Sẽ không xảy ra "sốt" than vào dịp cuối năm
08:34' 05/11/2003 (GMT+7)
Khai thác than

Ông Hoàng Văn Thái, Phó Tổng Giám đốc Tổng Công ty Than Việt Nam, cho biết Tổng Công ty đang tập trung khắc phục sự mất cân đối giữa cung và cầu ở các tỉnh phía Nam, đảm bảo cung ứng đủ than cho các cơ sở sản xuất, không để tình trạng "sốt" than vào dịp cuối năm. 

Ông Thái cho biết thêm, Tổng Công ty Than Việt Nam đã chỉ đạo các đơn vị trực thuộc chuyển gần 30.000 tấn than vào thị trường miền Nam, và đang tiến hành cân đối nguồn hàng để đảm bảo cung cấp than cục cho sản xuất phân đạm và xuất khẩu theo đúng kế hoạch.

Riêng Công ty Than Hà Tu, Núi Béo sẽ được hỗ trợ kinh phí vận chuyển (khoảng 10.000 đồng/tấn) để đảm bảo cung ứng than kịp thời cho các khách hàng nhận than bằng tàu biển. 

Thời gian gần đây, lợi dụng sự mất cân đối cục bộ giữa cung và cầu trong ngành than, các doanh nghiệp tư nhân đã đẩy giá bán than lên tới 1,4 triệu đồng/tấn, tăng 200-300.000 đồng/tấn so với quy định, khiến thị trường than ở phía Nam đang lâm vào cơn "sốt".

Theo ông Thái, nguyên nhân đầu tiên khiến nhu cầu than cục ở miền Nam trở nên căng thẳng, đặc biệt vào dịp cuối năm là do thời tiết xấu nên một số chuyến tàu nhận và giao hàng không đúng thời gian. Trong khi đó, nhiều tỉnh phía Nam đang bước vào mùa mưa, nhu cầu sao sấy nông sản, thực phẩm tăng lên, dẫn đến nhu cầu than tăng cao. Mặt khác theo yêu cầu của UBND TP.HCM, ngay từ đầu năm Công ty Chế biến và kinh doanh than miền Nam phải bán gấp 20.000 tấn than tại kho Tân Cảng (có 1.500 tấn than cục) để di dời kho nên vào thời điểm này công ty không thể tiếp nhận than. Tình trạng thiếu than cục xảy ra là điều không tránh khỏi.

Bên cạnh đó, lượng than khai thác tại ba mỏ than Đèo Nai, Cọc Sáu và Thống Nhất (dự kiến năm 2003 khoảng 270.000 tấn) chủ yếu dành để cung cấp cho Công ty phân đạm và hóa chất Hà Bắc khoảng 110.000 tấn/năm, riêng năm 2003 tăng lên 160.000 tấn. Trong khi đó, tỷ lệ than cục thu hồi được từ khai thác than nguyên khai chỉ từ 3-5%, vì vậy Tổng Công ty Than Việt Nam không thể đáp ứng nhu cầu cho tất cả các khách hàng.

Một nguyên nhân khác dẫn đến tình trạng khan hiếm than ở thị trường miền Nam là do Tổng Công ty Than Việt Nam chỉ có 3 đơn vị chế biến và kinh doanh than là Công ty Chế biến và kinh doanh than miền Nam, Công ty Than Đông Bắc, Công ty Đầu tư, thương mại và dịch vụ, chiếm 50% thị phần. Phần còn lại là do các đơn vị kinh doanh than thuộc các thành phần kinh tế khác nắm giữ, nên khả năng quản lý và kiểm soát thị trường của Tổng Công ty Than Việt Nam bị hạn chế.

Theo Tổng Công ty Than Việt Nam, nhu cầu tiêu thụ than ở các tỉnh phía Nam tăng khoảng 5%/năm. Riêng năm nay dự kiến tiêu thụ than ở phía Nam là 356.800 tấn, tăng trên 40% so với năm 2002. Trong đó, than cục là 107.900 tấn, tăng gần 47%. Các ngành sản xuất có mức tiêu thụ than lớn là xi măng (khoảng 200.000 tấn), sao sấy nông sản, thực phẩm, làm chất đốt sinh hoạt. Tính đến đầu tháng 10/2003, các đơn vị trên đã bán ra 80.300 tấn than cục.

(Theo TTXVN)

  Gửi tin qua Mobile Gửi tin qua E-mail In tin Gửi phản hồi
CÁC TIN KHÁC:
Thị trường vải thu - đông đắt khách nhờ mác ngoại (04/11/2003)
Đường bay trực tiếp Đài Bắc – Đà Nẵng đang thu hút khách (04/11/2003)
Đã không còn 'phí chăn vịt', 'phí bắt chó'... (04/11/2003)
Giải quyết càng chậm càng bất lợi (04/11/2003)
Kiến nghị hỗ trợ miền Trung 1.320 tấn lúa giống (04/11/2003)
Trên 1,8 triệu khách du lịch quốc tế đến Việt Nam 10 tháng qua (04/11/2003)
Giá gas tăng đồng loạt (04/11/2003)
Kiểm tra lại toàn bộ doanh nghiệp nhập khẩu hoa quả từ Trung Quốc (04/11/2003)
Cá tra, basa được xét thưởng xuất khẩu (04/11/2003)
Sẽ có một Tổng Công ty chuyên xây dựng đường cao tốc? (03/11/2003)
''Cán bộ phải tận tâm phục vụ doanh nghiệp'' (03/11/2003)
Hãy gõ, cửa sẽ mở (03/11/2003)
Căn hộ chung cư được rao bán nhiều, ít khách mua (03/11/2003)
"Luật Doanh nghiệp giúp doanh nhân tự tin lập nghiệp" (03/11/2003)
Xem tiep Tro ve dau trang