Quá nhỏ bé công nghiệp nông thôn
08:50' 23/10/2003 (GMT+7)
Nhiều làng nghề thủ công gặp khó khăn trong việc đầu tư công nghệ mới.  

(VietNamNet) - Công nghiệp nông thôn (CNNT) ở nhiều tỉnh còn chưa vượt qua ngưỡng là ''ngành nghề phụ'' với giá trị sản lượng thấp, chỉ chiếm khoảng 10% giá trị sản xuất toàn tỉnh. Trong khi đó, quỹ trích cho công nghiệp nông thôn của các tỉnh thường chỉ trong khoảng 1-10 tỷ đồng/năm, thậm chí nhiều tỉnh vẫn chưa có quỹ khuyến công mà chỉ là trích kinh phí với con số vài trăm triệu đồng.

Đây là kết quả được ông Nguyễn Đình Hoàng Long, Phó Cục trưởng Cục Công nghiệp địa phương, Bộ Công nghiệp đưa ra tại Hội thảo ''Công nghiệp hóa nông nghiệp và chính sách khuyến công'' do Bộ Công nghiệp tổ chức sáng 22/10 tại Hà Nội.

Ông Long cũng đưa ra nhận xét, nếu so sánh giữa con số 80% lao động nông nghiệp và 20,5% đóng góp vào GDP hiện nay thì để đạt mục tiêu đến năm 2010 của Đảng và Nhà nước là ''tỷ trọng trong GDP của nông nghiệp 16-17%, công nghiệp 40-41%, dịch vụ 42-43%, tỷ lệ lao động nông nghiệp còn khoảng 50%'' thì quả là điều không thực tế.  

Trao đổi với PV VietNamNet, Thứ trưởng Bộ Công nghiệp Nguyễn Xuân Chuẩn cho biết, ''Hàng năm, Bộ có chương trình hỗ trợ cho các DN CNNT nhưng con số còn rất hạn chế với 700 triệu - 1,5 tỷ đồng/năm và khoảng 40-50 triệu đồng vốn vay ban đầu cho DN. Bộ hiện có khoảng 20 công nghệ phần lớn là chế biến, bảo quản thực phẩm nhưng khó khăn nhất là vấn đề thông tin, DN nông thôn nhiều khi muốn thay đổi công nghệ nhưng không biết liên hệ với ai và mua từ đâu''. 

Điều đáng nói là các tổ chức dịch vụ khuyến công trong các lĩnh vực: tư vấn, đào tạo, chuyển giao công nghệ, cung cấp thông tin, xúc tiến thương mại và các hoạt động khác liên quan đến đầu tư sản xuất CNNT hầu như chưa có nên người nông dân có vay được vốn từ quỹ tín dụng cũng đành bó tay vì không biết mua dây chuyền sản xuất ở đâu và như thế nào.

Ông Nguyễn Quang Khoa, Chủ nhiệm HTX ươm tơ Mai Thượng, xã Mai Đình, Huyện Hiệp Hoà - Bắc Giang cho biết: ''DN chúng tôi rất lúng túng trong việc chuyển đổi công nghệ sản xuất, nhiều khi phải chấp nhận bán rẻ, bị ép giá nên rất mong sự giúp đỡ của các cơ quan, các cấp ngành về mặt thông tin''. 

Thứ trưởng Nguyễn Xuân Chuẩn khẳng định, sắp tới, ngành công nghiệp sẽ khẩn trương hình thành và kiện toàn các tổ chức khuyến công và Quỹ Khuyến Công từ trung ương tới địa phương, đồng thời sắp tới Chính phủ cũng sẽ ban hành Nghị định Khuyến khích phát triển Công nghiệp nông thôn nhằm tạo hành lang pháp lý cho hoạt động này.

Khái niệm ''công nghiệp nông thôn'' nếu hiểu một cách đầy đủ là hoạt động sản xuất công nghiệp của các DN quy mô vừa và nhỏ, hợp tác xã tiểu thủ công nghiệp, hộ kinh doanh cá thể có đăng ký kinh doanh tại các huyện, thị xã, thị trấn và xã.

Một trong những yếu tố tạo nên sự thần kỳ của các nền kinh tế Đài Loan, Hàn Quốc, Trung Quốc... có thể kể đến là chính sách hỗ trợ phát triển CNNT. Từ thập kỷ 60, CNNT của Đài Loan đã đóng góp 60% thu nhập cho khu vực nông thôn, tạo việc làm cho 20% lao động và đóng góp trên 60% kim ngạch xuất khẩu của Đài Loan. Năm 1996, CNNT Trung Quốc chiếm tỷ trọng hơn 50% GDP cả nước, 45% trong kim ngạch xuất khẩu.
(Ông Nguyễn Đình Hoàng Long, Phó Cục trưởng Cục Công nghiệp địa phương, Bộ Công nghiệp)

  • Phương Thanh

  Gửi tin qua Mobile Gửi tin qua E-mail In tin Gửi phản hồi
CÁC TIN KHÁC:
Vàng tăng lên 720.000 đồng/chỉ (23/10/2003)
3 cán bộ phải thanh tra... 6.000 doanh nghiệp! (23/10/2003)
Các nhà cung cấp dịch vụ Internet Phone sợ nhất thẻ lậu (22/10/2003)
Phôi thép nhập khẩu tiếp tục tăng giá (22/10/2003)
Sắp mở đường bay trực tiếp TP.HCM - Busan (22/10/2003)
Xuất khẩu đồ gỗ ''dậm chân'' ở thị trường cấp thấp (22/10/2003)
Xây dựng đường sắt cao tốc Hà Nội - TP.HCM (22/10/2003)
EU luôn rộng cửa đón hàng hoá của Việt Nam (22/10/2003)
314 tỷ đồng xây dựng công trình cáp treo Vũng Tàu (22/10/2003)
TP.HCM có trên 8.500 trường hợp sử dụng đất sai mục đích (22/10/2003)
Chuyển giao công nghệ Việt Nam ra nước ngoài (22/10/2003)
Khởi công nhà máy chế biến bông tại Gia Lai (22/10/2003)
Việt Nam sẽ đón 1 triệu du khách Nhật vào năm 2005 (22/10/2003)
Giá các loại rau, củ, quả tăng mạnh (22/10/2003)
Xem tiep Tro ve dau trang