"Luật Doanh nghiệp giúp doanh nhân tự tin lập nghiệp"
15:46' 03/11/2003 (GMT+7)

Ông Thành Văn Hùng, Giám đốc Công ty cổ phần Dịch vụ kỹ thuật Đại Hùng.

(VietNamNet) - Đó là tâm sự của ông Thành Văn Hùng, Giám đốc Công ty cổ phần Dịch vụ kỹ thuật Đại Hùng (Daihung Technology Services).  Sau khi Luật Doanh nghiệp có hiệu lực, ông Hùng đã thành lập doanh nghiệp của riêng mình với đầy đủ tư cách pháp nhân và ngành nghề kinh doanh mà pháp luật không cấm. Nhân dịp tổng kết 4 năm Luật Doanh nghiệp (1/1/2000-1/1/2004), VietNamNet xin giới thiệu những điều tâm sự của ông đối với các bạn trẻ muốn khởi nghiệp bằng việc kinh doanh.

Tuổi Đinh Dậu (1957), lớn lên khi đất nước còn chiến tranh, bố là liệt sĩ, tôi là con trai một nên không phải vào bộ đội. Thi đại học đủ điểm đi nước ngoài, nhưng do trong nhà đã có chị đang học nước ngoài, nên phải ở lại, vào học khoa công nghệ của Đại học Bách Khoa Hà Nội. Năm 1980, tôi tốt nghiệp đại học loại ưu chuyên ngành Chế tạo máy.

Chỉ sau một thời gian ngắn đi làm, tôi đã ý thức được rằng nhà trường đã đào tạo một cách thiên lệch. Họ chỉ dạy tôi tư duy lô gích để giải quyết công việc mà không dạy tôi làm thế nào để kiếm được nhiều tiền, làm thế nào để trở thành ông chủ. Nếu cứ theo nếp cũ, tôi sẽ là một người làm công ăn lương suốt đời. Tôi lại bắt đầu quan sát, tìm đọc những tài liệu, sách vở nói đến việc cải thiện đời sống và làm giàu. Thời đó, đi nước ngoài là một giải pháp làm giàu. Năm 1984, tôi sang Tiệp Khắc thực tập 3 năm. Ở Tiệp cũng vậy, chả hơn gì, lại làm công ăn lương, tệ hơn nữa là phải sống trong cảnh kỳ thị chủng tộc. Tôi vẫn nghèo, tôi buồn lắm.

Tôi quyết định phải đi buôn. Chỉ sau một năm đi buôn, tôi đã thành một ông chủ giàu có, một thương gia có tên tuổi. Người ta nhắc đến tôi với sự trầm trồ, thán phục. Ngày ấy, còn trẻ, tôi cứ tưởng thế là giỏi, là anh hùng. Nào có ngờ đâu, cái bẫy chết người đang rình rập và khi nó sập xuống, con sói non nớt như tôi khó mà thoát chết. Tối 2/4/1987, lúc 8h17 phút, tôi còn kịp xem đồng hồ trước khi bị công an Tiệp Khắc bắt giữ toàn bộ lô hàng trị giá 894.000 USD tại ga tầu điện ngầm Primatovxkai. Đó là toàn bộ tài sản mà tôi có, cộng với số vốn mà bạn bè cho mượn để làm ăn. Lần đầu tiên, chân lý sống là thắng được tôi áp dụng. Ngày 6/4/1987 tôi về nước, trước khi có kết luận của Công an và Toà án Tiệp. Nếu ở lại, cũng có thể tôi được trắng án vì toàn bộ hàng hoá là hàng tiêu dùng mà thị trường đang cần lại đứng tên người khác. Nhưng cũng có thể tôi bị tù tội vì luật pháp Tiệp lúc đó chưa thừa nhận tự do kinh doanh. Tôi đã chọn giải pháp an toàn. Sống là thắng, còn người còn của.

