|
Chế biến thuỷ sản xuất khẩu |
(VietNamNet) - Vụ kiện các tra cá ba sa tại thị trường Mỹ đã đem đến sự bất lợi không nhỏ cho doanh nghiệp và người nuôi cá tra, cá basa Việt Nam. Nhưng trớ trêu thay, nhờ vào chiến dịch tuyên truyền ồn ào của Hiệp hội chủ trại cá nheo Mỹ (CFA), sản phẩm cá tra và basa phi lê đông lạnh Việt Nam càng được quảng bá rộng khắp trên thế giới mà doanh nghiệp Việt Nam chẳng phải tốn kém đồng xu nào!
Sau vụ kiện, sản lượng cá tra, cá basa của Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thủy sản Việt Nam (VASEP) xuất khẩu sang các thị trường khác tăng một cách đáng kể. Cụ thể, ngay trong quý đầu năm 2003, sản lượng cá tra và basa của VASEP xuất sang Australia, Hongkong, Nhật Bản, Trung Quốc, EU … đã vượt xa số xuất sang Mỹ. Ngoài ra, trước khi vụ kiện xảy ra, người trong nước ít ai biết và sử dụng cá tra, cá ba sa, nay người ta bắt đầu làm quen với loại cá này và kết quả là cả cá tươi sống lẫn các mặt hàng chế biến từ nó đều bán rất chạy.
Mặt khác, mức thuế suất từ 36,84% đến 63,88% áp cho tùy theo từng doanh nghiệp, do USITC và USDOC công bố cũng chỉ là “treo” ở đó mà thôi. Chẳng hạn, Công ty Agifish bị áp thuế chống bán phá giá là 47,05%, khi xuất hàng sang Mỹ thì theo luật của Hòa Kỳ, chính nhà nhập khẩu Mỹ sẽ nộp khoản thuế này cho Hải quan Mỹ, chứ không phải doanh nghiệp Việt Nam đóng. Điều này tuy rằng khiến cho nhà nhập khẩu Mỹ phải giảm nhập cá tra, cá basa của Việt Nam, nhưng bù lại sau một năm, USDOC sẽ “review”, xem xét điều tra kỹ càng giá thành, giá bán của Agifish, giống như lúc ban đầu khởi kiện vụ án, nếu xét thấy Agifish đã chấp hành và chứng minh được mình trong thời gian một năm đã không vi phạm luật bán phá giá thì họ sẽ điều chỉnh mức thuế thấp hơn 47,05% hoặc cũng có thể bằng 0%. Điều kiện này sẽ được xem xét trong vòng 5 năm đối với từng doanh nghiệp.
Như vậy, rõ ràng phía doanh nghiệp Việt Nam vẫn còn cơ hội, cũng có nghĩa là vẫn chưa thua, và cũng có nghĩa là bản thân từng doanh nghiệp sẽ bị thử thách rất lớn! Và, để vượt qua được những thử thách này, có một yếu tố không kém quan trọng là từ đây trong hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp, không thể không có sự hợp tác chặt chẽ với các luật sư tư vấn trong và ngoài nước.
Theo nhận định của ông Ngô Phước Hậu, Tổng giám đốc Công ty Agifish, kiêm phó chủ tịch VASEP, ”Vụ kiện cá tra, cá basa có thể ví von như 'chuyện tái ông mất ngựa'. Sản lượng xuất khẩu cá tra, cá basa của Việt Nam vào thị trường Mỹ có giảm nhưng bù lại chúng ta đã mở rộng thêm được nhiều thị trường khác. Cụ thể như Agifish, ngoài thị trường Mỹ, còn có thêm được thị trường mới như Nhật; trước đây họ không bao giờ dùng cá tra, cá basa vì cho rằng đó là cá nước ngọt nhưng nay họ dùng rất nhiều. Và mới đây Agifish đã xuất thử 3 tấn phi lê cá tra, cá basa sang Ukraina, một thị trường tiềm năng lớn của xuất khẩu Việt Nam… Mặt khác, CFA chỉ kiện doanh nghiệp Việt Nam về mặt hàng cá tra, cá basa phi lê đông lạnh mà thôi, cho nên chúng ta vẫn có thể tiếp tục xuất cá tra, cá basa vào thị trường Mỹ ở dạng cá nguyên con, cá cắt khúc… “.
|