Công trình cải tạo, nâng cấp hệ thống cấp, thoát nước TP.HCM:
Lãng phí ngân sách vì tiến độ "rùa bò"
10:54' 12/11/2003 (GMT+7)

Trước những sai phạm nghiêm trọng (làm phát sinh, tăng vốn đầu tư) trong công  trình cải tạo, nâng cấp hệ thống cấp, thoát nước TP.HCM. Cơ quan chức năng đã kiến nghị với Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo UBND TP.HCM kiểm điểm trách nhiệm của các đơn vị, cá nhân liên quan và có những hình thức kỷ luật phù hợp.

Tuyến ống nước thô Hoá An - Thủ Đức.

Trong hàng loạt các sai phạm như: việc chọn nhà thầu cung cấp ống bê tông cho tuyến ống nước thô làm thiệt hại trên 6,85 triệu USD; không cân đối nguồn vốn để ban quản lý dự án nộp thuế giá trị gia tăng theo quy định với số tiền trên 3,66 triệu USD, thanh toán giá trị thép của hạng mục xây dựng tuyến cống hộp Rạch Bùng Binh cao hơn mức cho phép... thì đáng xót xa nhất là sự sai phạm từ việc chủ đầu tư và Ban Quản lý dự án làm chậm tiến độ tới 18 tháng, gây lãng phí vốn đầu tư lên tới 82,7 tỷ đồng.

Trong số tiền vốn đầu tư được coi là lãng phí do sự chậm trễ của tiến độ công  trình, riêng tiền lãi vay là trên 62,1 tỷ và chi phí tư vấn là 1,2 triệu USD. Thời điểm bắt đầu thực hiện dự án là tháng 3/1996 và nếu đúng tiến độ thì tháng 3/2001 dự án đã phải hoàn thành. Nhưng thực tế cho đến tháng 9/2002, dự án mới được đưa vào sử dụng. Trong những lý do dẫn tới số tiền phát sinh lớn, có 58 tỷ đồng phát sinh do lãi vay ngân hàng, do tăng chi phí của Ban Quản lý dự án; có trên 803.705 USD phát sinh do việc xử lý chậm hồ sơ thanh toán cho các nhà thầu làm cho chủ đầu tư phải trả các khoản lãi do thanh toán chậm (mà các nhà thầu khiếu nại) và việc phải bồi thường 325.049 USD do việc kéo dài thực hiện hợp đồng, phải bồi thường cho các nhà thầu.

Với các sai phạm trên, các cá nhân là cựu quan chức của UBND TP.HCM, nhiều cán bộ đã nghỉ hưu hoặc là đương nhiệm của Sở Giao thông công chính thành phố, Công ty Cấp nước thành phố... đang được làm rõ trách nhiệm để xử lý, dù chưa đến mức phải truy cứu hình sự như cơ quan chức năng đề nghị.

Về phía chủ đầu tư, Công ty Cấp nước TP.HCM, các ông: Giám đốc Võ Văn Đường (thời kỳ trước năm 1996), ông Võ Quang Châu (từ năm 1996 đến nay); tại Ban Quản lý dự án cấp thoát nước thành phố, ông Võ Quang Lý (Giám đốc từ năm 1994-1996), ông Đào Quang Thọ (Giám đốc từ năm 1996 đến nay) phải chịu trách nhiệm về các sai phạm trên đặc biệt là về trình tự, thủ tục thực hiện dự án, về việc quản lý dự án và thực hiện Quy chế đấu thầu dẫn đến tổng sai phạm về kinh tế 246,3 tỷ đồng.

Về phía Sở Giao thông công chính TP.HCM, cơ quan chức năng xác định các ông: Nguyễn Đình Vũ và Võ Dũng, nguyên Giám đốc Sở phải chịu trách nhiệm về các sai phạm trong việc tham mưu cho UBND thành phố chỉ đạo chủ đầu tư thực hiện dự án; chịu trách nhiệm trong việc trực tiếp tham mưu cho lãnh đạo thành phố trình duyệt kết quả đấu thầu không đúng Quy chế đấu thầu; trong việc cho phép nhà thầu Mitsui thay đổi nhà thầu phụ gây thiệt hại cho Việt Nam trên 6,85 triệu USD; trong các việc chỉ định thầu sai quy định và trong việc không hướng dẫn giám sát để Ban Quản lý dự án chi sai quy định số tiền tương đương 5,4 tỷ đồng.

Kho bạc Nhà nước TP.HCM cũng phải chịu trách nhiệm trong việc cho phép Ban Quản lý dự án sử dụng số tiền khoảng 5,43 tỷ đồng từ nguồn ADB chi sai quy định nhà nước và thanh toán cho nhà thầu cao hơn giá Bộ Xây dựng phê duyệt 114.532 USD...

Về phía UBND TP.HCM, cơ quan chức năng cho rằng, là cơ quan quản lý chủ đầu tư, UBND thành phố phải chịu trách nhiệm trong việc thiếu kiểm tra, đôn đốc chủ đầu tư và Ban Quản lý dự án về việc chấp hành các quy định trong đầu tư, xây dựng dẫn đến các sai phạm trong quá trình thực hiện dự án. UBND thành phố cũng phải chịu trách nhiệm trong việc trình duyệt kết quả xét thầu không đúng Quy chế đấu thầu, trong việc cho phép thay đổi nhà thầu phụ dẫn đến thiệt hại lớn cho Nhà nước; trong việc chỉ định thầu và uỷ quyền chỉ định thầu trái quy định...

(Theo Thanh Niên)

  Gửi tin qua Mobile Gửi tin qua E-mail In tin Gửi phản hồi
CÁC TIN KHÁC:
Mỗi năm mất 25.000 tỷ đồng do rút ruột xây dựng cơ bản (12/11/2003)
Microsoft bán Office 2003 sớm hơn dự định (12/11/2003)
Giá thép trên thị trường tiếp tục tăng (11/11/2003)
Cá tai tượng chết hàng loạt (11/11/2003)
Phát hiện mỏ khí đốt lớn ngoài khơi Việt Nam (11/11/2003)
Giữa năm 2004 mới ký hợp đồng EPC dự án NM lọc dầu Dung Quất (11/11/2003)
Hải quan Nội Bài phát hiện nhiều vụ nhập lậu hàng hoá, ngoại tệ (11/11/2003)
Thay đổi chính sách cần dựa trên nền an dân (11/11/2003)
Đem 221 tỷ đồng tiền vay vứt qua cửa sổ (11/11/2003)
Tranh cãi xung quanh tên gọi cá tra, cá basa (11/11/2003)
Lào Cai khai trương ngân hàng dữ liệu thương mại (10/11/2003)
Việt Nam - điểm đến được ưa chuộng nhất châu Á (10/11/2003)
Dán nhãn tiếng Việt cho điện thoại di động (10/11/2003)
'Ngành điện sẽ đến từng DN bàn cách tháo gỡ' (10/11/2003)
Xem tiep Tro ve dau trang