Về nước, tôi lâm vào cảnh hai bàn tay trắng. Một năm lang thang đi xin việc, tôi tranh thủ thủ tìm đọc và học hỏi kinh nghiệm để nắm vững và hiểu rõ về thị trường Việt Nam. Lần này, không thể để trắng tay được nữa. Tôi không chỉ có tôi, tôi còn gia đình, vợ con, còn trách nhiệm với đời. Có những đêm thức trắng, tôi thức để nhẩm lại những lời dạy dỗ của bà tôi, để kiểm điểm, rút kinh nghiệm của những lần thất bại. Tôi đề ra nguyên tắc cho mình:

1. Phải dựa vào một doanh nghiệp nhà nước nào đó để có được sự bảo đảm chắc chắn.

2. Phải sử dụng được vốn của ngân hàng theo yêu cầu.

3. Phải làm những việc chưa ai làm.

4. Phải tạo được một cái tên trong giới làm ăn.

5. Không được lặp lại kinh nghiệm của người khác bởi kinh nghiệm đó chỉ đúng trong hoàn cảnh đó, môi trường đó, công việc đó, con người đó. Điều đó khó mà lặp lại. Thật ra sách vở chẳng giúp ích được ai nhiều, chỉ bọn trẻ mới vào đời là ngây thơ, cả tin, mới tưởng rằng những điều sách viết tất cả đều là chân lý.

Ra trường gần 10 năm, tôi lại bắt đầu từ đầu. Tuy nhiên, kinh nghiệm và bản lĩnh thì tôi có nhiều lắm. Trong cuộc đời tôi, nếu có một may mắn nào đó thì có lẽ may mắn lớn nhất là khi tôi vừa đủ khôn thì đất nước bước vào công cuộc đổi mới. Được chuẩn bị 30 năm, được rèn luyện trong nhiều môi trường, nghiệt ngã của chiến tranh, khắc khổ của bao cấp và buôn bán mạo hiểm ở châu Âu, tôi bình thản, âm thầm đón nhận sự đổi mới đó vì ý thức rằng cơ hội đã đến, không thể bỏ qua.

Tôi xác định 3 bước đi của mình:

Bước1: Dựa vào doanh nghiệp nhà nước mà mình đang làm việc để tạo lập uy tín của mình thông qua hoạt động kinh doanh có hiệu quả cho doanh nghiệp.

Có thể khẳng định tôi đã thành công trong bước này. Những năm 1989-1990 tôi làm việc trong một nhà máy cơ khí sản xuất cáp nhôm và cột điện mạ kẽm. Tôi đã bảo đảm đủ nguyên liệu cho nhà máy làm việc và có tên là Hùng nhôm, Hùng thép góc.

Bước2: Trên cơ sở uy tín đã được xác lập, mặc cả với các doanh nghiệp mới hình thành đang cần thuê giám đốc để làm cho họ. Mục đích là tích luỹ kinh nghiệm quản lý kinh doanh, mở rộng quan hệ trong giới doanh nhân. Tôi đã tìm được một ông chủ thuê làm giám đốc điều hành với thoả thuận: Tôi được hưởng 30% lợi nhuận; được quyền tự chủ trong mọi quyết định kinh doanh của mình.

Trên cương vị giám đốc điều hành, tôi đã thành công rực rỡ, tạo được uy tín trong công việc. Tôi nhận được sự nể vị của bạn bè, của giới doanh nhân.

Khi đã tích luỹ được một số vốn, tôi xác định cần phải tạo lập cho mình một sự nghiệp riêng. Sau khi xin phép ông chủ của mình để ra làm riêng, tôi vẫn chưa rút toàn bộ quyền lợi được ăn chia. Khi khủng hoảng tài chính tiền tệ khu vực xảy ra, đây là tình huống mà hầu hết các doanh nghiệp Việt Nam thời đó không lường trước nên bị dính đòn. Ông chủ tôi ăn đòn đầu tiên phải vào tù. Ông ấy trắng tay mà vẫn còn nợ ngân hàng. Còn tôi thì mất vốn, không nhận được lợi nhuận, nhưng bài học tích luỹ được là vô giá.

Vào thập niên 90, sau rất nhiều cân nhắc, Việt Nam quyết định thành lập Khu Công nghiệp Dung Quất, là nơi xây dựng Nhà máy Lọc dầu số 1. Điều đó có nghĩa là rất nhiều tỷ đồng sẽ được rót vào đây, nghĩa là có rất nhiều việc phải làm ở đây. 

