Công trình cải tạo, nâng cấp hệ thống cấp, thoát nước TP.HCM:
Đem 221 tỷ đồng tiền vay vứt qua cửa sổ
09:38' 11/11/2003 (GMT+7)

Theo kết quả kiểm tra của cơ quan chức năng, công  trình cải tạo và nâng cấp hệ thống thoát nước TP.HCM thuộc loại có số vốn đầu tư bị lãng phí, thất thoát lớn nhất từ trước đến nay. Lãnh đạo UBND thành phố đã có trách nhiệm không nhỏ trong việc xét, chỉ định thầu sai quy định và không chỉ đạo để mặc Ban Quản lý dự án chi tiêu quá mức.

Nếu Thủ tướng Chính phủ không can thiệp...

Một công  trình cấp nước đang được xây dựng tại TP.HCM.

Là một trong những dự án cấp thiết nhất và lớn nhất của TP.HCM (vốn đầu tư trên 144 triệu USD), công  trình cải tạo và nâng cấp hệ thống thoát nước đã được đưa vào sử dụng nhưng chậm tiến độ tới 18 tháng.

Một trong những sai phạm lớn nhất của UBND TP.HCM và của Sở Giao thông công chính thành phố tại công trình này là sự vô lối, tuỳ tiện trong việc đấu thầu. Tại gói thầu cung cấp và lắp đặt tuyến ống nước thô Hoá An - Thủ Đức thuộc dự án "Phục hồi, mở rộng hệ thống cấp nước sông Đồng Nai (vốn đầu tư dự án là 77,8 triệu USD)", có 5 nhà thầu nước ngoài dự thầu, tất cả đều không đáp ứng quy định trong hồ sơ mời thầu nhưng cuối cùng Ban Quản lý dự án vẫn đề nghị trao hợp đồng cho nhà thầu Sogea (Pháp) với giá trị hợp đồng 20,89 triệu USD. Sau khi Ngân hàng Phát triển châu Á, ADB (nơi cho vay vốn thực hiện dự án) không chấp thuận do hồ sơ dự thầu của Sogea "không đáp ứng" (hồ sơ dự thầu có điều kiện), UBND TP.HCM lại đề nghị trao hợp đồng cho nhà thầu khác là Mitsui (Nhật) với giá 24,606 triệu USD theo yêu cầu của ADB, nhưng đề nghị này đã không được Chính phủ chấp thuận. Thủ tướng đã yêu cầu UBND TP.HCM chỉ đạo chủ đầu tư (Công ty Cấp nước TP.HCM) kiểm điểm, xử lý nghiêm những cán bộ có sai phạm trong đấu thầu (đến nay UBND TP.HCM vẫn chưa thực hiện). Sau đó, theo yêu cầu của Thủ tướng, rút lại danh sách nhà thầu, chào lại giá, UBND TP.HCM lại đề nghị nhà thầu Sogea nhưng ADB vẫn không chấp nhận. Giằng dai mãi, cuối cùng bản hợp đồng đã thuộc về nhà thầu Mitsui sau khi nhà thầu này giảm giá 2 triệu USD. Ở đây, nếu như Thủ tướng không can thiệp mà cứ chấp nhận theo đề nghị của UBND TP.HCM và của ADB thì chỉ riêng việc đấu thầu này Nhà nước đã mất trắng 2 triệu USD.

Cũng tại dự án này, ở một số gói thầu khác cũng đều có sai phạm. Ví dụ tại gói thầu cung cấp vật tư mạng phân phối, người ta đã mua sắm một lượng lớn đường ống, đồng hồ, trụ cứu hoả thừa so với nhu cầu, dẫn đến tồn kho và tiền lãi vay phải trả cho ADB là 155.985 USD. Tại gói thầu cải tạo, sửa chữa bể nước sạch số 3, Nhà máy nước Thủ Đức, Ban Quản lý dự án đã thanh toán vượt khối lượng phát sinh, cao hơn giá trị được Bộ Xây dựng phê duyệt 114.532 USD...

