Thị trường cuối năm:
Nhiều mặt hàng, dịch vụ tăng giá quá sớm
11:49' 13/11/2003 (GMT+7)

Trong thời gian qua, rất nhiều các mặt hàng và dịch vụ đồng loạt tăng giá. Hàng hóa tăng giá nhiều, khiến người tiêu dùng không khỏi băn khoăn, thắc mắc. Liệu có xảy ra những "cơn sốt" giá vào dịp cuối năm?

Giá bán rau, củ, quả tăng 30-50%

Giá bán rau, củ, quả tăng 30% - 50%.

Chỉ tính trong vòng 45 ngày qua, giá bán các loại rau tươi đã tăng tới 3 lần. Cụ thể mặt hàng rau cải xanh, giá bán trước đây chỉ đứng ở mức 2.500-3.000 đồng/kg, hiện nay đã tăng lên 6.000 đồng/kg (tăng 50%), xà lách xoong từ 10.000 đồng/kg lên 20.000 đồng/kg, cà rốt và khoai tây từ 7.000-8.000 đồng/kg lên 10.000 đồng/kg, đậu que từ 4.000 đồng/kg lên 7.000 đồng/kg...

Theo các thương lái, sở dĩ giá bán các loại rau liên tục tăng là do mưa to, kéo dài trên diện rộng, dẫn đến một lượng rau rất lớn ở các nhà vườn bị giập nát, hư hao. Nhưng theo một số người bán lẻ, từ khi chợ đầu mối rau, củ, quả Cầu Muối (quận 1) chuyển ra kinh doanh tại chợ Tam Bình (Thủ Đức), cộng với việc thành phố cấm xe tải vào nội thành, đã khiến chi phí vận chuyển hàng hóa tăng thêm.

Giá bán các loại nông sản thực phẩm như gạo, đậu, mè, đường đã tăng khá mạnh sau một thời gian dài ổn định ở mức thấp và trung bình, đến nay đã tăng đột biến 1.000-5.000 đồng/kg tùy loại. Tương tự, 2 mặt hàng đậu và mè cũng đang đứng ở mức giá rất cao: đậu xanh hột 8.600 đồng/kg, mè trắng 23.000 đồng/kg, giá bán lẻ các loại đường tăng thêm 500 đồng/kg...

Ông Nguyễn Chí Trung, Phó ban quản lý chợ đầu mối Trần Chánh Chiếu cho rằng, mặt hàng đậu các loại cung cấp cho TP.HCM chủ yếu là từ các tỉnh miền Trung đưa vào. Nhưng do ảnh hưởng bởi lũ lụt đã khiến nguồn cung bị giảm mạnh, dẫn đến giá tăng. Lượng gạo về chợ đầu mối khá ổn định, nhưng giá bán tăng là vì các doanh nghiệp đang trong thời kỳ giao hàng theo hợp đồng xuất khẩu. Bên cạnh đó, nhu cầu tiêu dùng các loại gạo đặc sản ở cả 2 miền Bắc và Trung ngày càng nhiều hơn, cộng với giá phân bón, vật tư nông nghiệp tăng đã làm cho gạo “sốt” giá liên tục ngay từ đầu tháng 11/2003.

Riêng giá đường tăng là do Hiệp hội Mía đường thống nhất ấn định tăng thêm 400 đồng/kg, sau khi đã tiêu thụ hết lượng đường tồn kho. Giá các mặt hàng nông sản tăng còn do nhu cầu mua dự trữ của các cơ sở, chuẩn bị nguyên liệu để làm bánh mứt dịp lễ Tết cuối năm. Chính từ những yếu tố trên, theo dự báo của các chuyên gia thị trường, giá bán nhiều mặt hàng nông sản thực phẩm từ nay đến cuối năm sẽ còn tiếp tục tăng.

Ngoài ra, trong tuần qua,
giá bán gas lại tiếp tục tăng khá cao: khoảng 4.000 đồng/bình (loại 12kg). Giá phân NPK đã tăng 10-12% so với hồi đầu tháng 10/2003.

