(VietNamNet) - Tại cuộc họp mới đây của ngành tài chính, ông Nguyễn Ngọc Tuấn, Trưởng ban Vật giá Chính phủ cho biết sẽ hoàn thiện cơ chế quản lý về giá theo hướng Nhà nước giảm dần định giá trực tiếp để tôn trọng quyền tự định giá và cạnh tranh về giá của tổ chức cá nhân sản xuất kinh doanh theo đúng pháp luật.
''Ngành Tài chính - Vật giá sẽ nghiên cứu tiếp tục đổi mới cơ chế chính sách quản lý giá hàng hoá, dịch vụ chi từ nguồn ngân sách; cơ chế chính sách quản lý giá đất; cơ chế chính sách giá phục vụ chuyển dịch cơ cấu kinh tế'', ông Tuấn nói thêm.
Chỉ số tiêu dùng cả năm tăng 4%
Theo Tổng cục Thống kê, chỉ số giá tiêu dùng tháng 12/2002 so với tháng 12/2001 tăng 4%. Trong đó, nhóm hàng lương thực - thực phẩm tăng 5,7% (lương thực tăng 2,6% và thực phẩm tăng 7,9%); nhóm hàng đồ uống và thuốc lá tăng 3,6%; nhóm hàng may mặc mũ nón giày dép tăng 1,1%; nhóm hàng nhà ở và vật liệu xây dựng tăng 7,1%; nhóm hàng thiết bị và đồ dùng gia đình tăng 0,1%; dược phẩm, y tế tăng 0,5%; phương tiện đi lại, bưu điện tăng 1,7%; nhóm hàng giáo dục tăng 1,2%; đồ dùng và dịch vụ khác tăng 2%; riêng nhóm hàng văn hoá giảm 0,9%...
Chỉ số giá vàng tăng tới 19,4% so với tháng 12/2001 trong khi chỉ số giá USD chỉ tăng có 2,12%. |
Theo Tổng cục Thống kê, chỉ số giá tiêu dùng tháng 12/2002 so với tháng 12/2001 tăng 4%, đạt được mục tiêu mà Quốc hội đề ra. Chỉ số giá tiêu dùng năm 2002 có mức tăng cao nhất trong 3 năm gần đây (năm 1999 chỉ số này tăng 0,1%, năm 2000 giảm 0,6% và năm 2001 tăng 0,8%). Chỉ số này tăng chủ yếu do giá cả thị trường thế giới biến động đã ảnh hưởng đến Việt Nam. Tuy nhiên, giá cả vẫn bình ổn, không tăng nhiều do cung cầu hàng hoá không căng thẳng, hàng hoá nhiều, sức mua chỉ tăng nhẹ.
Giá cả thị trường bình ổn một phần nhờ vào sự điều tiết của Nhà nước, cụ thể là của Ban Vật giá Chính phủ. Ông Tuấn cho biết, ngay từ đầu năm 2002, Ban Vật giá Chính phủ đã đề ra biện pháp bình ổn giá cả thị trường, giữ cho giá cả thị trường những hàng hoá quan trọng, thiết yếu không tăng đột biến hoặc không giảm xuống quá thấp, góp phần khuyến khích sản xuất, bảo vệ lợi ích của người tiêu dùng. Ban Vật giá Chính phủ đã kiến nghị những giải pháp bình ổn giá như hỗ trợ 100% lãi suất vay vốn ngân hàng để mua bông hạt chế biến bông xơ; hỗ trợ 50% số lỗ kinh doanh xuất khẩu cà phê; hỗ trợ giống có năng suất cao để mở rộng vùng nguyên liệu dứa Cayen, bông hạt...
Chẳng hạn, để ổn định giá bán xăng dầu trong nước trong khi giá xăng dầu trên thế giới tăng mạnh, Ban Vật giá Chính phủ đã yêu cầu các tổng công ty và công ty xuất nhập khẩu, kinh doanh xăng dầu dành mức hoa hồng cho các đại lý, bảo đảm bù đắp được các chi phí phát sinh tối thiểu trong kinh doanh xăng dầu. Đồng thời, giao cho các Sở Tài chính Vật giá tại các tỉnh, thành phố chỉ đạo thanh tra, kiểm tra các cửa hàng kinh doanh xăng dầu, nếu có vi phạm kỷ luật về giá thì xử lý nghiêm khắc theo quy định. Đầu tháng 4/2002, đã kiến nghị Thủ tướng Chính phủ tạm thời cấp bù lỗ kinh doanh xăng dầu trong những tháng đầu năm 2002, xử lý thuế nhập khẩu linh hoạt, kịp thời để giữa giá bán xăng, diezen và điều chỉnh giá bán buôn tối đa với dầu mazut, giá tối đa bán lẻ dầu hoả.
Cuối năm 2003, sẽ xoá bỏ chính sách hai giá?
