|
Nhiều người đã thất bại khi nhập bò sữa về nuôi. |
Theo Cục Nông nghiệp, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN & PTNT), phần lớn số bò nhập trong thời gian qua chỉ có danh sách và lý lịch đơn giản, không có hoặc chỉ có một tỷ lệ rất nhỏ số bò có hồ sơ giống của các cơ sở giống nước sở tại.
Điều này vi phạm nguyên tắc và cũng là yêu cầu bắt buộc trong quản lý giống là bò nhập phải có đầy đủ hồ sơ giống, tức lý lịch của bò giống (ông bà, bố mẹ) do cơ sở bán giống hoặc hiệp hội giống cung cấp.
Theo Cục Nông nghiệp, đây cũng là nguyên nhân dẫn đến tình trạng bò nhập có tuổi không đúng (như hồ sơ lý lịch đơn vị nhập cấp cho nông dân), nhiều bò chửa không có ngày phối chính xác; bò đẻ non, sẩy thai trong quá trình vận chuyển. Đặc biệt, bê đẻ ra không đảm bảo chất lượng giống.
Cục Nông nghiệp cũng đưa ra "sáu bài học kinh nghiệm" từ nhập bò sữa, trong đó nhấn mạnh đối tượng bò nhập phải được kiểm soát công tác giống, công tác thú y chặt chẽ, chỉ nên nhập bò 12-18 tháng tuổi, nếu nhập bò đã có thai phải có ngày tháng phối giống với số hiệu đực giống của cùng một giống...
Ngoài ra các cơ sở, địa phương "cần phải xây dựng dự án khả thi về nhập, tổ chức chăn nuôi bò thịt, bò sữa và được cơ quan thẩm quyền phê duyệt", phải chuẩn bị đủ các điều kiện về cơ sở vật chất trước khi nhập bò, phải có đầu ra cho sản phẩm (hệ thống thu gom và bảo quản sữa)...
Cục Nông nghiệp cũng khuyến cáo các tỉnh ĐBSCL phải hạn chế nuôi bò sữa, không nên phát triển đàn bò sữa ào ạt do khu vực này thường xuyên bị lụt lội, không có đồng cỏ và không đủ thức ăn thô xanh.
(Theo Tuổi Trẻ)
|