''Ngộ độc'' ưu đãi
16:54' 25/10/2003 (GMT+7)
Nhiều dự án vay vốn không trả được lãi.

Mục đích lớn nhất của vốn ưu đãi đầu tư là điều tiết nền kinh tế theo chiến lược của Nhà nước, tập trung cho các lĩnh vực kinh tế mũi nhọn, các ngành kinh tế cơ bản. Tuy nhiên, hiện chúng ta đang thiếu một chính sách vĩ mô thống nhất và những cơ chế phù hợp nên nguồn vốn này đang bị phân tán, lãng phí và kém hiệu quả.

Ỷ lại, trông chờ... ưu đãi!

Tổng dư nợ hiện nay của Quỹ Hỗ trợ Phát triển là trên 28.000 tỷ đồng, có 3,7% là nợ quá hạn, tăng 0,7% so với năm 2002. Riêng nợ quá hạn của hai chương trình mía đường và đánh bắt xa bờ là 370 tỷ đồng, chiếm gần 40% tổng số nợ quá hạn của toàn bộ hệ thống quỹ. Tổng lãi treo là 792 tỷ đồng, tăng 17,3% so với  năm trước. Vốn ưu đãi phần lớn là vay dài hạn, số ít vay trung hạn nên rất nhiều dự án không trả được nợ, lãi đúng hạn, thậm chí không thể thu hồi vốn đang là tảng băng chìm sẽ lộ nguyên hình khi đến thời hạn phải trả vốn gốc.

Đơn cử trường hợp Công ty Cơ khí Hà Nội phải trả lãi vay từ năm 2004 gần 4 tỷ đồng/năm, nhưng dây chuyền chỉ hoạt động trên dưới 10% công suất, sản lượng không tăng; chi phí nguyên liệu, sửa chữa máy móc tăng thì công ty không thể có tiền trả lãi. Sau 10 năm, số lãi này là 40 tỷ, cộng thêm 159 tỷ nợ gốc nữa là gần 200 tỷ, sẽ là thách thức khó giải quyết cho công tác thu hồi vốn, lãi.

Mặt khác, khi sử dụng không hiệu quả, vốn này còn góp phần gây thiếu lành mạnh trong môi trường cạnh tranh. Giám đốc một DN may mặc xuất khẩu nói: ''Địa bàn chúng tôi có 3 DN dệt may cùng xuất khẩu. Chúng tôi chắt chiu từng cái nút, sợi chỉ để trả lãi ngân hàng, xây dựng cơ sở. Bất ngờ xuất hiện DN thứ tư là Công ty May mặc xuất khẩu Hải Dương cũng cùng thị trường, cùng công nghệ. Họ không phải lo vốn, không lo lãi suất nên dù DN này hiệu quả thấp song không bị sức ép như DN nên chúng tôi cũng rất khó cạnh tranh, giảm lợi nhuận, ảnh hưởng đến tất cả mọi mặt''.

Bảng kê trong báo cáo của Bộ Kế hoạch - Đầu tư về số DN được vay vốn ưu đãi thì khu vực quốc doanh chiếm tới 77%, các loại hình ngoài quốc doanh chỉ chiếm 4-8%. Chính sách này không thuận lợi cho DN ngoài quốc doanh do phải thế chấp 50% vốn và vướng mắc trong thủ tục ra quyết định đầu tư nên khả năng tiếp cận vốn này rất thấp.

Thẩm định, giám sát: cồng kềnh mà lại... không ai chịu trách nhiệm!

Năm 1990, tổng dư nợ tín dụng ưu đãi là 270 tỷ đồng, đến năm 2003, con số này ước đạt 84.750 tỷ, tăng 285 lần và hơn năm 2002 là 13.000 tỷ. Vốn ưu đãi đầu tư hiện chiếm khoảng 17% tổng đầu tư toàn xã hội và tương đương với nguồn vốn đầu tư tập trung từ ngân sách nhà nước, tức là tổng vốn đầu tư từ ngân sách có một nửa là vốn ưu đãi.
(Nguồn: Bộ Kế hoạch - Đầu tư)

Các chuyên gia tài chính quốc tế đánh giá: chính sách ưu đãi đầu tư ở Việt Nam đang vượt... ngoài nguyên tắc quản lý đầu tư, tín dụng. Thứ nhất là lãi suất vốn vay quá thấp so với thị trường. Lãi suất này liên tục giảm từ 13,2%/năm đến 7%/năm và nay lãi suất ưu đãi đầu tư phát triển thông thường là 5,4%/năm.

