(VietNamNet) - ''Bộ trưởng có thể dũng cảm nói ra con số, mức độ, địa chỉ cụ thể nợ XDCB của các DN thuộc Bộ GTVT?''. Trước đề nghị thẳng thắn này của ĐB Đỗ Ngọc Ngoạn (Hà Giang), Bộ trưởng Đào Đình Bình cho biết: "Có thể nói, hiện nay các DN của ngành GTVT, đặc biệt các DN làm về xây dựng công trình giao thông đều có hai tồn tại lớn là: lỗ và nợ!".
|
Bộ trưởng Đào Đình Bình |
Lỗ vì ham thầu giá thấp
Áp lực doanh thu đã khiến các doanh nghiệp của ngành giao thông bằng mọi giá để có hợp đồng. Theo như Bộ trưởng Đào Đình Bình: "Các DN này thậm chí còn giảm mức thầu xuống 40-50% giá trị thầu thực tế. Bỏ thầu giá thấp nên đến khi có hợp đồng thì DN lại không đủ tiền làm, mà ngân hàng lúc đó cũng không dám cho vay. Vậy là phải bỏ dở công trình ở giữa chừng". Giải quyết hậu quả cho những "đứa con đẻ" này, Bộ trưởng Bình cho biết, Bộ GTVT đã phải chấp nhận lỗ, bỏ thêm vốn để hoàn thành dứt điểm một số công trình quan trọng, dây dưa trong thời gian quá dài.
Chủ tịch Quốc Hội Nguyễn Văn An: |
Đề nghị Bộ trưởng Đào Đình Bình lưu ý khi đưa ra mức kỷ luật cho những giám đốc doanh nghiệp bỏ thầu giá thấp và làm ăn thua lỗ. Bộ trưởng vừa đưa ra hình thức "cho nghỉ hưu sớm" thì các ĐB phía dưới đều ồ lên, chứng tỏ sự nhất trí chưa cao. Nghỉ hưu là một chính sách tốt đẹp của Nhà nước ta, đề nghị Bộ trưởng không quy định như vậy... |
Tuy nhiên, về đề nghị công khai địa chỉ các DN này, Bộ trưởng Bình có ý kiến: "Vấn đề nợ nần liên quan đến sự tồn tại của DN và công ăn việc làm của công nhân. Vậy nên nếu bác Ngoạn cần có thông tin thì chúng tôi sẽ thông báo sau, chứ còn công khai như vậy thì rất bất lợi cho công việc làm ăn của các DN".
Ngay sau đó, Bộ trưởng GTVT cũng đưa ra một phương án xử lý khá mạnh của ngành để làm yên lòng các ĐB: "Việc DN nào nợ nần và lỗ chúng tôi đều kiểm soát được và có biện pháp xử lý, chấn chỉnh. Chúng tôi đã có quy định cấm các DNB của ngành GTVT bỏ thầu giá thấp. DN nào cố tình vi phạm, dẫn đến việc làm ăn thua lỗ thì giám đốc DN đó sẽ bị cách chức và cho... về hưu sớm!".
Ông cũng nói thêm: "Việc các DN của ngành đầu tư không chính xác, thiếu hiệu quả cũng là nguyên nhân chính dẫn đến làm ăn thua lỗ".
... Lỗ hóa ra lại hay?
Hiện tượng các DN bỏ thầu giá thấp dẫn tới thua lỗ, theo Bộ trưởng Đào Đình Bình lại là một cách giúp Bộ tháo gỡ cho những khó khăn khác.
Bộ trưởng nói: "Do các nhà thầu bỏ vốn giá thấp nên chúng ta có một khoản vốn dư ODA khá lớn. Nguồn vốn này giúp chúng ta có thể sử dụng làm nhiều công trình quan trọng khác. Giả dụ, công trình đường Xuyên Á được thực hiện theo kiểu bỏ thầu đã giúp chúng ta có vốn để làm được 6 cầu vượt cho TP.HCM".