Còn tại dự án "Phục hồi bước đầu hệ thống thoát nước" của thành phố, lãnh đạo UBND TP.HCM đã thể hiện quyền hành một cách vô lối hơn nữa khi ký chỉ định thầu hạng mục xây dựng trạm tiếp nhận thiết bị chuyên ngành thoát nước (trị giá 1,78 triệu USD) cho Công ty Thoát nước đô thị thực hiện. Mặc dù theo đúng quy định thì đây là hạng mục thuộc diện phải đấu thầu. Vô lý hơn, công ty này chính là chủ đầu tư và hoàn toàn không có chức năng san nền. Không những thế UBND TP còn uỷ quyền cho Sở Giao thông công chính chỉ định thầu xây lắp một số gói thầu thuộc hạng mục xây dựng trạm tiếp nhận thiết bị ngành nước và điều này theo cơ quan chức năng cũng hoàn toàn sai trái.

Nhiều tiền, chi tiêu xả láng

Một trong những khoản tiền lớn phát sinh trong việc thực hiện cải tạo, nâng cấp hệ thống thoát nước lại chính là các khoản chi quá mức quy định của Ban  Quản lý dự án. Bộ Xây dựng đã xác định: Theo quy định hiện hành thì Ban Quản lý dự án này chỉ được hưởng theo định mức là 8,0% giá trị dự toán xây lắp. Số tiền để cho Ban Quản lý dự án được duyệt vì thế cũng không phải là nhỏ (lên tới trên 4 tỷ đồng). Tuy nhiên, cho đến tháng 12/2002, qua kiểm tra, ban này đã sử dụng chi phí vượt 790,6 triệu đồng và chi phí vượt tạm tính cho cả hai năm 2003 và 2004 sẽ lên tới trên 1,197 tỷ đồng.

Theo nhận xét của cơ quan chức năng, mặc dù Bộ Xây dựng đã có công văn đề nghị UBND TP.HCM yêu cầu Ban Quản lý dự án lập dự toán chi phí và quyết toán theo đúng quy định, nhưng UBND thành phố đã không chỉ đạo và Ban Quản lý dự án đã không thực hiện đúng quy định dẫn đến chi phí vượt định mức. Ngoài ra, một khoản tiền khác trị giá khoảng 250.000 USD được ADB cho Chính phủ Việt Nam vay để hỗ trợ thêm cho Ban Quản lý dự án, theo quy định, Ban Quản lý dự án phải cân đối nguồn chi phí này để giảm nguồn vốn đối ứng, nhưng ban này không những không làm theo mà còn tuỳ tiện sử dụng chi thêm lương và thưởng cho cán bộ, nhân viên trong ban.

(Theo Thanh Niên)

  Gửi tin qua Mobile Gửi tin qua E-mail In tin Gửi phản hồi
CÁC TIN KHÁC:
Tranh cãi xung quanh tên gọi cá tra, cá basa (11/11/2003)
Lào Cai khai trương ngân hàng dữ liệu thương mại (10/11/2003)
Việt Nam - điểm đến được ưa chuộng nhất châu Á (10/11/2003)
Dán nhãn tiếng Việt cho điện thoại di động (10/11/2003)
'Ngành điện sẽ đến từng DN bàn cách tháo gỡ' (10/11/2003)
Pacific Airlines chuẩn bị mở lại đường bay thẳng Đà Nẵng - Bangkok (10/11/2003)
Lâm Đồng ồ ạt thu hoạch cà phê xanh (10/11/2003)
Lỗ hổng ''hậu'' đăng ký kinh doanh (10/11/2003)
Mở lại đường bay Jakarta - Singapore - TP.HCM (08/11/2003)
"Thay máu" cho nông, lâm trường quốc doanh (08/11/2003)
Chưa xem xét thời điểm tăng giá điện (08/11/2003)
Sẽ không xảy ra "sốt" gas vào dịp cuối năm (08/11/2003)
Sẽ xuất tự động hàng dệt may vào EU năm 2004 (08/11/2003)
Giá lúa gạo và một số loại nông sản tăng “kỷ lục” (07/11/2003)
Xem tiep Tro ve dau trang