|
Hướng dẫn viên du lịch đang giới thiệu khu trung tâm TP.HCM với đoàn du khách nước ngoài. |
Thiếu hướng dẫn viên, doanh nghiệp buộc phải sử dụng hướng dẫn viên “bất hợp pháp” (không có thẻ), trong khi thanh tra du lịch lại đang tích cực kiểm tra, xử phạt. Giới kinh doanh lữ hành quốc tế đều nháo nhác trước đợt kiểm tra thẻ hướng dẫn viên du lịch gay gắt tại TP.HCM...
Thông tư 04 của Tổng cục Du lịch ban hành ngày 24/12/2001 quy định người xin cấp thẻ hướng dẫn viên du lịch phải có “bằng cử nhân chuyên ngành hướng dẫn du lịch. Nếu có bằng cử nhân chuyên ngành khác phải có chứng chỉ nghiệp vụ hướng dẫn viên du lịch” và “có bằng cử nhân ngoại ngữ hoặc có bằng tốt nghiệp đại học, trên đại học ở nước ngoài hoặc chứng chỉ ngoại ngữ chuyên ngành du lịch”.
Riêng với tiếng Trung Quốc, tiêu chuẩn nhẹ hơn “có bằng tốt nghiệp phổ thông trung học, có hai chứng chỉ nghiệp vụ hướng dẫn viên du lịch và ngoại ngữ chuyên ngành du lịch”. Sau một năm thực hiện thông tư, Hà Nội có... bốn người đạt tiêu chuẩn (!?).
Trên toàn quốc hiện có hơn 4.000 hướng dẫn viên có thẻ (nhưng không phải tất cả họ đều đang hành nghề hướng dẫn viên) trong khi 9 tháng đầu năm 2003, Việt Nam đón hơn 1,63 triệu lượt khách quốc tế, bằng 82,7% cùng kỳ năm 2002.
Một nghịch lý của ngành du lịch là rất thiếu hướng dẫn viên có thẻ của ba thị trường trọng điểm hàng đầu: Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc. Tháng 9/2003, chúng ta đón hơn 86.000 lượt khách Trung Quốc và Đài Loan song hướng dẫn viên tiếng Trung có thẻ mới đáp ứng được 15% nhu cầu. Trong 9 tháng đầu năm 2003, có 83.183 lượt khách Hàn Quốc vào Việt Nam song hướng dẫn viên tiếng Hàn có thẻ chỉ “đếm được trên đầu ngón tay”.
Riêng Hà Nội đón 16.056 lượt khách Hàn Quốc và 9.068 lượt khách Thái Lan, nhưng hướng dẫn viên hai thứ tiếng này lại chưa ai có thẻ. Hà Nội, hiện có hơn 1.000 hướng dẫn viên có thẻ, trong khi thực tế cần 3.000-4.000 người. |
Ngày 5/4 và 19/9/2002, Tổng cục Du lịch ban hành hai văn bản mở rộng thêm diện được cấp, đổi thẻ hướng dẫn viên song không tháo gỡ được bao nhiêu (Hà Nội đến nay mới cấp hơn 200 thẻ theo ba văn bản trên).
Trong khi đó, nghị định 50/CP (do Tổng cục Du lịch chủ trì dự thảo) có hiệu lực từ ngày 10/5/2002 quy định mức phạt khá nặng về thẻ hướng dẫn viên. Ngoài chánh thanh tra chuyên ngành du lịch, chủ tịch UBND và thủ trưởng cơ quan công an, quản lý thị trường một số cấp cũng có thẩm quyền xử phạt.
Đến ngày cuối cùng của năm 2002, Tổng cục Du lịch mới ban hành tạm thời chương trình khung về đào tạo ngắn hạn nghiệp vụ hướng dẫn viên du lịch. Trong khi đỏ mắt chờ mở lớp học, nhiều hướng dẫn viên đã bị phạt tại Huế, Hội An... Riêng Hạ Long trở thành điểm du lịch “mạo hiểm nhất” vì các cơ quan chức năng ở đây kiểm tra rất chặt chẽ.
Đến tận tháng 5/2003, sau khi cùng hai Bộ GD&ĐT, VHTT thẩm định, Tổng cục Du lịch mới cho phép bảy trường đại học mở lớp bồi dưỡng và cấp chứng chỉ nghiệp vụ hướng dẫn viên du lịch. Còn chương trình học để được cấp chứng chỉ ngoại ngữ chuyên ngành du lịch được biết bây giờ Tổng cục Du lịch mới bắt tay xây dựng dự thảo!
Khách quan mà nói, việc xử phạt về thẻ hướng dẫn viên là cần thiết. Song, cùng với việc ban hành chính sách kịp thời, đồng bộ cũng phải dành ít nhất một năm để hướng dẫn viên chuẩn bị rồi mới xử lý hành chính, chứ không thể bất hợp lý như vừa qua khiến doanh nghiệp và hướng dẫn viên bị phạt vô tội vạ!
Giám đốc chi nhánh tại Hà Nội của một công ty liên doanh du lịch than thở: “du lịch Việt Nam đang bắt đầu vào mùa cao điểm, chắc chắn khi khách tăng chúng tôi sẽ bị phạt thôi. Còn chỉ phục vụ lượng khách tương ứng với số hướng dẫn viên có thẻ, chẳng cần ảnh hưởng của SARS, du lịch Việt Nam cũng tự suy giảm 1/3!”. Các doanh nghiệp lữ hành quốc tế hiện đang hồi hộp đợi đến lượt mình bị phạt!
Theo các chuyên viên Vụ Du lịch (Tổng cục Du lịch), nguyên nhân giáo trình học để cấp chứng chỉ nghiệp vụ hướng dẫn viên du lịch chậm ban hành vì hai bộ GD&ĐT, VHTT không tích cực thẩm định! Ngày 21/10, ông Lự, chuyên viên chuyên trách về hướng dẫn viên của Vụ Du lịch, cho biết hồ sơ xin mở lớp bồi dưỡng và cấp chứng chỉ nghiệp vụ hướng dẫn viên du lịch của hai trường đại học Văn Lang và Hùng Vương (TP.HCM) đã được Tổng cục Du lịch và Bộ VHTT đồng ý, nhưng Bộ GD&ĐT chưa cho ý kiến nên vẫn... chờ!
Bất hợp lý là TP.HCM là trung tâm du lịch lớn nhất cả nước nhưng mới có Trường ĐH Kinh tế TP.HCM được cho phép (mà khoa du lịch của trường này chuyên đào tạo người quản lý du lịch chứ không phải hướng dẫn viên).
Vì thế Sở du lịch thành phố đã mời Khoa Du lịch của Đại học Văn hóa và Viện đại học Mở Hà Nội vào mở lớp nhưng do quá xa, chi phí nhiều không đảm bảo lợi nhuận nên hai trường đành từ chối trong khi khoa du lịch của đại học Văn Lang và Hùng Vương chuyên đào tạo hướng dẫn viên thì lại phải chờ!
(Theo Tuổi Trẻ)
|