''Tính hợp tác của lao động Việt Nam rất kém''
11:29' 09/10/2003 (GMT+7)

Ông Atsushi Mise, chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp Nhật tại Việt Nam.

Nguồn nhân lực là yếu tố quan trọng thứ hai (sau môi trường đầu tư) đối với những nhà đầu tư Nhật khi quyết định làm ăn ở Việt Nam. Nguồn lao động của Việt Nam hiện tại liệu đã thỏa mãn  những nhà đầu tư khó tính người Nhật hay chưa? Ông Atsushi Mise, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp Nhật tại Việt Nam, đã có cuộc trao đổi với báo chí.

- Thưa ông, cộng đồng doanh nghiệp Nhật đánh giá nguồn lao động Việt Nam thế nào?

- Chúng tôi thấy người lao động Việt Nam có những điểm giống với lao động ở các nước Đông Nam Á. Chẳng hạn như thể lực tốt, sự khéo léo  khi làm việc, ham học hỏi, cầu tiến. Sau giờ làm việc chúng tôi còn thấy rất nhiều bạn trẻ đi học thêm. Giới doanh nhân Nhật vẫn đánh giá nguồn lao động Việt Nam là cần cù và giá nhân công thị trường này rẻ.

Tuy nhiên, hiện nay giá nhân công rẻ không còn là yếu tố quyết định để hấp dẫn các nhà đầu tư, như với 7-8 năm trước khi nền kinh tế Nhật và đồng yên còn  mạnh, các xí nghiệp Nhật đầu tư ra nước ngoài rất nhiều thì nhân công rẻ là một yếu tố rất quan trọng.

Thế mạnh được chú ý bây giờ là vị trí Việt Nam gần Trung Quốc. Luồng đầu tư ở Nhật đang thay đổi, không quá tập trung vào Trung Quốc nhằm tránh rủi ro. Đầu tư ở Việt Nam, chúng tôi có thể đưa hàng sang đó và tận dụng được một số lợi điểm về nguồn lao động như trên.

- Theo ông, đâu là những điểm yếu của nguồn lao động Việt Nam?

Tính đến đầu năm 2003, Nhật đã đầu tư vào Việt Nam 378 dự án với tổng vốn đầu tư 4,311 tỷ USD, số vốn đã thực hiện đạt 3,074 tỷ USD và đứng thứ ba trong danh sách các nước và vùng lãnh thổ đầu tư vào Việt Nam. Việt Nam xuất khẩu sang Nhật 2,438 tỷ USD. Hiệp hội Doanh nghiệp Nhật ở Việt Nam hiện thu hút 141 thành viên.

- Theo người Nhật, năng lực và tri thức về công việc phải qua quá trình tích lũy. Tuy nhiên, điểm yếu của người lao động Việt Nam là kiến thức của họ còn mang tính chất cá nhân. Lao động Việt Nam mang tính chất dao động, mà doanh nghiệp Nhật hoặc ở Nhật thì ít khi có trường hợp này. Thứ hai nữa là người lao động Việt Nam khi làm việc theo nhóm, tập thể, tính hợp tác rất kém.

- Có ý kiến cho rằng cơ hội dành cho lao động quản lý rất hiếm có  tại các doanh nghiệp Nhật, ông nghĩ sao điều này?

- Đối với các xí nghiệp ở châu Âu hay Mỹ thì họ có chiến lược địa phương hóa và quốc tế hóa. Nghĩa là nhà đầu tư dần dần đưa người lao động địa phương vào các vị trí quản lý. Còn giới doanh nhân Nhật đầu tư ra nước ngoài thì không như vậy và các chức vụ quản lý trong doanh nghiệp đều do người Nhật nắm giữ.

Tuy nhiên, theo tôi, hiện nay tình hình này đã thay đổi. Doanh nhân Nhật đầu tư vào Việt Nam vẫn thường mong muốn sẽ tìm được người thay thế, nghĩa là nhân viên Việt Nam phải cống hiến được nhiều cho doanh nghiệp trước khi được tiến cử.

- Cần đẩy mạnh nguồn nhân lực Việt Nam theo hướng nào, theo ý ông?

- Để kinh doanh trong bối cảnh cạnh tranh toàn cầu như hiện nay thì sự thông minh, khéo léo vẫn chưa đủ. Người lao động Việt Nam phải được học hỏi cách xử lý vấn đề và suy nghĩ mang tính toàn cầu để mang nhiều tính ứng dụng thực tiễn hơn. Tôi tin nếu đầu tư nhân lực theo hướng này Việt Nam sẽ phát triển được thế mạnh trong đội ngũ lao động.

Tôi đã làm việc ở Thái Lan 7năm, hiện nay thu nhập quốc dân của Thái gấp Việt Nam năm lần nhưng tôi cho rằng 20 năm nữa thì Việt Nam sẽ đuổi kịp Thái Lan và 5 năm sau đó thì Việt Nam sẽ vượt Thái Lan.

(Theo Tuổi Trẻ)

Tin liên quan:

  Gửi tin qua Mobile Gửi tin qua E-mail In tin Gửi phản hồi
CÁC TIN KHÁC:
Đề nghị nâng mức khởi điểm chịu thuế lên 5 triệu đồng (09/10/2003)
Hội thảo về phát triển vệ tinh (09/10/2003)
11.000 tỷ đồng xây dựng nợ đọng, giải quyết thế nào? (09/10/2003)
Giới khoa học bất đồng về dự án Metro ưu tiên tại TP.HCM (09/10/2003)
Vận chuyển trên 2,8 triệu hành khách bằng đường không (09/10/2003)
Khách quốc tế đến TP.HCM tăng 27% (09/10/2003)
Thị trường dầu dừa xuất khẩu đóng băng (09/10/2003)
Đánh thuế thu nhập cao từ chuyển nhượng đất đai (09/10/2003)
Dân Sơn La đua nhau trả bò (09/10/2003)
GDP tăng trưởng cao nhất trong 6 năm qua (08/10/2003)
Sẽ thanh tra hoạt động kinh doanh lữ hành (08/10/2003)
Sản xuất lương thực đang cần sự đột phá của KHCN (08/10/2003)
ASEAN sẽ tiêu chuẩn hóa thuế nhập khẩu (08/10/2003)
Đặt tên doanh nghiệp: Bấp bênh giới hạn của sự độc đáo (08/10/2003)
Xem tiep Tro ve dau trang