Công ty Cổ phần Đầu tư Phát triển Dung Quất ra đời.  Công ty như đứa con định mệnh mà tôi và anh A. Tôi bươn chải ngược xuôi, vào Nam ra Bắc gặp đủ cơ quan, tiếp kiến đủ các cấp lãnh đạo. Rồi công ty cũng được làm chủ đầu tư một dự án, cũng được cấp ngân sách... Cũng bắt đầu từ đó, xuất hiện sự khác biệt về ý tưởng và mục đích của những người thành lập công ty. Theo quyết định của ông A, ông B được đưa về làm Tổng giám đốc. Theo ông A, ông B là người tốt, nếu ông B làm Tổng giám đốc sẽ thu hút được vốn đầu tư. Với những lý lẽ đó, những người chủ chốt lại không thống nhất được với nhau, tôi lại ra đi. Trong đời tôi, chuyện này là thường tình. Qua sự kiện trên, tôi đã rút ra được kinh nghiệm: Thứ nhất, người tốt là một chuyện, hợp tác tốt với nhau là việc hoàn toàn khác. Không phải ai tốt cũng là người hợp tác tốt. Thứ hai, mất ít còn hơn mất hết. Ra đi khi đó, tôi mất một phần không nhỏ công sức, tiền bạc vì Dung Quất. Nhưng nếu ở lại mà không hợp tác được, tôi sẽ mất hết.

Sau gần 4 năm lăn lộn với Dung Quất, tháng 7/1999, tôi tạm thời về làm giám đốc chi nhánh Công ty COTEC tại Hà Nội. Ngọn lửa tự chủ, lòng yêu tự do, danh dự đàn ông, hơn lúc nào hết đòi hỏi tôi phải có công ty của riêng mình. Sau khi Luật Doanh nghiệp được Quốc hội thông qua, nhận thấy những tư tưởng thông thoáng của Luật, tôi đã tích cực chuẩn bị cho sự ra đời của Công ty Cổ phần Dịch vụ Kỹ thuật Đại Hùng (DTS), công ty của riêng tôi.

DTS ra đời ngày 29/2/2000. Tính tuổi, Công ty còn non trẻ lắm, chỉ như đứa bé chập chững vào đời, nhưng dù sao nó vẫn là một pháp nhân. Pháp nhân đó được bảo đảm bằng uy tín thương trường của cá nhân tôi và kinh nghiệm, năng lực, sự cố gắng của các thành viên trong công ty.

Công ty định hướng tập trung vào 3 lĩnh vực chính: Vật tư, thiết bị nâng, thiết bị thuỷ lực và chất phủ bảo vệ bề mặt. Hai lĩnh vực đầu, công ty đã khá thành công và có những hoạt động đáng giá, được khách hàng thừa nhận. Riêng lĩnh vực thứ 3, do áp dụng công nghệ quá mới nên việc tiếp cận, thâm nhập thị trường còn nhiều khó khăn, rủi ro. Ngoài 3 mảng chính trên, công ty còn tiến hành các dịch vụ tư vấn, như tư vấn đầu tư, tư vấn thu xếp tài chính dự án, tư vấn dự thầu.... Năm 2003, doanh số đạt xấp xỉ 15 tỷ đồng, nộp ngân sách hơn 2 tỷ. Tuy còn nhỏ bé nhưng DTS thực sự đang phát triển, tốc độ tăng trưởng của công ty đạt khoảng 25-30%/năm. Công ty có quan hệ bạn hàng với thương nhân từ nhiều nước. Công ty đã xây dựng được Quy chế làm việc, Quy chế Quản lý Tài chính để dần đưa hoạt động kinh doanh vào nề nếp. Qua 3 năm hình thành và phát triển, công ty đã khẳng định vị trí và uy tín của mình. Đội ngũ cán bộ của công ty ngày càng được đào tạo chuyên sâu.

Nếu bạn muốn có 1 công ty của riêng mình, tôi xin chia sẻ với bạn một số kinh nghiệm:

 1. Hãy điềm đạm và kiên nhẫn. Thời gian đầu, khi trực tiếp điều hành công ty, tôi nóng tính lắm. Việc gì cũng bị rối tinh rối mù, nhân viên và Sếp đều mệt mỏi, căng thẳng mà công việc cũng chẳng nhúc nhích được bao nhiêu. Anh em xúm lại góp ý cho tôi. Dần dần, tôi biết lắng nghe, chịu khó kìm chế hơn, chỉ đạo nhẹ nhàng hơn, công việc từ đó tốt lên nhiều. Thế nhưng, chỉ sau 6 tháng tự điều chỉnh cấp tốc, tôi bị rối loạn tiền đình.

