Hà Nội Thị trường vải thu đông:
Thị trường vải thu - đông đắt khách nhờ mác ngoại
19:47' 04/11/2003 (GMT+7)
Vải ngoại ở các điểm kinh doanh khác nhau có sự chênh lệch lớn về giá

Năm nay, thị trường vải thu đông khá nhộn nhịp. Mở đầu là sự ra quân của các công ty dệt may trong nước như: May 10, Dệt Thành Công, lụa Thái Tuấn và gần 35 loại vải xuất hiện trên thị trường. Nhưng hấp dẫn khách nhất vẫn là vải nhập từ Hàn Quốc, Nhật Bản, Singapore và vải Trung Quốc cao cấp...

Tràn ngập thị trường vải...

Năm nay, phải nói là thị trường vải rất phong phú và đa dạng về chất liệu nhưng hầu hết các quý bà, quý cô đua nhau tìm vải ngoại để may trang phục. Theo họ, nhất thiết phải là vải ngoại mới có một bộ trang phục đẹp, sang trọng và được coi là "của độc".

Dạo qua phố Phùng Khắc Khoan, Phủ Doãn, chợ Hôm, chợ Đồng Xuân (Hà Nội) có rất nhiều loại vải, nhưng vải ngoại vẫn chiếm ưu thế hơn và được khách hàng lựa chọn nhiều nhất. Xu hướng thời trang năm nay vẫn là những bộ cánh sang trọng may theo kiểu thời trang công sở, hầu hết khách hàng lựa chọn vải thun của Hàn Quốc: thun lạnh, thun von, thun kim tuyến với giá 55.000-60.000 đồng/m. Nếu may riêng quần âu, đa số khách hàng tìm mua vải chất liệu tezin của Nhật Bản. Đặc biệt, với chất liệu tơ tằm, tại thời điểm này, lụa Thái Tuấn, lụa Vạn Phúc không còn hấp dẫn khách hàng nữ mà thay vào đó là vải lụa tơ tằm của Hongkong, Ấn Độ có giá từ 100.000 đến 150.000 đồng/m.

Ngoài ra loại vải dạ được nhập ngoại cũng đang trở thành mục tiêu của quý bà quý cô như vải bằng chất liệu dạ pha len Trung Quốc giá 65.000 đồng/m, len xốp (Hongkong) 90.000 đồng/m, nhung Hàn Quốc 100.000 đồng/m. Nhưng có một điều, đối với các mặt hàng vải ngoại nhập đang bán trên thị trường mỗi chợ một giá khác nhau. Như loại vải thun lạnh của Hàn Quốc ở chợ Phùng Khắc Khoan có giá 55.000-60.000 đồng/m. Nhưng ở chợ Đồng Xuân lại bán cao hơn tới 15.000 đồng/m.

Vải ngoại, hàng tồn kho!

Một số cơ sở chuyên cắt may hay những nhà tạo mẫu thời trang cho rằng, nếu mua được vải ngoại chuẩn rất hiếm, giá cả lại đắt. Vải của một số nước châu Á nổi tiếng thế giới như lụa tơ tằm Ấn Độ, tezin Nhật Bản, thun lạnh Hàn Quốc, gấm Đài Loan, Trung Quốc có giá cao, mà ở Việt Nam nhu cầu nhập mặt hàng này còn hạn chế, trừ những nhà thiết kế thời trang tìm mua vì họ muốn có những sản phẩm độc đáo và nhiều mẫu trang phục đẹp. Ngoài ra, nhiều công ty may hàng xuất khẩu cũng nhập vải ngoại, nhưng có chọn lọc kỹ càng để xuất áo, quần đi nước ngoài. Còn hàng ngoại bán tràn lan tại các điểm kinh doanh hiện nay chủ yếu là hàng tồn kho do tư nhân nhập từ nước ngoài về Việt Nam bán với giá rẻ.

Vải nhập ngoại tại thị trường Việt Nam hiện có hai loại chính: hàng tồn kho do lỗi mốt, không còn được ưa chuộng ở thị trường nước ngoài. Loại hàng này thường mới và đẹp nên nhập về bán được giá hơn với phương châm "cũ người mới ta". Loại thứ hai là loại ngoại tồn kho, nhưng chất lượng kém không đủ tiêu chuẩn xuất khẩu, mang tiếng mác ngoại, nhưng chất lượng chỉ bằng 1/10 vải chính phẩm của Việt Nam. Nhưng khi tiêu thụ tại thị trường Việt Nam lại bán rất chạy, do người tiêu dùng "sính" vải mác ngoại. Phần lớn là loại vải nhập khẩu từ Trung Quốc, có chất lượng kém. Không những thế nhiều nhãn mác ngoại trên thị trường thực chất là vải Việt Nam chất lượng cao đính mác của Hàn Quốc và Hongkong, nhất là vải đũi, vải bố của Việt Nam rất hay bị nhầm với hàng ngoại mang nhãn Hàn Quốc.

Chính vì vậy, khi chọn mua vải ngoại để may quần áo, khách hàng nên xem kỹ nguồn gốc, xuất xứ của từng loại vải  được dán nhãn trên những góc vải.

(Theo Thương Mại)

  Gửi tin qua Mobile Gửi tin qua E-mail In tin Gửi phản hồi
CÁC TIN KHÁC:
Đường bay trực tiếp Đài Bắc – Đà Nẵng đang thu hút khách (04/11/2003)
Đã không còn 'phí chăn vịt', 'phí bắt chó'... (04/11/2003)
Giải quyết càng chậm càng bất lợi (04/11/2003)
Kiến nghị hỗ trợ miền Trung 1.320 tấn lúa giống (04/11/2003)
Trên 1,8 triệu khách du lịch quốc tế đến Việt Nam 10 tháng qua (04/11/2003)
Giá gas tăng đồng loạt (04/11/2003)
Kiểm tra lại toàn bộ doanh nghiệp nhập khẩu hoa quả từ Trung Quốc (04/11/2003)
Cá tra, basa được xét thưởng xuất khẩu (04/11/2003)
Sẽ có một Tổng Công ty chuyên xây dựng đường cao tốc? (03/11/2003)
''Cán bộ phải tận tâm phục vụ doanh nghiệp'' (03/11/2003)
Hãy gõ, cửa sẽ mở (03/11/2003)
Căn hộ chung cư được rao bán nhiều, ít khách mua (03/11/2003)
"Luật Doanh nghiệp giúp doanh nhân tự tin lập nghiệp" (03/11/2003)
Buôn lậu tại Hà Nội tăng hay giảm - ai biết? (03/11/2003)
Xem tiep Tro ve dau trang