Chương trình cơ khí theo nghị quyết 11/2000/NQ-CP có lãi suất 3,5%/năm, dệt may 4,2%/năm, trồng rừng 2,52%/năm. Cá biệt như chương trình kiên cố hoá kênh mương lãi suất 0%/năm. Trong khi lãi suất vốn trung hạn trên thị trường là 12%/năm. Tính ưu đãi đặt quá nhiều vào lãi suất thì mặt tích cực phát huy không nhiều nhưng tiềm ẩn nhiều tiêu cực.

Mặt khác, vì chưa có hệ thống chính sách khoa học nên việc xét duyệt thêm bớt những đối tượng được hưởng vay cũng không nằm trong một nguyên tắc tiêu chuẩn nào. năm 1995 chỉ có 9 nhóm lĩnh vực được ưu đãi là: điện, than, cơ khí, thép, xi măng, đường, hàng xuất khẩu, thuỷ sản, đánh bắt xa bờ, công nghiệp chế biến, cây công nghiệp... Năm 2000 bổ sung thêm 11 nhóm đối tượng được vay gồm các DN trong lĩnh vực khoa học công nghệ, đóng tàu biển, cơ khí chế tạo thiết bị và vật liệu điện, trồng rừng nguyên liệu công nghiệp... Năm 2001 bổ sung thêm 17 nhóm, năm 2002 bổ sung thêm 14 nhóm và đến nay đã được mở rộng đối với hầu hết các ngành và lĩnh vực kinh tế với 80 nhóm đối tượng. Nguồn vốn bị dàn trải, lĩnh vực trọng điểm thì thiếu vốn, lĩnh vực cần sự năng động tự lực thì sinh dựa dẫm.

Cơ chế thẩm định, giám sát, quản lý đầu tư quá cồng kềnh, quan liêu và không bị ràng buộc trách nhiệm. TS Lê Đăng Doanh so sánh: nếu ở nước ngoài, một dự án vay vốn ưu đãi không có thế chấp thì tổ chức cho vay sẽ thành lập một ban giám sát, thẩm định từ ý tưởng, kế hoạch đến phương án tài chính, sản xuất, thị trường... một cách chặt chẽ nhất. Tiền có thể chỉ rót từng phần, nhưng phần nào đã qua thẩm định thì giải ngân rất nhanh. Chủ đầu tư chịu trách nhiệm cao nhất về ''sinh mạng'' dự án và tổ chức cho vay phải chịu trách nhiệm thứ hai.

Tuy nhiên, ở Việt Nam hiện nay,  một dự án vay vốn ưu đãi phải qua hàng loạt cơ quan thẩm định: chủ quản đầu tư, tài chính, tổ chức cho vay, các ngành thương mại, môi trường, khoa học công nghệ... Không ít dự án chịu sự can thiệp quá sâu của cơ quan hành chính, làm lệch lạc các tiêu chuẩn thẩm định dự án. Từ tình trạng này sẽ nảy sinh việc chủ đầu tư và các cơ quan thẩm định, phê duyệt, làm qua loa hoặc bắt tay nhau vẽ những bức tranh tương lai tươi sáng cốt để rút ngân sách.

(Theo Tuổi Trẻ)

  Gửi tin qua Mobile Gửi tin qua E-mail In tin Gửi phản hồi
CÁC TIN KHÁC:
Viettel sẽ thử nghiệm mạng điện thoại di động cuối năm nay (25/10/2003)
VDC mở rộng đường truyền Internet (25/10/2003)
Phó chủ tịch WB thăm Việt Nam (25/10/2003)
Mùa giảm giá và khuyến mãi (25/10/2003)
Mỹ có thể khởi kiện bán phá tôm vào 15/12 (25/10/2003)
Đấu giá để thuê đất (24/10/2003)
Vốn ưu đãi đầu tư cho những dự án "liều" (24/10/2003)
Đã có 84 dự án đăng ký đầu tư vào Khu kinh tế mở Chu Lai (24/10/2003)
Chuẩn bị xây dựng hầm vượt sông Sài Gòn (24/10/2003)
Rau hữu cơ, khẩu vị mới cho người Hà Nội (24/10/2003)
Gần 60 triệu USD đầu tư vào khu du lịch biển Hà My (24/10/2003)
Nhật Bản giúp Việt Nam nghiên cứu chính sách thuế (24/10/2003)
Thuỷ sản xuất khẩu tăng 11% (24/10/2003)
Các nước châu Á hợp tác ổn định thị trường gạo (24/10/2003)
Xem tiep Tro ve dau trang