Chậm thi công do "giải phóng mặt bằng xôi đỗ"
ĐB Dương Trung Quốc: Tầm nhìn chiến lược và quy hoạch giao thông của chúng ta chưa thoả đáng. Điều này thể hiện ngay ở việc giữa lòng Hà Nội chúng ta lại dựng một cái cầu phao để giải quyết áp lực cho cầu Chương Dương.
Bộ trưởng Đào Đình Bình: Chúng tôi không bao giờ nói chúng tôi có tầm nhìn tốt nhất. Nhưng nói là chúng tôi không có tầm nhìn thì không đúng. Tất nhiên, với hạn chế về quy hoạch giao thông hiện nay, chúng tôi sẽ tiếp tục tham khảo kinh nghiệm của nước ngoài để đưa ra những chiến lược hiệu quả hơn. |
Đó là lý giải của Bộ trưởng Đào Đình Bình đề tình trạng chậm tiến độ thi công của các công trình giao thông. Bộ trưởng bức xúc nói: "Bộ GTVT đã có sự phối hợp tích cực với các địa phương, kể cả những cam kết giữa Bí thư, Chủ tịch tỉnh với Bộ trưởng, nhưng tiến độ giải phóng mặt bằng vẫn thường không đảm bảo. Chẳng hạn như với dự án nâng cấp cải tạo QL6, khởi công từ năm 2002, nhưng cho đến nay vẫn chưa giải phóng mặt bằng xong ở những địa bàn: Thị xã Hoà Bình, Thị xã Sơn La. Các dự án QL2, QL3 trên địa bàn tỉnh Tuyên Quang, Hà Giang, Thái Nguyên, Cao Bằng, Bắc Cạn cũng ở trong tình trạng tương tự, nhiều người dân vẫn không chịu nhận tiền do chưa thống nhất về các tính giá đền bù, nguồn gốc đất đai".
Ông tiếp tục dẫn thêm một loạt khó khăn trong việc bàn giao mặt bằng giữa Bộ GTVT với các địa phương và tỏ ra không thể kiên nhẫn hơn: "Bàn giao kiểu xôi đỗ như vậy đã gây không ít khó khăn cho nhà thầu và làm ảnh hưởng cả đến tiến độ thi công và chất lượng công trình".
Còn với dự án cải tại nâng cấp QL1 đoạn Cần Thơ - Năm Can, Bộ trưởng thúc giục: "Gói thầu này do các nhà thấu Trung Quốc thực hiện... Theo kế hoạch thì đến tháng 10/2003 phải đạt 4% giá trị hợp đồng nhưng nhà thầu mới đạt 3%. Đề nghị các tỉnh Cần Thơ, Sóc Trăng, Bạc Liêu tích cực đẩy nhanh tiến độ giải phóng mặt bằng vì hiện mới chỉ đạt được 50% khối lượng".
"Tiền thì vẫn để đấy, vấn đề là chưa có mặt bằng nên công trình chưa thi công được thôi" - Bộ trưởng trả lời thắc mắc của ĐB Chu Quang Hà (Hà Giang) về tuyến đường đi qua địa phương này đang bị ngưng thi công. Bộ trưởng nói thêm: "Giữa Bộ GTVT và các địa phương cần phải có sự phối hợp tối đa, tuyệt vời thì sẽ đầy nhanh tiến độ thi công của các công trình".
Một lý do nữa, Bộ trưởng cho rằng công trình chậm tiến độ là do không được bố trí đủ vốn. Ngoài ra, Bộ trưởng Đào Đình Bình cho rằng: "Còn nhiều nguyên nhân khác nhau làm chậm tiến độ thi công, trong đó chủ yếu là những đề xuất thay đổi quy mô dự án của các địa phương ngay khi dự án đã bắt đầu xây dựng. Nhiều địa phương khi công trình bắt đầu lại có ý định mở rộng hơn nữa bề mặt cắt ngang đường hay thay đổi vị trí hướng tuyến...". Ngoài ra, các lý do "bất khả kháng" như thời tiết, địa chất, thuỷ văn... theo Bộ trưởng cũng là một cản trở rất lớn để Bộ GTVT hoàn thành kế hoạch.
|