Bao cao su, băng vệ sinh sẽ không còn được ...vô tư đi khắp nơi!
11:37' 16/07/2003 (GMT+7)
Kotex, nhãn hiệu sản phẩm băng vệ sinh phụ nữ thường được trên truyền hình.

(VietNamNet) - Giai điệu "Tôi muốn vô tư cùng bạn bè đi khắp nơi, và tôi muốn được vui cười, mà sao vẫn thấy khó ghê, không được an toàn...!" cùng những hình thành "lớp dày lớp mỏng", "thấm ngược thấm xuôi" đã trở nên rất quen thuộc trong... mỗi bữa cơm gia đình! Nhưng trong thời gian tới, những hình ảnh quảng cáo gây phản cảm với không ít người xem về những vấn đề tế nhị kiểu như trên sẽ không còn xuất hiện trong thời gian nhạy cảm (từ 18-20h hàng ngày) nữa. 

Đây là nét mới trong Thông tư hướng dẫn thi hành Nghị định của Chính phủ quy định chi tiết thi hành Pháp lệnh Quảng cáo, đã được Bộ trưởng  Bộ VHTT Phạm Quang Nghị ký ban hành ngày hôm nay (16/7).

Nội dung Thông tư quy định rõ: "Không quảng cáo các loại sản phẩm hàng hoá mà nội dung, hình thức quảng cáo gây mất thẩm mĩ, không phù hợp với tâm lý, phong tục tập quán của dân tộc (như bao cao su, thuốc chữa bệnh ngoài da và các loại phẩm hàng hoá tương tự) trên Đài phát thanh, Đài Truyền hình từ 18-20h hàng ngày; trong chương trình biểu diễn nghệ thuật, vui chơi giải trí không treo, đặt, dán, dựng các sản phẩm quảng cáo cho loại hàng hoá này trên phông sân khấu; quảng cáo ở ngoài trời phải theo quy định của địa phương về địa điểm, thời gian, kích thước của sản phẩm quảng cáo loại hàng hoá này".

Ngoài những mặt hàng trên, Thông tư đã quy định cấm quảng cáo thuốc lá và dưới mọi hình thức. Riêng đối với mặt hàng rượu cũng không được quảng cáo ngoại trừ những loại rượu được Bộ Y tế quy định.

Theo nội dung của Quy định chi tiết thi hành Pháp lệnh Quảng cáo (Nghị định 24/2003) đã được Chính phủ ban hành ngày 13/3/2003, trên các chương trình phát thanh, truyền hình, không được quảng cáo ngay sau nhạc hiệu, hình hiệu của chương trình đó trừ các loại hình chiếu phim, văn nghệ, thể thao, vui chơi giải trí.

Mỗi đợt phát sóng cho một sản phẩm quảng cáo trên Đài phát thanh, Đài truyền hình không quá 8 ngày. Mỗi chương trình phim truyện trên Đài truyền hình không được ngắt để quảng cáo quá hai lần, mỗi lần không quá năm phút; mỗi chương trình vui chơi giải trí trên Đài phát thanh, Đài truyền hình không được quảng cáo quá bốn lần, mỗi lần không quá năm phút.

Ngoài ra, quảng cáo trên bảng, biển, pa-nô, màn hình, băng-rôn, vật phát quang, vật thể trên không, dưới nước, vật thể di động khác và các hình thức tương tự treo, đặt, dán, dựng ở ngoài trời hoặc tại điểm công cộng được quy định: Không được che khuất trên mười phần trăm diện tích sản phẩm quảng cáo đã đặt trước chưa hết thời hạn, theo hướng phía trước, cách hai trăm mét, nhìn vuông góc chính giữa với các quảng cáo có trước; Không được đặt trong hành lang an toàn giao thông, đê điều, lưới điện quốc gia; không được che khuất biển báo, đèn tín hiệu giao thông, bảng chỉ dẫn công cộng; Tại các đô thị, hạn chế quảng cáo có diện tích lớn ngoài trời không phù hợp với quy hoạch đô thị, an toàn xã hội, mĩ quan và cảnh quan môi trường.