2. Lập định hướng rõ ràng, kiên trì theo đuổi định hướng đó. Kinh nghiệm của DTS là sau 3 năm mới xác lập được thị trường cáp thép, thiết bị nâng ...

3. Đừng bao giờ đòi hỏi nhân viên phải toàn diện. Đến bạn còn chưa biết hết mọi vấn đề thì nhân viên của bạn cũng vậy thôi. Nhưng cũng chính vì vậy, cần phải thường xuyên, liên tục duy trì chương trình đào tạo lại cán bộ, khuyến khích họ tự học, bổ sung kiến thức, nâng cao kỹ năng. 

 4. Có chiến lược phát triển cho tương lai, có công việc gối đầu, đan xen, tránh để đói việc dẫn đến nhàn cư vi bất thiện. Bảo đảm điều kiện làm việc tốt nhất có thể cho nhân viên. Đây là một biện pháp đầu tư để nâng cao hiệu quả. 

5. Chuẩn bị cho mình một kiến thức đủ để quản lý, phải biết ngạo mạn tư duy và biết chấp nhận rủi ro.

6. Mạnh dạn tiên phong trong việc áp dụng công nghệ mới. Hiện nay Việt Nam đang tuyên truyền, quảng bá cho thương mại điện tử, còn ở Công ty chúng tôi, đã sử dụng Internet như một phương tiện giao dịch kinh doanh chính và đang phấn đấu 100% giao dịch là thương mại điện tử.

7. Có khả năng thích nghi cao. Phải biết ngủ thật ngon ở bất cứ nơi nào khi có điều kiện. Phải ăn được bất cứ món gì khi đói. Tập trung làm việc cường độ cao khi công việc đòi hỏi.

8. Học cách tư duy không có việc gì không làm được, chỉ có việc chưa làm được.

9. Không bao giờ thiếu tiền mà chỉ thiếu dự án tốt. Dự án tốt là dự án tự nó đã tạo ra vốn để triển khai.

10. Biết tư duy ngược để đưa ra kết luận đúng.

Nếu ai đã từng sống qua những năm 80 của thế kỷ trước mới thấm thía hết giá trị của ngày hôm nay khi chúng ta đã có một hành lang pháp lý cho mọi người đều có cơ hội lập nghiệp, cơ hội làm giàu. Dẫu còn không ít điều bất hợp lý phải chỉnh sửa nhưng Luật Doanh nghiệp đã tạo điều kiện cho mọi công dân được phép làm mọi điều mà pháp luật không cấm. Làm giàu cho bản thân cũng là góp phần làm giàu cho đất nước và điều đó đang được xã hội tôn vinh.

  •  Phan Thế Hải (ghi)
  Gửi tin qua Mobile Gửi tin qua E-mail In tin Gửi phản hồi
CÁC TIN KHÁC:
Buôn lậu tại Hà Nội tăng hay giảm - ai biết? (03/11/2003)
Chưa có một hệ thống Du lịch mua sắm (03/11/2003)
Giá bông tăng (03/11/2003)
6 bài học kinh nghiệm về nhập bò sữa (03/11/2003)
Vàng và USD rủ nhau hạ nhiệt (03/11/2003)
Đầu tư 2.400 tỷ đồng cho ba dự án thuỷ lợi lớn (03/11/2003)
Điện thoại di động ngoài luồng tăng giá mạnh (02/11/2003)
29 dự án nhận được viện trợ, cho vay từ Nhật Bản (02/11/2003)
Còn 5 giải pháp hỗ trợ kinh tế tư nhân chưa thực hiện đúng lịch trình (02/11/2003)
Tổng kiểm tra điện thoại di động.... ''mô hình''? (01/11/2003)
Nhiều loại nông sản tại TP.HCM tăng giá (01/11/2003)
ADB hỗ trợ thực hiện "Sáng kiến thị trường trái phiếu châu Á" (01/11/2003)
Doanh nghiệp trong cuộc chiến truyền thông (01/11/2003)
TP HCM: bắt đầu thu thuế trước bạ nhà đất tại quận, huyện (01/11/2003)
Xem tiep Tro ve dau trang