|
Ocid kẽm từ Việt Nam vào EU sẽ chịu mức thuế 28%. |
(VietNamNet) - Thứ trưởng Bộ Thương mại Lương Văn Tự cho biết, Uỷ ban châu Âu (EC) - Cơ quan điều hành của Liên minh châu Âu vừa ra quyết định đánh thuế chống bán phá giá ocid kẽm nhập khẩu từ Việt Nam. Theo đó, mức thuế chống bán phá giá là 28% đối với ocid kẽm ZnO có độ tinh khiết không dưới 93%.
Theo Thứ trưởng Lương Văn Tự, các DN xuất khẩu ocid kẽm từ Việt Nam có thể gửi thư xin miễn trừ áp dụng thuế chống bán phá giá, đồng thời thông báo cho Bộ Thương mại biết để phối hợp kiến nghị lên EC. Cũng theo ông Tự, trước đó, ngày 19/9, EC đã gửi công hàm FPS/NN-1509/03 cho Bộ Thương mại thông báo đã hoàn tất việc điều tra bán phá giá đối với ocid kẽm được nhập khẩu từ Việt Nam vào EU.
Trước đó, EC đã ban hành biểu thuế chống phá giá đối với ocid kẽm của Trung Quốc hồi tháng 3/2002 với thuế nhập khẩu sản phẩm này vào EU nâng từ 6,9% lên 28%. Tiếp đó, trên cơ sở điều tra theo kiến nghị của các nhà sản xuất trong EU, EC đã phát hiện thấy sau khi EC áp dụng biện pháp trừng phạt thuế nói trên với Trung Quốc thì đồng thời với việc xuất khẩu ocid kẽm của Trung Quốc sang EU giảm xuống, đã có sự gia tăng đáng kể về xuất khẩu mặt hàng này từ Việt Nam sang EU. Ngoài ra, ocid kẽm xuất khẩu của Trung Quốc đã được pha trộn thêm một số chất như silica (silic điôxyt) nhằm giảm độ thuần khiết của sản phẩm để né tránh phải chịu mức thuế cao nói trên. Do đó, EC cho rằng các nhà xuất khẩu Trung Quốc đã sử dụng Việt Nam nhằm né tránh biện pháp này.
Về vấn đề này, Bộ Thương mại trước đó đã khẳng định, các doanh nghiệp Việt Nam chỉ tạm nhập mặt hàng này từ Trung Quốc, rồi tái xuất sang các thị trường khác. Ocid kẽm được sản xuất ở Việt Nam không nhiều, lượng hàng xuất khẩu càng ít. Tuy nhiên, có thể một số giấy tờ không rõ ràng đã khiến hải quan EU hiểu lầm là hàng có xuất xứ từ Việt Nam.
|