|
"Quan hệ công chúng" không phải là chyên môn của phòng hành chính. |
Sau sự việc đáng tiếc vừa xảy ra đối với ngân hàng Á Châu( ACB), nhiều người đã phải giật mình, trong thời đại ngày nay thông tin có thể lan truyền gần như tức khắc, doanh nghiệp có thể phất lên cũng như có thể nhanh chóng bên bờ vực khủng hoảng, thậm chí là sụp đổ hoàn toàn chỉ vì "yếu tố nhỏ nhoi" này. Chính vì vậy "quan hệ công chúng" là một vấn đề quan trọng đặt ra cho các doanh nghiệp Việt Nam.
Những điều cần
T.A bắt đầu một ngày làm việc mới trên cao ốc Saigon Trade Center cho một công ty bảo hiểm có uy tín của Việt Nam. Vừa ngồi vào bàn làm việc, cô đã vồ ngay lấy những tờ báo ra trong ngày. Cô lướt nhanh trên trang báo và chỉ dừng lại ở những thông tin mà cô cho là đặc biệt, cô lấy bút khoanh đỏ những thông tin đó, rồi vội vã mở máy tính. Đầu tiên cô xem hộp thư của mình có gì mới không, bởi đây là nơi cô giao tiếp chủ yếu với bạn bè và đặc biệt sếp cũng hay truyền đạt yêu cầu công việc qua phương tiện này. Cô ckick chuột vào các trang báo điện tử để xem những thông tin nóng liên quan đến công việc của cô.
Các công việc đó chỉ diễn ra trong giờ làm việc đầu tiên của T.A, cô không chỉ đưa các thông tin ra ngoài mà còn đặc biệt quan tâm đến thông tin từ ngoài "dội" vào. Đó có thể là những tin tốt, xấu, thật, giả. Việc của cô là phải tiếp cận, phân tích, lượng định được mức độ ảnh hưởng của chúng để bàn bạc với sếp hướng xử lý.
Khác với T.A, H.G hiện đang làm quan hệ công chúng cho một công ty xe hơi nổi tiếng thế giới, nhưng cô lại là một giáo viên tiếng Anh chuyển nghề. Việc chính của cô là một chuỗi các vấn đề phức tạp liên quan đến thông tin, báo chí, các chương trình từ thiện, quảng bá... Bây giờ, nói về nghề H.G đã có thể bình tĩnh trả lời rằng tiêu chuẩn cao nhất đối với cô là phải có khả năng phản ứng nhanh trước các tình huống xảy ra. Trên cơ sở kiến thức chung và chuyên môn cộng với các mối quan hệ rộng rãi, khả năng phản ứng nhanh sẽ giúp cô làm tốt công việc, mà nhất là vấn đề thông tin của thời đại toàn cầu hoá.
Và những điều không nên
H.Đ, là Phó giám đốc kiêm "cán bộ công chúng" của một công ty chuyên sản xuất, kinh doanh văn phòng phẩm có thị phần khá lớn ở Việt Nam. Hầu hết công việc quảng bá, xử lý thông tin ông giao miệng cho hai cố vấn là trưởng phòng hành chính và kinh doanh, năm 2002 công ty đã chi 3,5 tỷ đồng cho việc quảng cáo và khuyến mãi, nhưng doanh số không tăng mà còn bị giảm xuống. Nhiều đại lý địa phương cắt hợp đồng và bắt tay với công ty khác. Rà soát lại tất cả ông mới té ngửa ra hầu hết hợp đồng quảng cáo đều đã được biếu không cho các báo. "Đau nhất là tiền tiếp khách đã chui gần hết vào các chầu nhậu với mấy tay nhà báo dỏm..." công việc cũng chưa chắc đã tốt.
Dù sao H.Đ cũng đã nhận ra được điểm yếu. Còn K, một công ty nhà nước chuyên kinh doanh nông sản có vị giám đốc đã nhiều lần "lùm xùm" với pháp luật và bị nhiều báo phản ánh công khai gần đây. Công ty ngoài 3 giám đốc, phó giám đốc còn có các phòng hành chính, kinh doanh, nghiên cứu thị trường và tất cả các việc "quan hệ công chúng, thông tin..." được phân về trách nhiệm của phòng hành chính. Không những thiếu chuyên môn, họ còn nhận được một văn bản chính thức do giám đốc ký là hạn chế việc tiếp xúc báo chí, trường hợp bất đắc dĩ phải được sự đồng ý của ban giám đốc mới được tiếp.
Hiện nay chưa có một số liệu khảo sát chính thức nào về vấn đề sử dụng nhân viên quan hệ công chúng, xử lý thông tin trong giới doanh nghiệp Việt Nam. Một số giám đốc thật sự quan tâm đến vấn đề này nhưng chưa biết tìm nguồn nhân lực chuyên nghiệp ở đâu. Nhiều người thì cho rằng đó là vấn đề của các công ty quốc tế lớn, bởi họ giao dịch rộng, đối mặt với nhiều thương trường, nền văn hoá, môi trường luật pháp khác nhau nên phải cần tới các chuyên gia này. Có không ít giám đốc vẫn khẳng định mô hình doanh nghiệp ở Việt Nam hiên nay, cần gì nhân viên quan hệ công chúng cho tốn kém, phức tạp, "đó là việc của ban giám đốc và phòng hành chính".
(Theo Tuổi Trẻ) |