|
Trong 10 tháng cả nước đã thu hút thêm 2,06 tỷ USD vốn đầu tư nước ngoài. |
Theo Cục đầu tư nước ngoài, trong 10 tháng qua, cả nước đã thu hút thêm 2,06 tỷ USD vốn đầu tư nước ngoài, trong đó có 496 dự án mới với tổng vốn xấp xỉ 1,3 tỷ USD được cấp phép và 289 lượt dự án được điều chỉnh tăng vốn đầu tư thêm 768 triệu USD.
Có 4 quốc gia và vùng lãnh thổ có số vốn đầu tư từ trên 100 triệu USD đến trên 200 triệu USD. Đài Loan dẫn đầu với số vốn trên 238,5 triệu USD; Hàn Quốc trên 207,8 triệu USD; đảo Virgin của Anh xấp xỉ 183 triệu USD và Australia trên 108 triệu USD.
TP.HCM tiếp tục dẫn đầu cả nước về số dự án và vốn đầu tư, với 140 dự án và tổng vốn xấp xỉ 216,6 triệu USD.
Một số dự án có quy mô lớn như dự án của Công ty TNHH Sài Gòn Sport City tại TP.HCM, có tổng vốn cam kết 130 triệu USD của đảo Virgin; dự án sản xuất các loại đĩa trắng VCD, CD, DVD của Hongkong tại khu công nghiệp Normura, Hải Phòng, với số vốn 39,9 triệu USD; và dự án sản xuất thép BHP tại Bà Rịa - Vũng Tàu, có số vốn 105 triệu USD.
Trong 10 tháng qua, doanh thu của các doanh nghiệp FDI (không tính dầu thô) ước đạt 10,2 tỷ USD, tăng 40% so với cùng kỳ năm ngoái. Xuất khẩu đạt khoảng 5,2 tỷ USD, tăng 45% và chiếm trên 31% kim ngạch xuất khẩu của cả nước.
Theo đánh giá của Cục Đầu tư nước ngoài, xu hướng tăng vốn đầu tư mở rộng sản xuất chứng tỏ ngày càng có nhiều doanh nghiệp FDI hoạt động có hiệu quả, cam kết làm ăn lâu dài tại Việt Nam. Các dự án tăng vốn tập trung nhiều vào các lĩnh vực công nghiệp và xây dựng chiếm 76,5% tổng số dự án và 74% tổng vốn tăng thêm. Đài Loan và Nhật Bản là các đối tác có nhiểu dự án tăng vốn nhất. TP.HCM dẫn đầu về số dự án tăng vốn, chiếm 34% cả về số dự án và số vốn.
Khu vực FDI đã đóng góp quan trọng, thúc đẩy gia tăng kim ngạch xuất khẩu của cả nước, đặc biệt kim ngạch xuất khẩu của khu vực này trong 10 tháng qua tăng 46% so cùng kỳ năm ngoái, tạo thêm việc làm cho 33.000 lao động; đưa số lao động trực tiếp trong các cơ sở có vốn đầu tư nước ngoài lên trên 65,2 vạn người; nộp ngân sách nhà nước tăng bình quân mỗi năm trên 15%.
Theo ông Phan Hữu Thắng, Cục trưởng Cục Đầu tư nước ngoài thuộc Bộ Kế hoạch và Đầu tư, cho biết số dự án và số vốn đăng ký đầu tư vào Việt Nam 10 tháng qua vẫn còn thấp hơn so với cùng kỳ năm ngoái. Một số dự án xin tăng thêm vốn còn chậm được giải quyết, nguyên nhân chính là do môi trường đầu tư của Việt Nam chậm được cải thiện và trở nên kém sức hấp dẫn hơn so với các nước khác. Mặc dù vậy, thời gian gần đây một số nhà đầu tư nước ngoài đã đề xuất một số dự án có quy mô lớn đầu tư về lĩnh vực bất động sản ở Nghệ An, Quảng Nam. Nhiều nhà đầu tư của Nhật Bản, Hàn Quốc, Đài Loan và Hoa Kỳ cũng đã đề xuất nhiều dự án có giá trị cao.
