|
Lavie nhái trông rất giống Lavie thật. |
(VietNamNet)
- Hàng nhái, hàng giả đang là vấn nạn, gây thiệt hại không nhỏ cho các doanh nghiệp sản xuất chân chính, ảnh hưởng đến quyền lợi và sức khoẻ của người tiêu dùng và cả lợi ích quốc gia. Trước khi trông mong sự ra tay của cơ quan chức năng, các doanh nghiệp đang phải tự “chiến đấu” để bảo vệ mình.
Theo nhận định của các cơ quan chức năng, hàng nhái, hàng giả hiện đang có mặt mọi lúc, mọi nơi và trong mọi lĩnh vực. Thương hiệu càng nổi tiếng càng dễ bị làm nhái, làm giả. Giả về bao bì, kiểu dáng sản phẩm, logo và xâm phạm quyền sở hữu công nghiệp…Người tiêu dùng cảm thấy dường như mình không được ai bảo vệ, trong khi Nhà nước có hẳn một bộ máy công quyền chăm lo việc này với nhiều cơ quan được giao nhiệm vụ, là: cảnh sát kinh tế, quản lý thị trường, thanh tra khoa học công nghệ.
Mỗi doanh nghiệp một đội chống hàng giả
Trước thực trạng như vậy, không thể để chịu thiệt hại hàng ngày hàng giờ, các doanh nghiệp đã phải tự ra tay cứu mình. Tùy điều kiện mà mỗi doanh nghiệp có những cách chống hàng nhái, hàng giả khác nhau.
Trung Nguyên là thương hiệu cà phê nổi tiếng ở nước ta và cả ở nước ngoài. Theo lệ thường, những thương hiệu nổi tiếng thì hay bị làm hàng nhái, làm giả. Trung Nguyên cũng không ngoại lệ. Ông Đoàn Đình Hoàng - Giám đốc Tiếp thị Kinh doanh nội địa Công ty Cà phê Trung Nguyên cho biết, thời gian qua có gần cả chục nhãn hiệu khác nhái Trung Nguyên về màu sắc, hình ảnh, kiểu dáng bao bì và cả trên pa-nô, áp-phích… nhằm “ăn theo” sự nổi tiếng của Trung Nguyên.
|
Nếu không nói, người tiêu dùng rất dễ nhầm Omo thật với Omo nhái. |
Trung Nguyên đã thực hiện phương châm “mỗi nhân viên của công ty là một chiến sĩ trinh sát”. Dù ở đâu, lúc nào, nhân viên của công ty cũng có nhiệm vụ theo dõi, phát hiện và kịp thời báo cho công ty những nơi nào nhái, giả hàng công ty. Những ai phát hiện được nhiều vụ, công ty sẽ tuyên dương, khen thưởng kịp thời, xứng đáng. Mặt khác, công ty cũng chú trọng đến kênh thông tin từ khách hàng. Khi khách hàng điện thoại thắc mắc hay đem hàng trực tiếp đến văn phòng công ty khiếu nại, công ty sẽ cử nhân viên kỹ thuật giám định mẫu hàng để thông báo cho khách biết đâu là hàng thật, đâu là hàng giả. “Tất nhiên đó là những khách hàng “ruột” của công ty. Nhiều người khác khi mua trúng những sản phẩm nhái, giả, họ cho rằng sản phẩm của Trung Nguyên không tốt và quay sang mua sản phẩm của công ty khác, khi đó chúng tôi sẽ mất uy tín và sự thiệt hại là không thể tính bằng tiền”. Ông Hoàng nói. Hàng nhái, hàng giả tràn lan đến nỗi tháng 9 vừa qua, Trung Nguyên đã cho thay đổi toàn bộ hệ thống nhận diện sản phẩm của công ty, bao gồm mẫu mã bao bì, bảng hiệu cửa hàng, quán, đồng phục nhân viên, tờ bướm, thông tin trên báo, in lại danh thiếp… Chỉ riêng việc thay đổi bảng hiệu hơn 400 cửa hàng chính thức trong toàn quốc đã tốn hơn 2 tỷ đồng!
