SEA Games 22 là "cơ hội vàng" cho ngành du lịch thu hút du khách, nhất là cổ động viên đến từ các nước ASEAN. Thế nhưng, đến nay vẫn còn quá nhiều vấn đề đặt ra cho các công ty lữ hành: từ chuyện tìm vé đến chuyện đặt phòng cho du khách. Những khó khăn này có làm cơ hội tuột khỏi tay ngành du lịch?
Bức xúc chuyện vé!
|
Du khách Malaysia mua sắm tại chợ Bến Thành. |
Liên tiếp trong gần một tháng qua, chị Lê Hoàng Yến, Trưởng phòng Thị trường Trung tâm dịch vụ du lịch Bến Thành (trực thuộc Công ty Du lịch Bến Thành), phải chạy đôn đáo tìm đặt mua vé cho các tour du khách nước ngoài đến Việt Nam xem thi đấu thể thao tại SEA Games 22.
Tuy nhiên, đến chiều 13/11, chị Yến cho hay cách đây một ngày chị mới chỉ liên hệ được với sân vận động quốc gia Mỹ Đình về việc đặt vé cho một số trận đấu tại sân vận động này, còn lại hàng chục địa điểm thi đấu ở các địa phương khác vẫn chưa hề có vé hay một xác nhận nào khẳng định công ty của chị sẽ có để phân phối cho du khách.
Phó giám đốc Sở Du lịch TP.HCM Lê Nhựt Tân:
Ngay từ đầu năm ngành du lịch thành phố đã xác định đây là sự kiện tốt nhất để đẩy mạnh quảng bá, thu hút khách du lịch đến TP.HCM, Việt Nam, bằng nhiều hình thức như rà soát lại hệ thống khách sạn, hệ thống các công ty lữ hành...
Trong đó riêng các công ty lữ hành của thành phố đã được sở hướng dẫn, tập huấn xây dựng các tour du lịch trong mùa SEA Games, in ấn các sản phẩm nhằm quảng bá du lịch. Tuy nhiên, cũng phải thừa nhận một điều là chúng ta vẫn còn bị động, nhất là việc phân phối vé. |
"Điều chúng tôi cần là thông tin về giá và số lượng vé phân phối cho doanh nghiệp, để trên cơ sở đó sẽ thiết kế các chương trình tour gửi cho đối tác nước ngoài quảng bá, thu hút du khách đến nhân dịp SEA Games. Song đến giờ này chúng tôi vẫn chưa thể làm gì được", chị Yến bức xúc nói!
Điều bức xúc trên đang là tình trạng chung của hầu hết công ty lữ hành quốc tế lớn như: Vietravel, Hòa Bình, Lửa Việt... Anh Phan Xuân Hiệp, Phó phòng Kinh doanh Công ty Lửa Việt, cho biết: "Các đối tác ở thị trường Singapore, Indonesia... liên lạc thường xuyên hỏi về các chương trình tour du lịch kết hợp xem SEA Games 22, nhưng vì không có thông tin gì chắc chắn cho việc phân bổ vé nên chúng tôi cũng đành báo cho họ... chờ xem sao".
Còn Giám đốc Công ty lữ hành Dragon Indochine (TP.HCM) Nguyễn Thị Hiếu cho biết: "Vì không có vé, chúng tôi đành phải từ chối tổ chức các tour cho khách du lịch bình thường và chỉ còn nhận đặt phòng khách sạn, thuê xe cho đoàn quan chức các công ty tài trợ cho đội tuyển thể thao Thái Lan sang Việt Nam lần này mà thôi".
Trong khi đó, tại Công ty Vietravel đến 15h trưa 13/11, ông Nguyễn Văn Cường, Trưởng phòng Nghiên cứu và phát triển, cho biết vẫn chưa nhận được phản hồi gì về số lượng 7.400 vé mà họ đã gửi đăng ký từ ngày 7/11 (có cả biên nhận của EMS).
Theo một số công ty du lịch lữ hành, nếu ban tổ chức SEA Games 22 thực hiện việc phân bổ vé và công bố giá vé sớm hơn thì họ hoàn toàn có thể chủ động trong việc xây dựng các chương trình, thậm chí tranh thủ ra nước ngoài tham dự các triển lãm, hội chợ du lịch quốc tế để tiếp thị, quảng bá cho ngành du lịch Việt Nam nhân sự kiện này.
Phòng khách sạn, tất cả đều đã đầy ắp?
Việc đặt phòng trước cho du khách vào thời điểm diễn ra SEA Games 22 hiện cũng là vấn đề ngoài tầm với của nhiều công ty du lịch. Phó Tổng giám đốc Công ty Du lịch Apex, Kitagawa Koichi, tỏ ra bức xúc: "Từ hơn một tháng trước đây khi chúng tôi liên hệ với các khách sạn ở TP.HCM, phần lớn đều cho biết phòng khách sạn đã hết vào thời điểm diễn ra Sea Games 22, hoặc nếu còn thì giá tăng cao hơn nhiều so với bình thường!".
