(VietNamNet) - Cùng với những thay đổi tích cực của Luật Đất đai mới vừa được thông qua như: giá sát thị trường là phù hợp, thực hiện các thủ tục hành chính theo nguyên tắc ''một cửa''... thì đông đảo quần chúng đang đặc biệt quan tâm đến việc triển khai thi hành Luật Đất đai như thế nào? Ngay sau khi Luật Đất đai được Quốc hội thông qua, Bộ trưởng Bộ TN&MT Mai Ái Trực đã dành riêng cho VietNamNet một cuộc phỏng vấn xung quanh vấn đề này.
|
Bộ trưởng Mai Ái Trực. |
* Thưa Bộ trưởng, Quốc hội đã thông qua Luật Đất đai. Vậy đâu là những công việc cần làm để triển khai thi hành Luật?
- Có rất nhiều việc phải làm như soạn thảo và ban hành văn bản hướng dẫn thi hành; tuyên truyền, phổ biến nội dung Luật và các văn bản hướng dẫn; kiện toàn tổ chức bộ máy đủ sức thực hiện các nhiệm vụ theo quy định của Luật; tổ chức tập huấn cho cán bộ, công chức có liên quan về việc thi hành Luật.
* Luật lần này khá cụ thể, khối lượng văn bản hướng dẫn chắc là ít, thưa Bộ trưởng?
- Không nhiều như trước đây nhưng cũng không thể nói là ít. Hai Bộ có trách nhiệm chính trong việc chủ trì soạn thảo văn bản trình Chính phủ là Bộ Tài nguyên và Môi trường và Bộ Tài chính. Bộ Tài nguyên và Môi trường chủ trì soạn thảo Nghị định hướng dẫn thi hành Lụât Đất đai, Nghị định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực quản lý và sử dụng đất đai. Bộ Tài chính chủ trì soạn thảo dự án Luật Thuế sử dụng đất; Nghị định về bồi thường khi Nhà nước thu hồi đất để sử dụng vào mục đích quốc phòng, an ninh, lợi ích quốc gia, lợi ích công cộng, phát triển kinh tế; Nghị định về giá đất; Nghị định về thu tiền sử dụng đất và đấu giá đất; bổ sung các quy định về thuế thu nhập khi chuyển quyền sử dụng đất. Ngoài cũng sẽ có một số thông tư của các Bộ có liên quan về hướng dẫn thi hành những quy định trong Luật.
* Như vậy, vẫn còn nhiều văn bản hướng dẫn?
- Đúng vậy. Nhưng sẽ cố gắng soát xét đưa vào các văn bản hướng dẫn thi hành Luật những nội dung còn phù hợp của các văn bản hiện hành để tránh tình trạng quá nhiều văn bản dưới luật. Những văn bản hiện hành không còn phù hợp hoặc đã chắt lọc đưa vào văn bản mới thì sẽ bãi bỏ. Hiện có tới hơn 110 văn bản quy phạm pháp luật về đất đai do các cơ quan trung ương ban hành, chưa kể văn bản của các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương.
* Thưa Bộ trưởng, công việc về quản lý đất đai rất lớn và phức tạp. Trước mắt sẽ tập trung vào những việc gì để Luật có thể đi vào cuộc sống ngay?
- Sẽ tập trung vào sáu công việc chính: chấn chỉnh công tác quản lý quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất, trong đó trọng tâm là khắc phục quy hoạch treo; đẩy nhanh tiến độ cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, trọng tâm là đất ở tại các đô thị; kiểm tra, thu hồi diện tích đất giao không đúng đối tượng, sử dụng không đúng mục đích hoặc không sử dụng trong thời gian dài như Luật đã quy định, trọng tâm là đất của các nông trường, lâm trường, đất các dự án chung cư, sản xuất công nghiệp, dịch vụ; ban hành và quản lý giá đất theo quy định mới; đổi mới công tác thu hồi, đền bù giải phóng mặt bằng; đẩy mạnh công tác giải quyết tranh chấp, khiếu nại về đất đai và chuẩn bị thật tốt các điều kiện để giải quyết theo quy định của Luật mới.
* Thế còn phát triển và đưa thị trường bất động sản vào “luồng” thì như thế nào, thưa Bộ trưởng?
- Làm những việc trên cũng tức là góp phần để đưa thị trường bất động sản phát triển đúng hướng và lành mạnh. Ngoài Luật Đất đai, Chính phủ đang chỉ đạo các Bộ có liên quan chuẩn bị để trình Quốc hội Luật Đăng ký bất động sản, Luật Kinh doanh bất động sản. Đó là những văn bản pháp lý cần thiết cho thị trường này.
* Theo Bộ trưởng thì khâu trọng yếu để Luật Đất đai được thi hành nghiêm chỉnh là khâu nào?
- Đó phải là khâu kiểm tra, thanh tra. Luật lệ ban hành rồi nhưng không có kiểm tra, thanh tra, ai muốn làm sao cũng được thì không thể bảo đảm là luật thi hành nghiêm chỉnh và thống nhất. Với những quy định hiện hành, nếu làm tốt công tác kiểm tra, thanh tra thì không đến nỗi có nhiều vi phạm như vừa qua.
* Bộ trưởng có thấy yên tâm về bộ máy quản lý đất đai hiện tại, nhất là so với yêu cầu thi hành Luật mới?
- Rõ ràng là không yên tâm vì bên cạnh số đông anh chị em rất tốt vẫn còn một bộ phận không nhỏ yếu về năng lực và kém về phẩm chất. Đó là chưa kể khoảng hơn một phần ba số tỉnh không có phòng địa chính (nay là phòng tài nguyên và môi trường) cấp huyện trong khi theo Luật mới thì nhiệm vụ quản lý đất đai ở cấp huyện rất nặng. Việc thực hiện thủ tục hành chính như quy định của Luật đòi hỏi phải tổ chức lại bộ máy ở các địa phương, thành lập văn phòng đăng ký đất đai làm nhiệm vụ “một cửa” và đổi mới phong cách, lề lối làm việc, bảo đảm giải quyết thủ tục hành chính nhanh và đúng luật. - Xin cám ơn Bộ trưởng!
|