Để thu hút hơn nữa nguồn vốn FDI, theo ông Thắng, điều trước hết là cần phải dỡ bỏ một số hạn chế về đầu tư. Chủ trương phát huy nội lực là hoàn toàn đúng đắn, tuy nhiên, thực tế cho thấy có những lĩnh vực, những dự án nếu không huy động vốn nước ngoài thì khó có thể đầu tư hoặc đầu tư chậm. Vấn đề đặt ra là phải cân đối nội lực với ngoại lực phù hợp với điều kiện thực tiễn của Việt Nam trong từng thời kỳ.
Để làm được điều này, cần rà soát lại quy hoạch phát triển ngành theo hướng đảm bảo cân đối nguồn vốn đầu tư. Đối với những ngành lĩnh vực, dự án mà vốn trong nước khó có thể đáp ứng đủ cần khuyến khích đầu tư nước ngoài. Rà soát danh mục những dự án quốc gia kêu gọi đầu tư nước ngoài để điều chỉnh bổ sung cho phù hợp. Ban hành điều kiện, tiêu chuẩn cấp phép cho các dự án đầu tư nước ngoài trong lĩnh vực đào tạo đại học để có cơ sở xem xét thẩm định cấp phép cho các dự án đã trình hồ sơ. Tiếp tục cải tiến quy trình thẩm định dự án, mở rộng dịên đăng ký cấp phép đầu tư. Xác định thêm các ưu đãi, ưu tiên đối với những dự án có quy mô lớn đầu tư vào các địa bàn kinh tế - xã hội khó khăn, các tỉnh nghèo còn ít dự án đầu tư.
Đẩy nhanh lộ trình áp dụng cơ chế một giá và giảm một số chi phí sản xuất nhằm hỗ trợ doanh nghiệp nâng cao sức cạnh tranh và xoá bỏ phân biệt đối xử giữa các nhà đầu tư trong nước và nước ngoài. Trình Quốc hội sửa đổi Luật Thuế thu nhập cá nhân trong thời gian sớm nhất. Tập trung nghiên cứu các chính sách về đất đai, bất động sản để khơi thông dòng vốn đầu tư vào các dự án kinh doanh bất động sản, xây nhà để bán và cho thuê, tạo bước đột phá về đầu tư vào lĩnh vực rất có tiềm năng này.
Tiếp tục rà soát các dự án đã được cấp phép trên cơ sở đó tập trung tháo gỡ những khó khăn vướng mắc nhằm thúc đẩy triển khai dự án, hỗ trợ các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài hoạt động kinh doanh có hiệu quả. Triển khai nhanh và có hiệu quả các Nghị định mới của Chính phủ như Nghị định 27/2003/NĐ-CP sửa đổi bổ sung một số điều của Nghị định 24/2001/NĐ-CP quy định chi tiết thi hành luật đầu tư nước ngoài tại Việt Nam, Nghị định 38/2003/ND-CP về chuyển một số doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài sang hoạt động theo hình thức cổ phần.
Đổi mới căn bản hoạt động xúc tiến đầu tư theo hướng chủ động, có trọng điểm. Chính sách vận động xúc tiến đầu tư cũng phải linh hoạt và mềm dẻo, có phương thức vận động riêng phù hợp với yêu cầu từng quốc gia và đa quốc gia.
Ông Thắng kết luận, với những giải pháp nêu trên hy vọng rằng trong năm nay, sẽ thu hút được khoảng 2,7 tỷ vốn đầu tư nước ngoài vào Việt Nam. Mục tiêu giai đoạn 2001-2005 sẽ có thêm 12 tỷ USD vốn nước ngoài đăng ký đầu tư; đến năm 2005 khu vực FDI sẽ đóng góp khoảng 15% GDP, 25% tổng kim ngạch xuất khẩu và khoảng 10% tổng thu ngân sách (không kể dầu khí).
(Theo TTXVN) |