Theo nhiều công ty lữ hành, với hệ thống khách sạn của TP.HCM và Hà Nội, không loại trừ một số khách sạn đã cố tình "làm mình làm mẩy" lợi dụng cơ hội này nâng giá phòng lên cao. Giá phòng của các khách sạn 3-4 sao hiện đã tăng thêm trên dưới 20 USD/phòng/ngày, gây thêm khó khăn cho hoạt động kinh doanh du lịch.
"Đối tác của chúng tôi ở các nước ASEAN phiền lòng lắm bởi chúng tôi hối thúc họ tìm khách, gửi khách nhưng đến khi có khách chúng tôi lại trả lời không thể xác nhận vì không có phòng", anh Trần Thanh Phong, nhân viên phòng Thị trường nước ngoài Công ty Vietravel, ngao ngán nói.
Theo ước tính của một số công ty lữ hành quốc tế, thông qua sự kiện SEA Games 22 ngành du lịch Việt Nam sẽ có cơ hội để có thể "lôi kéo" được 60.000-70.000 khách. Tuy nhiên, việc tạo nên cơn sốt phòng giả tạo và chậm trễ phân bổ vé cho các doanh nghiệp lữ hành hiện nay có thể làm cơ hội trên tuột qua tầm tay.
Theo ước tính chỉ riêng của Công ty Du lịch Bến Thành, lượng du khách các nước ASEAN đến Việt Nam nhân kỳ SEA Games 22 bị giảm khoảng 50% so với dự kiến ban đầu. Mở cho chúng tôi xem hộp thư email của hầu hết khách hàng từ Indonesia, Philippines..., chị Lê Hoàng Yến tiếc rẻ: "Chúng tôi đã phải gửi thư xin lỗi, rồi hứa với họ nhiều lần và kết quả là nhiều người trong số họ đã không còn kiên nhẫn...".
Công ty Vietravel cũng rơi vào tình cảnh tương tự. Theo anh Phong, tính đến ngày 13/11, họ chỉ mới xác nhận chắc chắn được gần 100 khách trong tổng số khoảng 700 khách từ Thái, Malaysia, Indonesia và Singapore đã đặt chỗ trước.
"Các khách sạn vẫn hứa với chúng tôi là sẽ sắp xếp phòng và yêu cầu chuyển tên khách cho họ, nhưng mọi việc vẫn phải chờ. Vietravel vừa dời ngày xác nhận với một đoàn hơn 300 khách Indonesia vì chưa thể tìm được phòng khách sạn cho đoàn này", anh Phong bức xúc.
Muộn vẫn còn hơn không!
Mặc dù muộn song trước thực tế như hiện nay, nhiều doanh nghiệp lữ hành cho biết họ vẫn phải vắt chân lên cổ để chạy tìm cho mình một lượng khách nhân sự kiện này. Để giải quyết khó khăn về phòng ốc, một số công ty vẫn thường xuyên làm việc với các khách sạn để lấy phòng, mặt khác họ đã chủ động thương thảo với đối tác để giải quyết vấn đề chỗ ở như "homestay" (ở cùng với dân), thuê căn hộ...
Ông Nguyễn Quốc Kỳ, Giám đốc Vietravel, cho biết phương án homestay đang được công ty cân nhắc để thực hiện đối với những đoàn khách nhỏ, lẻ. Một số công ty khác như Du lịch Bến Thành, Hòa Bình... cho biết sẽ thuyết phục khách đan xen việc xem SEA Games với các tour đi các vùng ĐBSCL nhằm giãn ngày nghỉ của du khách tập trung quá lâu ở trung tâm thành phố.
Riêng vấn đề vé, Phó Tổng cục Du lịch Việt Nam, kiêm trưởng ban hậu cần và dịch vụ công cộng Phạm Từ cho biết ông cũng rất bức xúc trước việc chậm trễ phân bổ vé cho các công ty lữ hành quốc tế, mặc dù trước đó ban tổ chức SEA Games đã lưu ý là sẽ ưu tiên bán vé tham dự các trận đấu ở SEA Games 22 cho du khách nước ngoài. Tuy nhiên vì nhiều lý do khác nhau (?!) đã khiến việc phân bổ vé không kịp tiến độ như dự kiến.
Và để khắc phục nhanh tình trạng này, thay mặt Tổng cục Du lịch, ông vừa giới thiệu cho Ban tổ chức SEA Games 22 một danh sách hơn 200 công ty lữ hành quốc tế trên toàn quốc, trên cơ sở danh sách này ban tổ chức sẽ xuất vé cho các công ty.
(Theo Tuổi Trẻ)
|