|
Các mặt hàng nông sản sẽ giữ giá ổn định cuối năm. |
(VietNamNet) - Theo dự kiến của Bộ Thương mại, tổng nhu cầu tiêu dùng hàng hóa và dịch vụ trong 2 tháng cuối năm sẽ tăng 13% so với cùng kỳ năm ngoái. Giá cả các loại hàng hoá sẽ tăng khoảng 3%, trong đó có một số mặt hàng giữ giá ổn định như: lương thực, đường mía... và một số mặt hàng sẽ lên giá bao gồm: tân dược, phân bón, thép, xi măng.
Về tân dược, giá mặt hàng này trong 2 tháng cuối năm dự kiến sẽ tiếp tục tăng do nhu cầu trong nước và do các hãng cung cấp dược phẩm nước ngoài tăng giá để đối phó với quy định niêm yết giá thuốc theo Thông tư liên tịch 08 (sẽ có hiệu lực vào 1/1/2004).
Do căn cứ để xác định giá hợp lý, đúng giá trị của thuốc chưa được làm rõ nên xảy ra tình trạng: một số hãng dược phẩm nước ngoài lớn độc quyền thao túng giá tân dược vào Việt Nam (cuối tháng 7, đầu tháng 8, giá tân dược nhập khẩu tăng trung bình 7-10%). Sự lên giá của đồng euro, giá tính thuế tối thiểu của hải quan tăng (10%)... cũng là những nguyên nhân khiến giá tân dược nhập khẩu tăng. Ngoài ra, ngành sản xuất dược phẩm Việt Nam còn phụ thuộc nhiều vào nguyên liệu nhập khẩu, khi nguyên liệu nhập khẩu tăng giá kéo theo sự tăng giá của dược phẩm sản xuất trong nước.
Đối với mặt hàng phân bón, Bộ Thương mại dự báo, nguồn cung phân bón sẽ đủ đáp ứng cho nhu cầu vụ đông xuân, nhất là ở miền Nam. Tuy nhiên, thời gian tới, giá phân bón trên thị trường thế giới tiếp tục tăng nên sẽ ảnh hưởng đến giá phân bón trong nước. Cụ thể, giá phân urê sẽ tăng 50-100 đồng/kg, phân NPK tăng 10-20%. Giá ở các tỉnh phổ biến ở mức: urê 2.800-3.000 đồng/kg. Nguyên nhân giá phân bón thế giới đang ở mức cao là do nguồn cung bị thu hẹp trên toàn thế giới. Đặc biệt, giá cước và phí bảo hiểm trong vận tải đường biển tăng liên tục đã đẩy giá mặt hàng này lên cao. Riêng thời điểm giữa tháng 10, giá các loại phân DAP và phân urê nhập về Việt Nam đã tăng 15 USD/tấn so với cùng kỳ tháng trước.
Về mặt hàng thép, nhu cầu tiêu thụ thép xây dựng đang tăng mạnh do mùa xây dựng đến gần, trong khi giá phôi thép nhập khẩu đang tăng cao, hiện đang ở mức 303-306 USD/tấn (giá nhập khẩu cao nhất trong năm 2002 là 200 USD/tấn). Tuy nhiên, giá bán thép xây dựng sẽ vẫn ổn định do lượng tồn kho trong nước tăng. Thép phi 6 liên doanh sản xuất ở mức 5.800-6.000 đồng/kg, ước tiêu thụ 2 tháng cuối năm khoảng 400.000 tấn.
Bộ Thương mại nhận định, thời gian tới, giá phôi thép nhập khẩu sẽ tiếp tục tăng, do nhu cầu về thép trên thế giới thời hậu chiến tăng mạnh (13% so với trước chiến tranh Iraq), đặc biệt là Trung Quốc và một số nước Trung Cận Đông và Nga sẽ giảm lượng xuất khẩu.
Về xi măng, nhu cầu đối với mặt hàng này cũng sẽ tăng cao (dự kiến khoảng hơn 4 triệu tấn). Do nguồn cung đủ đáp ứng nên giá xi măng sẽ vẫn ổn định. Thời gian tới, giá clinker nhập khẩu từ ASEAN sẽ tăng do các nước này hạn chế xuất khẩu. Chi phí đầu vào tăng nên ngành xi măng sẽ gặp khó khăn hơn. Tuy nhiên, giá xi măng có thể sẽ ổn định do ngành này đã có những biện pháp chuẩn bị cần thiết.
|