Tương tự là Công ty nước khoáng Long An. Bà Nguyễn Thị Tuyết Vân - Phó Tổng Giám đốc công ty cho biết, có thời điểm có đến trên 40 sản phẩm làm nhái, giả sản phẩm nước khoáng Lavie của công ty. Điều này gây tổn hại rất nhiều đến doanh thu và uy tín của công ty. “Chúng tôi phải tự chiến đấu để chống nạn hàng nhái, hàng giả” - bà Vân nói. Công ty đã cải tiến kỹ thuật bằng cách in nổi lên nắp chai và đáy chai hai chữ Lavie, thay đổi mẫu mã chai. Chỉ riêng việc thay đổi khuôn để thực hiện việc này, theo bà Vân, công ty phải tốn tới 100.000 USD. Công ty cũng cử một cán bộ chuyên trách làm đầu mối nghe ngóng, thu thập thông tin về hàng nhái, giả sản phẩm Lavie. Hiện nay, công ty chủ động hoàn toàn trong việc theo dõi, điều tra, phát hiện những cơ sở làm nhái, giả sản phẩm của công ty. Khi đã thu thập chứng cứ đầy đủ, công ty mới báo cho các cơ quan chức năng giải quyết.
Sản phẩm may mặc của Công ty May Việt Tiến cũng bị khá nhiều nơi làm nhái. Ông Phan Văn Kiệt - Trưởng phòng Kinh doanh công ty cho biết, công ty ông lập hẳn một tổ kiểm soát thị trường để chuyên theo dõi hàng nhái, hàng giả. Trên 80% thời gian hoạt động của tổ này là ở ngoài thị trường. Họ được công ty trang bị máy chụp hình, ghi âm để tác nghiệp. “Ngay bản thân tôi cũng đã nhiều lần làm “thám tử” theo dõi chuyện này” - ông Kiệt tiết lộ. Ngoài ra, công ty còn lập đường dây nóng và tận dụng tai mắt của hơn 10.000 công nhân của mình trong việc phát hiện hàng giả, hàng nhái. Bên cạnh đó, công ty cũng chú trọng đến việc nâng cao kiến thức cho người tiêu dùng thông qua phát hành rộng rãi tờ bướm phân biệt hàng thật hàng hàng giả, trưng bày hàng tại các hội thảo, hội chợ, đưa thông tin lên báo chí…
Cơ quan quản lý ở đâu?
Rất nhiều doanh nghiệp cho rằng, với cảnh sát kinh tế, quản lý thị trường, thanh tra chuyên ngành khoa học công nghệ, các câu lạc bộ chống hàng nhái, giả…thì không thể nói rằng nước ta thiếu lực lượng phòng chống nạn hàng nhái, hàng giả. Vấn đề là cơ chế xử lý tranh chấp còn lỏng lẻo, trách nhiệm của từng cơ quan chưa cao, cách tổ chức thực thi thiếu nhất quán, quy định xử phạt chưa nghiêm... Sự phối hợp giữa các cơ quan này là chưa đồng bộ và không kịp thời, thiếu phương tiện hiện đại, đặc biệt là cán bộ thực thi còn “non” kiến thức nghiệp vụ chuyên môn.
Không chỉ thế, còn có một thực trạng "luật bất thành văn": các doanh nghiệp phải “biết điều” nếu muốn các cơ quan chức năng ra tay dẹp hàng nhái. Đơn cử như khi thương hiệu thức ăn gia súc “Con heo vàng” của Công ty TNHH VIC (Hải Phòng) bị gần 40 cơ sở làm nhái, sau khi kêu cứu có vẻ thấy “không ăn thua”, công ty này đã đưa ra mức “thưởng” cho cơ quan chức năng 2 triệu đồng trên mỗi tấn hàng nhái thu được, đồng thời mua lại 2 triệu đồng/tấn số hàng đó.
Ông Nguyễn Văn Thích - Đội trưởng Đội chống hàng giả Cảnh sát kinh tế Công an TP.HCM còn nói thẳng thừng rằng doanh nghiệp chi tiền cho công tác chống hàng nhái, giả còn quá ít, trong khi chi phí quảng cáo rất lớn. “Quân ít, tiền ít, các cơ quan chức năng như chúng tôi khó mà làm việc hiệu quả” - Ông Thích thừa nhận.
Rõ ràng, với tình hình như vậy, công tác phòng chống nạn hàng nhái, hàng giả còn là “trận chiến” dài hơi mà “sống hay chết” chủ yếu phụ thuộc vào sức “chiến đấu” của mỗi doanh nghiệp.