"Thay máu" cho nông, lâm trường quốc doanh
14:33' 08/11/2003 (GMT+7)
Sẽ thu hồi 2 triệu ha đất nông lâm trường làm ăn kém hiệu quả.

(VietNamNet) - "Tiếp tục sắp xếp, đổi mới và phát triển nông, lâm trường quốc doanh" - Nghị quyết 28/NQ-TW của Bộ Chính trị mở đầu cho "cuộc cách mạng" nhằm mang lại bộ mặt mới, khác hẳn về chất cho các nông, lâm trường. Không chỉ là sự rà soát, phân loại và sắp xếp lại, đây còn là sự đổi mới nhận thức lâu nay của các địa phương, để nông, lâm trường phát triển thực sự hiệu quả.

Hội nghị về Sắp xếp, đổi mới và phát triển nông, lâm trường quốc doanh, do Bộ NN-PTNT tổ chức hôm qua (7/11) là dịp để các Bộ, ngành, các địa phương cùng bàn về biện pháp thực hiện, mà trước tiên là thể chế hóa Nghị quyết 28. Phó Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã tham dự và chỉ đạo hội nghị. Ông yêu cầu các đại biểu tập trung thảo luận về các nghị định, quy định, văn bản để triển khai thực hiện Nghị quyết trên, trong đó chú trọng nghị định về tiếp tục sắp xếp, đổi mới và phát triển nông trường, đổi mới lâm trường; 3 vấn đề liên quan: sử dụng đất đai, cơ chế khoán cho nông, lâm trường và việc bàn giao cơ sở hạ tầng về địa phương quản lý. Các văn bản này phải được hoàn thành và ban hành trong năm 2003.

"Tỉnh nào càng có nhiều nông, lâm trường càng khổ"

Số liệu của Bộ NN-PTNT cho thấy, hiện cả nước có 314 nông trường, đang quản lý, sử dụng gần 637.000ha, trong đó nông trường trồng cao su chiếm trên 1/3, tiếp theo là cà phê, chè... Các nông trường hiện đã đưa vào sử dụng gần 546.000ha đất dưới các hình thức khoán, liên doanh, cho thuê và cho mượn. Song, theo đánh giá của Bộ trưởng Bộ NN-PTNT Lê Huy Ngọ, hiệu quả sản xuất, kinh doanh và sử dụng đất của nông trường thấp, chỉ đạt khoảng 10 triệu đồng/ha. Có tới gần 100.000ha đất chưa sử dụng. Bên cạnh đó, kỹ thuật và công nghệ sản xuất chậm được đổi mới, nhiều nông trường vẫn sử dụng giống cây, con cũ, thậm chí đã thoái hóa nên năng suất thấp; công nghiệp chế biến lạc hậu. Tình hình tài chính của nông trường yếu kém, kinh doanh hiệu quả thấp.

Hạn chế trên dẫn tới hậu quả tất yếu: năm 2000, 216 nông trường bị lỗ, chiếm tới gần 70%. Tổng lãi của các nông trường là 244 tỷ đồng, nhưng đồng thời, con số lỗ lên tới 272 tỷ đồng. Kinh doanh thua lỗ, công nợ phải trả của nông trường phát sinh lớn, bằng 71% vốn kinh doanh; trong đó, nợ bảo hiểm xã hội là 130 tỷ đồng. Lương bình quân công nhân chỉ còn 700.000 đồng/người/tháng (2002).  

Đối với lâm trường, tình hình cũng chẳng sáng sủa hơn. Trong số 368 lâm trường, quản lý trên 5 triệu ha rừng hiện nay, 132 lâm trường thua lỗ 52 tỷ đồng (trong khi số lãi là 50 tỷ đồng). Đến nay, mới có gần 49% địa phương có đề án sắp xếp đổi mới lâm trường theo yêu cầu của Thủ tướng Chính phủ.

Ông Nguyễn Đình Chi, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nghệ An, cho biết, Nghệ An hiện đang quản lý 19 nông, lâm trường, với 10.000ha đất. Chính sự quản lý lỏng lẻo, yếu kém đã dẫn tới tình trạng tranh chấp, lấn chiếm đất đai kéo dài giữa nông, lâm trường và người dân. Tại Đăk Lăk, tình trạng này cũng phổ biến. Theo lãnh đạo tỉnh này, người dân Đăk Lăk đang sống trong lòng 37 nông, lâm trường. "Tỉnh nào càng có nhiều nông, lâm trường, tỉnh đó càng khổ", ông Chi ngao ngán.

Trao đổi với VietNamNet, Thứ trưởng Bộ Tài nguyên Môi trường Đặng Hùng Võ cho rằng, nguyên nhân dẫn tới sự hoạt động yếu kém của hầu hết các nông, lâm trường thì có nhiều, song, về cơ bản, đó là do nhận thức chưa đúng về vai trò của nó. Nông, lâm trường được thành lập trên dưới 50 năm, theo mô hình DNNN, với ý tưởng đưa phương thức sản xuất công nghiệp vào nhằm tăng sản lượng. Đến nay, trong khi chúng ta đã thực hiện cơ chế mới, thì không ít nông, lâm trường vẫn trông chờ, ỷ lại Nhà nước. Theo ông Võ, trong một thời gian dài, chính cơ chế động viên sức lao động của nông lâm trường chưa tốt đã góp phần làm năng suất không cao. Một số chính sách của Nhà nước đối với nông, lâm trường không còn phù hợp, chậm được đổi mới và thiếu đồng bộ. Việc đầu tư cho nông lâm trường ít ỏi. Sự chỉ đạo của Chính phủ chưa đúng mức, chưa tương xứng.

