|
Các khu đất cạnh Hồ Tây lý tưởng cho việc xây biệt thự và khách sạn. |
(VietNamNet) - Sau 4 vòng đấu giá sáng ngày 31/10, Công ty Xây dựng số 1 thuộc Tổng công ty Xây dựng số 1 đã chiến thắng trước các đối thủ khác để giành khu đất rộng 8.538,5 m2 sau phủ Tây Hồ (thuộc phường Quảng An, quận Tây Hồ, Hà Nội) đã quy hoạch xây khu biệt thự. Giá công ty này đã trúng là 29 triệu đồng/m2, cao hơn giá sàn quy định 2 triệu đồng/m2.
Ông Nguyễn Sỹ Minh, Giám đốc Công ty Xây dựng số 1 cho biết, mức giá sàn 27 triệu đồng/m2 là cao trên cơ sở so sánh với các khu đất xây nhà để kinh doanh ở xung quanh. Công ty đã chật vật nâng lên mức giá 29 triệu đồng/m2. Do mức giá sàn ''khá sát'' nên các đối tượng tham gia đấu giá khác đã không vượt qua mức 28,5 triệu đồng (bước giá 500.000 đồng/m2).
Khu đất bán đấu giá phía đông giáp với Hồ Tây, phía tây và nam giáp đường vào phủ Tây Hồ và khu vực dân cư phường Quảng An, phía bắc giáp ruộng trũng. Do có vị trí nằm ngày sau phủ Tây Hồ, nhìn ra Hồ Tây nên dây là nơi lý tưởng cho việc đầu tư xây dựng khu nhà ở biệt thự, nhà nghỉ khách sạn thấp tầng phục vụ văn hoá, du lịch và tạo cảnh quan cho Hồ Tây. Theo quy hoạch, khu đất này sẽ được xây dựng 30 lô nhà ở biệt thự (mỗi lô có diện tích là 243 m2, cao từ 3-4 tầng, chiều cao tối đa 13,2m, mật độ xây dựng là 25,23%). |
Bà Nguyễn Kiều Nga, Trưởng phòng Tài chính - Vật giá quận Tây Hồ, người điều khiển cuộc đấu giá, phiên đấu giá cho biết có hai vòng đấu giá bắt buộc, 7 đối tượng tham gia (có 8 đối tượng đủ kiện đấu giá nhưng có một đã bỏ cuộc) có quyền đưa ra mức giá ''thăm dò'', tất nhiên phải trên mức giá sàn và không lẻ so với bước giá. Qua 2 vòng đấu giá bắt buộc, 7 đối tượng đã ''từng bước một'' nâng giá sàn lên 28 triệu đồng/m2. Kết thúc vòng 3, Công ty Xây dựng số 1 đã nâng lên mức giá 29 triệu đồng/2, có 2 công ty khác nâng lên mức 28,5 triệu đồngm2, các đối tượng còn lại giữ giá 28 triệu đồng/m2. Cuộc đấu giá tưởng dừng ở đây, nhưng Hội đồng đấu giá vẫn tiếp tục cho tiến hành, Công ty Xây dựng số 1 và 2 công ty trả giá 28,5 triệu đồng/m2 vẫn bảo lưu giá trên, nên Công ty Xây dựng số 1 đã trúng.
Một người tham gia cuộc đấu giá nhận xét: ''Sau vòng 3 đã có đơn vị trả mức giá cao nhất là 29 triệu đồng/m2. Theo quy chế do chính Hội đồng đấu giá quận Tây Hồ đưa ra thì mức giá này đáng lẽ ra phải được chọn chứ không phải đấu giá thêm vòng 4 cho mất công. Hai đơn vị đã bỏ giá 28,5 triệu đồng/m2 có thể bắt thăm để phòng trường hợp đơn vị đã trúng giá bỏ cuộc. Việc đấu giá như vậy có thể mâu thuẫn với chính quy chế quận Tây Hồ đã đưa ra hoặc quy chế này không rõ ràng''. Ngay những đại diện của 7 bên tham gia đấu giá cũng ''ngỡ ngàng'' với cách thức đấu giá này.
Đại diện một trong 7 đơn vị tham gia đấu giá, ông Đặng Ngọc Chuyển, Giám đốc Công ty Vật liệu và Xây lắp Thương mại Hải Phòng, đã có ý kiến nêu lên những bất cập trong quy chế đấu giá của UBND quận Tây Hồ, gây ''bất bình đẳng'' cho bên tham gia đấu giá. Chẳng hạn, quy chế đấu giá quy định bên trúng giá phải trả tiền sử dụng đất trong vòng 20 ngày kể từ khi kết thúc đấu giá nhưng không quy định trách nhiệm của UBND quận Tây Hồ bao giờ mới giao đất khi đã nộp đủ tiền. Ngoài ra, ông Chuyển còn thắc mắc về vấn đề ''khu đất trước khi đấu giá cần phải được xây dựng cơ sở hạ tầng kỹ thuật đầy đủ ,nhưng ở đây mới đảm bảo cung cấp điện, nước, còn đường giao thông thì chưa có gì!?
Trả lời ý kiến ông Chuyển, Quyền Chủ tịch UBND quận Tây Hồ Nguyễn Mạnh Cường đã khẳng định với các bên đấu giá ''sẽ giao đất trong vòng 20 ngày kể từ khi bên trúng giá nộp đủ tiền''. Còn về đường giao thông, quận Tây Hồ chưa làm cũng là tạo điều kiện thuận lợi cho nhà đầu tư, vì nếu quận có làm thì trong quá trình xây dựng khu biệt thự đường sẽ bị hư hỏng. ''Quận sẽ có trách nhiệm hoàn thành cơ sở hạ tầng kỹ thuật khu đất này'', ông Cường khẳng định.
7 bên tham gia đấu giá khu đất sau phủ Tây Hồ gồm: Công ty cổ phần Nhân Hà và Công ty XNK thương mại; Công ty cổ phần Trần Hưng Đạo; Công ty Đầu tư thương mại và Dịch vụ (Tổng công ty Than Việt Nam); Tổng công ty cổ phần Đầu tư và Xây dựng quốc tế (VIGEBA); Công ty Xây dựng số 1; Công ty Vật liệu và Xây lắp thương mại Hải Phòng; Tổng công ty Xuất nhập khẩu Xây dựng Việt Nam (Vinaconex).
|