tế và tăng cường an ninh nội địa. Các nhà quan sát nhận định rằng, đương kim Tổng thống có cơ hội tái cử hay không tuỳ thuộc vào việc ông ta có chèo lái được nền kinh tế tăng trưởng, giảm thất nghiệp và chấm dứt chuỗi 3 năm chao đảo của các thị trường chứng khoán Hoa Kỳ hay không.

 

(Tiến Dũng - Theo AP, Reuters) 

 

  Gửi tin qua Mobile Gửi tin qua E-mail In tin Gửi phản hồi
CÁC TIN KHÁC:
Chính phủ quyết tâm đạt mức tăng trưởng GDP cao hơn 7,5% (08/01/2003)
TNT Việt Nam tham gia cuộc chiến chống nạn đói (08/01/2003)
Phấn đấu xuất khẩu 50.000 lao động trong năm nay (07/01/2003)
Người mua nhà sở hữu nhà nước phải có hộ khẩu thường trú (07/01/2003)
Bộ trưởng Tài chính Nhật Bản sắp thăm Việt Nam (07/01/2003)
Chưa có thuốc đặc trị hàng giả? (07/01/2003)
Cần 17.452 tỷ đồng cho hạ tầng giao thông năm 2003 (07/01/2003)
Hoa Tết Huế có nguy cơ mất mùa (07/01/2003)
Sẽ có thêm 100.000 tấn bột nhựa PVC/năm (07/01/2003)
4 năm Pháp lệnh Du lịch: Còn quá nhiều bất cập (07/01/2003)
Ký hợp đồng dầu khí lô 01-02/97 (07/01/2003)
Phản ứng đầu tiên của Nokia sau ''vụ Đông Nam'' (07/01/2003)
1/3 số DNNN ngành nông nghiệp thua lỗ (07/01/2003)
Hàng dệt may vào Mỹ sẽ bị hạn chế ? (07/01/2003)
Xem tiep Tro ve dau trang