Cần cuộc cách mạng

Bộ trưởng Lê Huy Ngọ cũng thừa nhận, một trong những điểm yếu của chúng ta là sử dụng đất chưa hiệu quả. "Tất nhiên, đất nông, lâm trường nhiều khi xấu hơn, vùng sâu vùng xa nhiều hơn, nhưng rõ ràng, chỉ 10 triệu/ha như vậy là rất thấp. Vai trò đầu tàu về thực hiện CNH-HĐH nông nghiệp nông thôn của nông, lâm trường vì thế cũng kém. Tất nhiên có một phần nguyên nhân của việc thực hiện cơ chế khoán chậm. Do vậy, thời gian này, Chính phủ cũng như các bộ, ngành quyết tâm đổi mới, sắp xếp lại các nông lâm trường", ông Ngọ nhấn mạnh.

"Tại sao phải sắp xếp lại? Vì nông trường mà không xác định rõ mục tiêu kinh tế của nó, trung tâm kỹ thuật của nó. Hơn thế, cần làm rõ vai trò, hiệu quả xã hội, an ninh quốc phòng để Nhà nước có trách nhiệm đối với nông, lâm trường", ông Ngọ nói. Tại hội nghị, Phó Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cũng khẳng định, đây là bước đổi mới cơ bản cơ chế quản lý đối với nông lâm trường. Ông chỉ đạo, không thể chấp nhận và kéo dài tình trạng thua lỗ, làm ăn kém hiệu quả của các nông, lâm trường.

Theo tinh thần Nghị quyết 28, cũng như chỉ đạo của Phó Thủ tướng, việc quan trọng hàng đầu hiện nay là rà soát, đánh giá, phân loại từng nông, lâm trường. Đây chính là cơ sở để cơ quan chức năng có hướng xử lý, giải quyết từng nông, lâm trường cụ thể.

Đối với nông trường, loại cần tiếp tục đổi mới và nâng cao hiệu quả, như nông trường chuyên canh cây lâu năm (cao su, cà phê, chè, cây ăn quả...), có cơ sở hạ tầng tương đối hoàn chính thì tập trung đầu tư thâm canh diện tích hiện có gắn với nhà máy chế biến, hoặc xây nhà máy chế biến mới. Nông trường cần duy trì nhưng chuyển đổi phương hướng, đó là các nông trường trồng cây hàng năm, thì tổ chức lại sản xuất gắn với chế biến; nông trường trồng cây lương thực, cây hàng năm khác thì chuyển hẳn sang sản xuất giống, xây dựng mô hình ứng dụng KHKT để chuyển giao cho người dân trong vùng. Nông trường làm ăn thua lỗ hoặc thu nhập chủ yếu từ cho thuê đất, chuyển loại hình sở hữu hoặc giải thể. Đồng thời, thành lập mới nông trường ở vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo có nhiều đồng bào dân tộc thiểu số và có yêu cầu phục vụ định canh, định cư, an ninh, quốc phòng.

Đối với lâm trường: nếu đang quản lý chủ yếu rừng sản xuất, cần tiếp tục đầu tư thâm canh, sử dụng giống mới, gắn với nhà máy chế biến; nếu quản lý rừng tự nhiên và diện tích đất được quy hoạch trồng rừng phòng hộ, rừng đặc dụng chuyển hẳn sang đơn vị sự nghiệp có thu. Lâm trường quản lý ít đất lâm nghiệp, nằm xen trong dân thì thu hẹp diện tích, chuyển thành DN có thu, làm dịch vụ sản xuất giống, xây dựng mô hình ứng dụng và chuyển giao tiến bộ kỹ thuật. Lâm trường không cần giữ lại thì giải thể, thu hồi đất.

Phó Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cho rằng, trên cơ sở đó, xem xét lại một số diện tích đất của nông, lâm trường thua lỗ - khoảng 2 triệu ha - giao lại cho chính quyền địa phương để giao cho dân. Phó Thủ tướng cũng lưu ý các tỉnh phải lập danh sách diện tích đất nông, lâm trường sử dụng không đúng mục đích, quy hoạch để thu hồi lại và giao cho các tổ chức, hộ gia đình, cá nhân thuê. Mục tiêu là cơ bản hoàn thành việc sắp xếp, đổi mới các nông, lâm trường quốc doanh vào năm 2005.

Gian khổ

Tất nhiên, khi tiến hành cuộc cải tổ thay đổi chất cho nông, lâm trường, không thể tránh được gian khổ. Trong trường hợp này, khó khăn còn nhân lên gấp bội vì việc sắp xếp, đổi mới nông, lâm trường tác động trực tiếp tới việc quản lý, sử dụng đất đai, tới quyền lợi của hàng trăm nghìn công nhân.