Quy định thi hành Pháp lệnh Quảng cáo còn nêu những điều khoản và hướng dẫn chi tiết với những hoạt động quảng cáo có yếu tố nước ngoài.

Điều 3. Một số hành vi bị nghiêm cấm trong hoạt động quảng cáo theo quy định tại Điều 5 Pháp lệnh Quảng cáo được cụ thể như sau:

1. Quảng cáo có tính chất kỳ thị dân tộc, phân biệt chủng tộc, xâm phạm tự do tín ngưỡng, tôn giáo;

2. Quảng cáo có tính chất kích thích bạo lực, kinh dị; dùng từ ngữ không lành mạnh;

3. Dùng hình ảnh người lãnh đạo Đảng và Nhà nước Việt Nam;

4. Quảng cáo không đúng chất lượng hàng hóa, dịch vụ; không đúng địa chỉ cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ;

5. Ép buộc quảng cáo dưới mọi hình thức;

6. Quảng cáo hạn chế tầm nhìn của người tham gia giao thông; làm ảnh hưởng đến sự trang nghiêm tại nơi làm việc của các cơ quan nhà nước; dùng âm thanh gây tiếng ồn vượt quá độ ồn cho phép theo tiêu chuẩn Việt Nam:

7. Quảng cáo nói xấu, so sánh hoặc gây nhầm lẫn với cơ sở sản xuất, kinh doanh, hàng hóa, dịch vụ của người khác; dùng danh nghĩa, hình ảnh của tổ chức, cá nhân khác để quảng cáo mà không được sự chấp thuận của tổ chức cá nhân đó.

8. Quảng cáo thuốc chữa bệnh cho người bán theo đơn của thầy thuốc; thuốc chưa được cấp đăng ký hoặc hết hạn đăng ký, đã loại ra khỏi danh mục thuốc cho phép sử dụng; thuốc đã được đăng ký nhưng bị đình chỉ lưu hành; các thiết bị dụng cụ y tế chưa được phép sử dụng, dịch vụ y tế chưa được phép thực hiện tại Việt Nam.

9. Quảng cáo hàng hóa, dịch vụ khác mà pháp luật cấm quảng cáo.

(Trích Quy định chi tiết thi hành Pháp lệnh Quảng cáo)

  • Nhật Mai 
  Gửi tin qua Mobile Gửi tin qua E-mail In tin Gửi phản hồi
CÁC TIN KHÁC:
174 DN thuỷ sản được xuất vào Hàn Quốc (16/07/2003)
DN ''mỏi cổ'' chờ hải quan áp giá (16/07/2003)
TP.HCM sẽ thành lập công ty đầu mối sản xuất ôtô (16/07/2003)
Hà Nội bổ sung quy định thu tiền sử dụng đất khi cấp sổ đỏ (16/07/2003)
Giá cà phê xuất khẩu tăng mạnh (16/07/2003)
Trùm dầu lửa Nga biển thủ công quỹ và trốn thuế? (16/07/2003)
Trái cây đặc sản mùa nóng ''hạ nhiệt'' (16/07/2003)
Yan Can Cook quảng bá cho du lịch Việt Nam (15/07/2003)
Sức ép giảm thu, tăng thu (15/07/2003)
Ngân hàng nước ngoài đầu tiên thực hiện nghiệp vụ Option (15/07/2003)
WB sẽ cho Việt Nam vay thêm 700 triệu USD (15/07/2003)
DN cần có kế hoạch dự trữ gạo cho 6 tháng cuối năm (15/07/2003)
Yahoo sẽ mua lại Overtue với giá 1,6 tỷ USD (15/07/2003)
Xuất khẩu hàng Việt Nam sang Campuchia tăng vọt (15/07/2003)
Xem tiep Tro ve dau trang