(VietNamNet) - Một quy định mới đưa vào trong Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) là ''Các tổ chức, hộ gia đình và cá nhân phải đăng ký giá từng mảnh đất cụ thể mà họ đang có nhà ở giá hiện hành của mảnh đất hoặc giá do người sử dụng đất tự đăng ký với chính quyền địa phương'' đã được thống nhất huỷ bỏ. Đồng thời, nhiều nội dung khác cũng được bổ sung trong lần chỉnh lý cuối cùng Dự án luật đất đai của Ủy ban thường vụ Quốc hội, sau khi đã tập hợp và xem xét tất cả các ý kiến từ dân chúng và các cơ quan hữu quan thời gian qua.
Bản chỉnh sửa mới nhất này sẽ được đem ra để Quốc hội xem xét thông qua vào Kỳ họp sắp tới.
Tuy đã bỏ cơ chế đăng ký giá đất, nhưng Chủ nhiệm ủy ban Kinh tế và ngân sách Nguyễn Đức Kiên vẫn khẳng định ''việc đăng ký giá đất là cần thiết cho một hệ thống quản lý đất đai hiện đại. Tuy nhiên, đối với nước ta đây là nội dung còn mới, sau này sẽ xem xét quy định thành Luật''.
Bên cạnh đó, dự thảo mới bổ sung qui định: ''Đất tại khu vực giáp ranh giữa các tỉnh, thành phố trực thuộc TƯ, có điều kiện tự nhiên, kết cấu hạ tầng như nhau, có cùng mục đích sử dụng hiện tại, cùng mục đích sử dụng theo qui hoạch thì mức giá được xác định như nhau''.
Cụ thể hoá các bước giải quyết tranh chấp đất đai
Theo thống kê của các cơ quan chức năng, 80% số vụ tranh chấp dân sự hiện nay đều liên quan đến đất đai. Chính vì thế mà các ý kiến về giải quyết tranh chấp đất đai được gửi đến rất nhiều. Ủy ban Thường vụ đã tiếp thu ý kiến nhân dân và sửa đổi theo hướng: Giải quyết tranh chấp đất đai thông qua hòa giải ở cơ sở; giải quyết tại Tòa án nhân dân đối với trường hợp có giấy chứng nhận quyền sử dụng đất hoặc có một trong các giấy tờ hợp lệ khác; giải quyết tại UBND cấp huyện hoặc cấp tỉnh đối với trường hợp không có giấy chứng nhận quyền sử dụng đất hoặc không có các giấy tờ hợp lệ. Trường hợp không nhất trí với quyết định của UBND cấp có thẩm quyền, người dân có thể khởi kiện ra Tòa án nhân dân.
Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế - Ngân sách Nguyễn Đức Kiên cho rằng ''Quy định như vậy sẽ phân định rõ thẩm quyền giải quyết tranh chấp đất đai giữa Tòa án nhân dân và UBND, nâng cao chất lượng, hiệu quả trong việc giải quyết tranh chấp đất đai, phù hợp với thực tế hiện nay; góp phần từng bước thực hiện cải cách hành chính và cải cách tư pháp''.
''Những nội dung qui định tại các điều về người VN định cư ở nước ngoài và tổ chức, cá nhân nước ngoài sử dụng đất tại Việt Nam đã được Dự thảo Luật đất đai mới bố trí chung vào các điều áp dụng cả cho tổ chức, cá nhân trong nước (thay vì tách riêng như dự luật trình xin ý kiến nhân dân). Cách thiết kế này nhằm bảo đảm sự bình đẳng về chế độ sử dụng đất, quyền và nghĩa vụ sử dụng đất, thực hiện thống nhất các thủ tục hành chính về đất đai giữa các thành phần kinh tế, giữa các tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước''.
(Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế và Ngân sách của Quốc hội Nguyễn Đức Kiên) |
Theo UBTV Quốc hội, hiện nay tình trạng khiếu nại về đất đai xảy ra nhiều, các vụ việc khiếu nại về đất đai thường kéo dài, vượt cấp. Nguyên nhân của tình hình đó là do người khiếu nại về đất đai ngoài việc khiếu nại về quyết định hành chính hoặc hành vi hành lệnh còn khiếu nại cả cơ quan giải quyết khiếu nại khi họ không đồng ý với quyết định giải quyết khiếu nại. Do vậy, Luật Đất đai (sửa đổi) lần này cần có quy định về thủ tục, thẩm quyền, thời hiệu giải quyết khiếu nại đất đai. Việc khiếu nại về đất đai của người sử dụng đất chỉ được thực hiện đối với quyết định hành chính hoặc hành vi hành chính khi cho rằng quyết định hành chính hoặc hành vi hành chính gây tổn hại đến lợi ích hợp pháp của mình. Vì vậy, đề nghị sửa đổi, bổ sung theo hướng: ''Người sử dụng đất có quyền khiếu nại đến cơ quan nhà nước đã ra quyết định hành chính hoặc hành vi hành chính nếu không đồng ý với quyết định giải quyết khiếu nại của cơ quan này thì có quyền khiếu nại lên cơ quan cấp trên trực tiếp của cơ quan đó. Trường hợp không nhất trí với quyết định giải quyết khiếu nại của cơ quan cấp trên trực tiếp thì người sử dụng đất có quyền khởi kiện tại Tòa án nhân dân về quyết định hành chính hoặc hành vi hành chính bị khiếu nại''.
UBND được ủy quyền cấp sổ đỏ cho cơ quan quản lý đất đai
Về nguyên tắc, cấp nào có thẩm quyền giao đất, cho thuê đất, chuyển mục đích sử dụng đất, thu hồi đất thì cấp đó có thẩm quyền cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất. Tuy vậy, trong tình hình hiện nay việc cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất thực hiện còn rất chậm, do đó tùy theo điều kiện cụ thể của địa phương, Uỷ ban nhân dân có thể ủy quyền cho cơ quan quản lý đất đai cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất. Dự luật mới quy định: UBND tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương có quyền cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho tổ chức, cơ sở tôn giáo, người Việt Nam định cư ở nước ngoài, tổ chức, cá nhân nước ngoài. UBND huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh có quyền cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho hộ gia đình, cá nhân, cộng đồng dân cư, người Việt Nam định cư ở nước ngoài mua nhà ở gắn liền với quyền sử dụng đất. Hai cơ quan này được phép uỷ quyền cho cơ quan quản lý đất đai cùng cấp.
Thu hồi đất nếu người sử dụng cố ý huỷ hoại
Về thu hồi đất, có ý kiến đề nghị Nhà nước chỉ nên thu hồi đất trong trường hợp thật cần thiết, phục vụ nhu cầu lợi ích quốc gia, lợi ích công cộng, an ninh quốc phòng; Có ý kiến đề nghị để khai thác nguồn lực từ đất, đối với những trường hợp được giao đất mà không sử dụng trong một thời hạn nào đó hoặc sử dụng không có hiệu quả thì Nhà nước cũng thu hồi; Có ý kiến đề nghị việc bồi thường cho người có đất bị thu hồi trước hết là tổ chức khu tái định cư, bồi thường bằng giao đất, bằng nhà ở, nếu không có thì mới bồi thường bằng tiền và không nên xử lý phần giá đất tăng lên của phần đất không thu hồi hết...
Uỷ ban Thường vụ Quốc hội xin tiếp thu và đề nghị cho bổ sung quy định về các trường hợp thu hồi đất. Nếu người sử dụng cố ý huỷ hoại đất; đất được giao không đúng đối tượng hoặc không đúng thẩm quyền; đất được Nhà nước giao mà không thu tiền sử dụng; đất được Nhà nước cho thuê trả tiền thuê đất hàng năm, đất giao cho tổ chức, UBND xã phường thị trấn quản lý mà cố ý để đất bị lấn chiếm, thất thoát; đất trồng cây hàng năm không được sử dụng trong 12 tháng liền; đất trồng cây lâu năm không được sử dụng trong thời hạn 18 tháng liền, đất trồng rừng không được sử dụng trong 24 tháng liền thì sẽ bị thu hồi.
Luật Đất đai mới sẽ hiệu lực vào 1/4/2004
Dự kiến ban đầu, thời hiệu thi hành của Luật Đất đai mới là ngày 1/1/2004. Nhưng có nhiều ý kiến các cơ quan chức năng cho là quá gấp, không đủ thời gian để chuẩn bị các văn bản hướng dẫn thi hành Luật.
Ông Nguyễn Đức Kiên cũng đồng ý như vậy và theo đề xuất của Ủy ban Kinh tế và Ngân sách thì nên lui lại đến 1/7/2004. Cuối cùng, Thường vụ Quốc hội chọn thời điểm Luật đất đai (sửa đổi) bắt đầu đi vào cuộc sống từ 1/4/2004.
|