Trước hết, đó là việc rà soát quy hoạch sử dụng đất của các nông lâm trường. Theo dự thảo đang lấy ý kiến trình Chính phủ, trước khi được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, các cơ quan chức năng sẽ phải xác định rõ ranh giới, đóng cọc mốc sử dụng đất giữa nông, lâm trường với các tổ chức, hộ gia đình, cá nhân. Nói như ông Đặng Hùng Võ, chúng ta phải có dữ liệu, bản đồ mới và chi tiết nhất để biết rõ về ranh giới, chỗ nào là đất lấn chiếm, đất lâm trường đang quản lý, đất đan xen. Công việc này đỏi hỏi phải xong trong năm 2005.

Song, cái khó là trước kia, Nhà nước chỉ bàn giao tổng diện tích đất cho nông, lâm trường, chỉ khoanh vùng mà không phân ranh giới cụ thể. Kinh phí đâu để tiến hành đo đạc, cắm mốc? Số tiền này ngân sách chi hay địa phương chịu?

Phó Giám đốc Sở NN-PTNT Tuyên Quang lo ngại, không biết địa phương sẽ đo đạc, cắm mốc đất đai thế nào, vì 9 nông, lâm trường tại đây đã hình thành trên dưới 50 năm. Sự biến dạng về đất là rất lớn do không có hồ sơ, giấy tờ gốc. Đó là chưa kể, hàng trăm hộ dân sống rải rác nhiều năm nay tại các tổ, đội của nông, lâm trường, nằm xen đất sản xuất. Bây giờ di dời họ đi đâu, có đền bù không hay chỉ hỗ trợ? Trong khi đó, chính nông, lâm trường trước đây đã giao đất, thu phí sử dụng đất cho các hộ này, vì thế không thể nói là họ sử dụng đất bất hợp pháp. Theo vị Phó Giám đốc này, nghị định mới đưa ra quy định chung nhất, cần phải có thông tư hướng dẫn để xử lý các trường hợp cụ thể.

Một vấn đề khác đặt ra: lâm trường làm ăn thua lỗ thì giải thể, chuyển đổi hình thức, vậy, chính sách đối với đất đai, người lao động sẽ như thế nào? Hầu hết các ý kiến đều cho rằng, việc bàn giao cơ sở hạ tầng, như đường giao thông, hệ thống điện, công trình thủy lợi, trường học, trạm xá về địa phương quản lý thì không khó, mà vướng nhất là bàn giao con người. Theo đại diện Bộ LĐ-TBXH, xử lý lao động dôi dư sẽ theo Nghị định 41, nhưng trong Nghị định 41 lại không đề cập đến đối tượng lao động nông, lâm trường.

Do vậy, đại diện Bộ LĐ-TBXH đề nghị mở rộng thêm phạm vi Nghị định 41; đồng thời, có chính sách cụ thể đối với lao động mất việc nhưng không được nhận khoán, lao động mất việc nhưng được nhận khoán. Như vậy, lại thêm một vấn đề cần được giải quyết, đó là hực hiện cơ chế khoán như thế nào? Cái khó của nông lâm trường hiện nay là chuyển giao diện tích đất sử dụng không hiệu quả cho nhân dân quản lý. "Chủ trương của đổi mới DNNN là có cho thuê, giao khoán, nhưng đối với nông lâm trường, chúng ta phải tính toán kỹ và thí điểm trước đi thực hiện. Đến thời điểm này, chưa thể nói là hình thức nào là phù hợp", ông Đặng Hùng Võ góp ý.

  • Hà Yên
  Gửi tin qua Mobile Gửi tin qua E-mail In tin Gửi phản hồi
CÁC TIN KHÁC:
Chưa xem xét thời điểm tăng giá điện (08/11/2003)
Sẽ không xảy ra "sốt" gas vào dịp cuối năm (08/11/2003)
Sẽ xuất tự động hàng dệt may vào EU năm 2004 (08/11/2003)
Giá lúa gạo và một số loại nông sản tăng “kỷ lục” (07/11/2003)
Xóa nợ cho HTX phi nông nghiệp đã giải thể (07/11/2003)
Nhà nước định giá đất sát với giá thị trường là phù hợp (07/11/2003)
Giá lốp xe máy, ôtô tăng mạnh (07/11/2003)
Giá phân bón sẽ còn diễn biến phức tạp (06/11/2003)
DN chế biến tôm "học" luật chống bán phá giá (06/11/2003)
10 liên doanh nước ngoài kiện ngành điện (06/11/2003)
Vàng và USD lại giảm, VND thắng thế (06/11/2003)
Người chăn nuôi gà vịt... có hiệp hội (05/11/2003)
Miễn, giảm thuế đất nông nghiệp đến năm 2010 (05/11/2003)
Triển lãm Nông nghiệp Đông Nam Á thu hút gần 200 DN (05/11/2003)
Xem tiep Tro ve dau trang