|
Có nhiều cách để huy động vốn nhưng ngành điện vẫn đề nghị tăng giá điện để có thêm nguồn vốn đầu tư . |
Theo nguồn tin từ Bộ Công nghiệp, Tổng công ty Điện lực Việt Nam đang soạn thảo 3 phương án điều chỉnh (tăng) giá điện để Bộ Tài chính thẩm định, trình Thủ tướng Chính phủ thông qua. Để biết thêm thông tin về vấn đề này, báo chí đã có cuộc trao đổi với ông Đào Văn Hưng, Tổng giám đốc Tổng công ty Điện lực Việt Nam.
- Thưa ông, vì sao lại phải có đến 3 phương án tăng giá điện?
- Chúng tôi lập 3 phương án tăng giá với mức tăng khác nhau: tháng 1, tháng 7 và tháng 10 của năm 2004 để Bộ Công nghiệp và Bộ Tài chính xem xét, trình Chính phủ quyết định. Tôi cũng muốn nói là việc điều chỉnh tăng giá điện hiện nay nằm trong kế hoạch huy động vốn lâu dài chứ không phải chỉ tăng cho năm 2003 hay 2004. Tất nhiên là tăng giá điện thì sẽ ảnh hưởng đến các ngành: giấy, hoá chất, xi măng, thép... nhưng theo tính toán của Ban Vật giá Chính phủ (nay là Cục Quản lý giá, Bộ Tài chính) thì ảnh hưởng cũng không lớn lắm.
- Thực ra, còn có nhiều cách khác để huy động vốn đầu tư cho ngành điện, ví dụ như huy động vốn đầu tư từ các nhà đầu tư khác ngoài Tổng công ty Điện lực Việt Nam, phát hành trái phiếu Chính phủ trong nước và quốc tế..., tại sao lại chỉ tìm giải pháp chủ yếu bằng việc tăng giá điện?
- Huy động vốn cho ngành điện thì có đến 6-7 nguồn: khấu hao để lại, lãi, tăng giá điện, phát hành trái phiếu, vay nước ngoài, huy động từ các nhà đầu tư khác... Vừa qua, Tổng công ty Điện lực khuyến khích mọi thành phần tham gia đầu tư xây dựng công trình nguồn điện. Hiện đã có khoảng 83 dự án đăng ký đầu tư nhưng mới chỉ có 5 dự án thực hiện được. Còn về việc phát hành trái phiếu ra nước ngoài thì hiện nay lãi suất rất cao, nếu tính cả độ rủi ro vào có thể lên đến 10-12% (đây là con số mà Tổng công ty Điện lực Việt Nam tính hồi đầu năm 2003, hiện nay thấp hơn từ 2-3%). Nhưng nếu có bán được trái phiếu ra nước ngoài mà với lãi suất đó cộng với vốn đầu tư thì cũng ảnh hưởng đến giá điện bán ra.
Nếu huy động vốn bằng trái phiếu, trong trường hợp tình hình kinh tế trong nước tốt, thì lãi suất có thể hạ, còn nếu xảy ra thiên tai, hạn hán thì lãi suất lại lên cao ngay. Tất nhiên là việc huy động vốn cho phát triển ngành điện cũng tính đến phương án này như công trình thuỷ điện Sơn La cũng tính đến việc phải phát hành trái phiếu Chính phủ như một giải pháp huy động vốn. Nhưng đấy không phải là nguồn vốn cơ bản nhất. Cho nên, trong đề xuất của Tổng công ty Điện lực vẫn đề nghị có nguồn từ tăng giá điện.
- Xu hướng điều chỉnh giá điện hiện nay là tăng mạnh ở khu vực dân cư và tăng vừa phải ở khu vực sản xuất, kinh doanh như Tổng công ty Điện lực Việt Nam nói có phải đó là "giảm tỷ lệ bù chéo"?
- Đúng thế. Biểu giá điện hiện nay của ta ngược với thế giới. Các nước khác họ ưu tiên giá điện cho khu vực sản xuất. Ngay cả các nước trong khu vực cũng thế thôi, khu vực sinh hoạt dân cư có thể lên đến 10 cent, 18 cent (xu Mỹ/KWh) nhưng giá sản xuất chỉ 5-6 cent. Giá điện của ta do trượt giá chỉ còn khoảng trung bình 5,06 cent/KWh, ngang với giá điện ở Thái Lan, cao hơn ở Lào (3-4 cent/KWh) và Indonesia nhưng thấp hơn Campuchia (17 cent/KWh), Hàn Quốc...
(Theo Thanh Niên)
|