Năm thứ ba thực hiện Luật Doanh nghiệp
Lực cản xuất hiện nhiều hơn
04:41' 09/01/2003 (GMT+7)

(VNN - VASC Orient).  Được coi là điểm đột phá trong việc phát huy nội lực, huy động sức dân phát triển kinh tế đất nước, Luật Doanh nghiệp (DN) từ khi ra đời thực sự tạo ra sự tăng trưởng kỳ diệu của khu vực kinh tế ngoài quốc doanh. Tuy vậy, năm 2002 đã chứng kiến không ít khó khăn trong quá trình thực hiện đạo luật mới ba năm tuổi này.

Luật DN đã góp phần tạo mới hàng triệu việc làm

Bộ KH-ĐT cho biết, đến hết tháng 11/2002, tổng số vốn đăng ký mới và đăng ký bổ sung của các DN theo Luật DN đạt khoảng 101.397 tỷ đồng. Riêng trong năm 2002, con số này là 46.397 tỷ, tương đương với 3,09 tỷ USD. Số DN mới đăng ký theo Luật DN xấp xỉ 55.200 DN. Ngoài ra, hơn 18.000 DN đã mở rộng đầu tư và quy mô kinh doanh dưới hình thức lập thêm chi nhánh và văn phòng đại diện ở các địa phương khác. Đây là hiện tượng chưa từng có trong ''thời của Luật Công ty'' (1991-1999).

Kinh tế dân doanh - khu vực năng động và sáng tạo nhất

Thực tế  ba năm thi hành Luật DN cho thấy, khu vực kinh tế dân doanh thực sự rất giàu tiềm năng, đặc biệt là về khả năng sáng tạo và tinh thần ''dám nghĩ dám làm'', điều mà DN Nhà nước nhiều khi e ngại. Những sáng kiến trong khu vực này là vô tận, có thể biến những sản vật bình thường nhất thành... hàng xuất khẩu. Những xơ dừa, mùn dừa, lục bình, bẹ chuối, vỏ trấu hay gốc tre... đều được doanh nhân Việt Nam mang đi khắp thế giới. DN tư nhân là những người chủ động và linh hoạt nhất khi ''lao vào'' kinh doanh trong các lĩnh vực mới, từ mỹ phẩm, đồ nội thất, hàng thực phẩm đến sản phẩm công nghệ thông tin, công nghệ sinh học...

Theo thống kê của Bộ KH-ĐT, các DN thành lập theo Luật DN đến nay đã giải quyết công ăn việc làm cho khoảng 175.000 người. Tốc độ tăng giá trị sản xuất công nghiệp của khu vực kinh tế này cao hơn cả DN Nhà nước và DN có vốn đầu tư nước ngoài. Năm 2000, tốc độ đó đạt khoảng 18,3%, năm 2001 là 20,3%, trong 11 tháng của năm 2002 là 19,1% (trong khi vận tốc của khu vực DN Nhà nước là 11,8%, khu vực có vốn đầu tư nước ngoài 14,5%).

...Nhưng còn bị o ép quá nhiều

Theo đánh giá của đa số các chuyên gia kinh tế trong và ngoài nước, sân chơi cho các DN tư nhân tại Việt Nam đang rất thiếu sự bình đẳng. Luật DN đúng là đã thuận lợi hóa căn bản quá trình ''khai sinh ra các DN'', bằng việc rút ngắn thời gian đăng ký kinh doanh, mở rộng ngành nghề được phép kinh doanh, bãi bỏ những hạn chế về vốn pháp định, hình thức kinh doanh... Tuy nhiên, việc ''dưỡng sinh'' các DN thì còn yếu. DN tư nhân vẫn gặp vô vàn khó khăn khi tiếp cận với những nguồn lực quan trọng như thị trường đầu vào, đất đai, vốn... Phần lớn các DN tư nhân không có quyền sử dụng đất hoặc tài sản có giá trị để thế chấp phải phụ thuộc rất nhiều vào các mối quan hệ quen biết mới vay được vốn. Kết quả cuộc điều tra mới đây của Viện Kinh tế và quản lý châu Á - Thái Bình Dương kết hợp với Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương cho thấy rõ điều đó.

Cuộc điều tra của Hiệp hội DN TP.HCM, công bố tại Diễn đàn Doanh nghiệp ngày 9/12 thì cho thấy, 70% số DN mới thành lập có nhu cầu về vốn vay trung và dài hạn, nhưng chỉ 10% có thể tiếp cận với nguồn vốn ưu đãi của Chính phủ. Các DN thường xuyên thiếu thông tin về những nguồn vốn này. 70% số DN vừa và nhỏ phải ''gọi vốn'' từ bạn bè, gia đình, thậm chí từ những tay cho vay lãi cao. Phần lớn doanh nhân nhận xét rằng, quy trình vay vốn từ ngân hàng quá khó khăn, phức tạp và không thể đáp ứng nhu cầu cấp bách của DN.