Một số loại dịch vụ rục rịch tăng giá

Do đang vào cao điểm mùa cưới, các dịch vụ như trang điểm cô dâu, cho thuê áo cưới và chụp hình tại một số nơi cũng đã tăng giá 5-10%. Mới đây, ngành đường sắt đã công bố bán vé tàu hỏa đi lại trong dịp Tết. Tùy theo thời điểm đi trước hay sau Tết Nguyên đán 2004, giá bán vé sẽ được điều chỉnh tăng hoặc giảm trong khoảng 7%. Thông tin từ một số doanh nghiệp vận tải cho biết, giá cước vận chuyển trong thời gian tới chắc chắn sẽ tăng, nhưng mức tăng cụ thể là bao nhiêu thì còn phải chờ. Theo đó, các dịch vụ du lịch cũng đã lên kế hoạch điều chỉnh giá theo chiều hướng tăng dần từ nay cho đến Tết Giáp Thân.

Đây là lần đầu tiên nước ta tổ chức SEA Games 22, chắc chắn sẽ kéo theo một lượng du khách rất lớn đến từ các nước. Hơn nữa, Tết Nguyên đán 2004 chỉ đến sau Tết Dương lịch khoảng 3 tuần lễ, do vậy ngay từ bây giờ, nhiều đơn vị đã cùng một lúc phải triển khai rất nhiều công đoạn chuẩn bị nguyên vật liệu với số lượng lớn để phục vụ tiêu dùng, chế biến thực phẩm… Điều này thể hiện rõ nhất với việc bia 333 tăng giá bán thêm 12.000 đồng/thùng so với hồi đầu tháng 11/2003, trong khi những năm trước giá bán chỉ tăng trước Tết Nguyên đán khoảng hơn 1 tháng. Ngoài những yếu tố trên, thì việc điều chỉnh giá bán lẻ xăng dầu của Chính phủ đã thực sự ảnh hưởng đến chi phí sản xuất và vận chuyển hàng hóa.

Vấn đề đặt ra hiện nay là các ban, ngành chức năng cần lưu ý và có sự điều tiết, thông báo giá cả kịp thời, chính xác một số mặt hàng thiết yếu như gạo, phân bón, vật liệu xây dựng… để tránh tình trạng đầu cơ, tích trữ hàng hóa, tạo những "cơn sốt" giá giả tạo, làm ảnh hưởng đến sản xuất và người tiêu dùng.

(Theo SGGP)
 

  Gửi tin qua Mobile Gửi tin qua E-mail In tin Gửi phản hồi
CÁC TIN KHÁC:
TP.HCM vận động vốn ODA cho 18 công trình lớn (13/11/2003)
Kiểm tra, thanh tra là khâu trọng yếu (13/11/2003)
Vì sao sau 6 năm vẫn nhỏ giọt (12/11/2003)
DN ''đơn thương độc mã'' trong cuộc chiến chống hàng giả? (12/11/2003)
S-Fone có gạt khách hàng? (12/11/2003)
CHLB Ðức kiểm tra gắt gao chất lượng thủy sản nhập khẩu (12/11/2003)
Lãng phí ngân sách vì tiến độ "rùa bò" (12/11/2003)
Mỗi năm mất 25.000 tỷ đồng do rút ruột xây dựng cơ bản (12/11/2003)
Microsoft bán Office 2003 sớm hơn dự định (12/11/2003)
Giá thép trên thị trường tiếp tục tăng (11/11/2003)
Cá tai tượng chết hàng loạt (11/11/2003)
Phát hiện mỏ khí đốt lớn ngoài khơi Việt Nam (11/11/2003)
Giữa năm 2004 mới ký hợp đồng EPC dự án NM lọc dầu Dung Quất (11/11/2003)
Hải quan Nội Bài phát hiện nhiều vụ nhập lậu hàng hoá, ngoại tệ (11/11/2003)
Xem tiep Tro ve dau trang