Theo Ban Vật giá Chính phủ, Ban này đã trình Chính phủ đề án Định hướng chính sách giá đối với DN có vốn đầu tư nước ngoài thời kỳ 2001 - 2005, trong đó có lộ trình điều chỉnh giá tiến tới thực hiện một biểu giá chung đối với đầu tư trong nước và đầu tư nước ngoài. Đến cuối năm 2002 chỉ còn giá điện, giá vé máy bay trong nước áp dụng chính sách hai giá phân biệt đối tượng tiêu dùng trong nước và nước ngoài.
Từ ngày 1/10/2002, Chính phủ đã điều chỉnh giá bán điện bình quân từ 742 đồng/KWh, giá bán điện cho DN có vốn đầu tư nước ngoài cao hơn cho giá sản xuất trong nước 6-16% tuỳ theo đối tượng sử dụng điện cho sản xuất và dịch vụ. Thực hiện lộ trình điều chỉnh giá bán điện đã được Thủ tướng phê duyệt, nếu cuối năm 2003 điều chỉnh giá bình quân lên 976 đồng/KWh thì có thể xoá bỏ chính sách bán điện phân biệt giữa trong nước và nước ngoài, thực hiện một biểu giá chung. Tuy nhiên để tích cực tạo môi trường thuận lợi cho thu hút vốn đầu tư nước ngoài, Bộ Tài chính sẽ đề nghị Thủ tướng có thể xem xét điều chỉnh ngay giá điện đối với các đối tượng nước ngoài xuống bằng giá trong nước, sớm xoá bỏ phân biệt giá.
Pháp lệnh Giá chưa thực sự đi vào cuộc sống
Năm 2002, Ban Vật giá Chính phủ đã phối hợp với Sở Tài chính - Vật giá các tỉnh, thành phố tiến hành 15 cuộc thanh tra theo kế hoạch. Trong đó đã có 11 cuộc kết thúc và hoàn thành việc xử lý, 4 cuộc đang triển khai thực hiện. Nội dung các cuộc kiểm tra, thanh tra tập trung vào việc chấp hành chính sách giá do Nhà nước quy định như giá điện, giá xăng dầu, viện phí, cước phí cảng biển, cước hàng không, trợ cước, trợ giá cho miền núi... Qua 11 cuộc thanh tra đã phát hiện tổng số tiền sai giá hơn 11,3 tỷ đồng; đã xử lý hành chính tịch thu số tiền sai giá nộp ngân sách 289 triệu đồng, thu về cho DN là 114 triệu đồng, trả lại cho khách hàng 9,34 triệu đồng. |
Thực hiện chương trình xây dựng luật, pháp lệnh của Quốc hội nhiệm kỳ khóa X, theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Ban Vật giá Chính phủ đã chủ trì soạn thảo Pháp lệnh Giá. Pháp lệnh này được Uỷ ban Thường vụ quốc hội thông qua và có hiệu lực thi hành từ ngày 1/7/2002. Tuy nhiên, được 6 tháng Pháp lệnh có hiệu lực nhưng dự thảo Nghị định Chính phủ quy định chi tiết thu hành một số điều Pháp lệnh Giá vẫn đang ''nằm chờ'' Bộ Tài chính xem xét trình Chính phủ.
Nghị định của Chính phủ về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giá cũng mới ở giai đoạn dự thảo và đang trình Bộ Tài chính xem xét. Nghị định này được soạn thảo trên cơ sở Nghị định 44/2002/NĐ-CP ngày 1/9/2000 về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giá có bổ sung, sửa đổi cho phù hợp với Pháp lệnh giá và Pháp lệnh xử lý vi phạm hành chính mới được ban hành.
Thực hiện Điều 29 Pháp lệnh Giá, thời gian vừa qua, Ban Vật giá Chính phủ cũng đã phối hợp với các cơ quan hữu quan thực hiện niêm yết giá một số mặt hàng tại các trung tâm thương mại, nơi cung ứng hàng hoá, dịch vụ. Tuy nhiên vì chưa có quy chế xử phạt hành chính việc không thực hiện niêm yết giá nên quy định bắt buộc niêm yết giá chỉ có tính ''phong trào''.
Ban Vật giá Chính phủ cho biết sẽ tiếp tục phối hợp với các đơn vị trực thuộc Bộ Tài chính và Sở Tài chính - Vật giá tổ chức điều tra, xử lý các hành vi bán phá giá và hành vi liên kết độc quyền về giá để chiếm lĩnh thị trường. Tuy nhiên, theo các chuyên gia, điều luật về bán phá giá trong Pháp lệnh Giá còn chung chung, chưa có quy định cụ thể và vấn đề thẩm định giá còn chưa thống nhất. Liên quan vấn đề này, luật về cạnh tranh và chống độc quyền ở Việt Nam cũng chỉ mới dừng lại ở mức đề nghị của các chuyên gia nghiên cứu.
Theo Ban Vật giá Chính phủ, cho đến nay mới có 27 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương đã có báo cáo tổ chức thực hiện triển khai thực hiện Pháp lệnh giá.
|