Việc sửa đổi Luật Đất đai đến nay vẫn rắc rối và chưa đi đến đâu, trong khi hàng trăm văn bản về lĩnh vực đất đai đang ngăn cản DN tiếp cận với nguồn lực quan trọng này.

Ba năm qua, Chính phủ hết sức cố gắng để loại bỏ những văn bản trái với Luật DN, nhất là các giấy phép con. Đợt đầu tiên được tiến hành tháng 2/2000, có 84 loại giấy phép đã bị bãi bỏ. Sau đó, thêm 27 loại giấy phép bị bãi bỏ, 34 loại bị sửa đổi cho phù hợp với luật. Tuy nhiên, đến đợt ''thanh toán'' giấy phép thứ ba (ngày 4/6/2002), số giấy phép con bị bãi bỏ chỉ là 5 cái (trong tổng số gần 30 giấy phép mà Tổ công tác thi hành Luật DN đề nghị). Quá trình thương thảo vất vả kéo dài hàng tháng trời, cho thấy những lực cản đối với Luật DN không phải là ít. Hiện vẫn còn tới 192 giấy phép con tồn tại song song với Luật DN.

Luật DN về địa phương: nhiều sáng tạo nhưng cũng lắm ''lệ làng''

Ông Nguyễn Đình Cung, Thư ký Tổ Công tác thi hành Luật Doanh nghiệp cho rằng, có thể coi TP.HCM là điển hình về thi hành tốt Luật DN. Là địa phương đầu tiên áp dụng hình thức đăng ký kinh doanh qua mạng, công bố thông tin về những DN đã đăng ký kinh doanh trên Internet, TP.HCM cũng đi đầu trong việc lập hộp thư thoại để ''tiếp chuyện'' DN 24/24 giờ trong ngày về đăng ký kinh doanh...

Mới đây, nhiều chuyên gia kinh tế đánh giá cao việc lãnh đạo tỉnh Quảng Ninh đích thân mời và chỉ đạo tạo điều kiện, để Công ty Gốm sứ Quang Vinh (trụ sở đặt tại làng gốm Bát Tràng, Hà Nội) tiến hành mọi thủ tục lập cơ sở sản xuất tại Quảng Ninh trong thời gian rất ngắn. Trước đó, DN này đã khá vất vả và tốn nhiều thời gian mà không thuê được đất mở rộng kinh doanh ngay tại Hà Nội.

Bình Dương, một tỉnh trước đây được coi là nghèo khi tách ra từ tỉnh Sông Bé (năm 1997), nay có nền kinh tế rất mạnh, một phần nhờ thực hiện tốt Luật DN, phát triển khu vực kinh tế tư nhân. Bình Dương áp dụng hiệu quả chính sách một cửa trong quy trình đăng ký kinh doanh. Các DN của tỉnh chỉ mất 7 ngày để có giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh. Lãnh đạo tỉnh Bình Dương thường xuyên gặp gỡ, trao đổi, giúp cộng đồng DN tháo gỡ những vướng mắc, khó khăn. Quyết tâm của chính quyền địa phương trong việc cải thiện môi trường kinh doanh đã tạo lòng tin vững chắc cho các doanh nhân và sự tăng trưởng kinh tế đáng khâm phục.

Tuy nhiên, không ít địa phương đã đặt ra những ''lệ làng'' cản trở Luật DN. Chỉ thị 17 của UBND TP.HCM về cấm kinh doanh một số ngành nghề là một thí dụ. Rất nhiều giấy phép hành nghề do các bộ, ngành đặt ra, thực chất chỉ là giấy phép con biến tướng. Hàng trăm quy định không phù hợp với Luật DN hiện vẫn được áp dụng, chưa biết khi nào mới bỏ được.

Đừng đổ hết tội cho Luật DN

Năm 2002 có thể coi là năm mà Luật DN bị ''kêu ca'' nhiều nhất. Không ít người, khi nhìn thấy những tiêu cực trong hoạt động sản xuất kinh doanh của khu vực kinh tế tư nhân đã quy trách nhiệm cho Luật DN. Họ cho rằng, Luật DN quá thoáng, tạo kẽ hở cho nạn trốn lậu thuế, gian lận thuế (nhất là gian lận hoàn thuế VAT), lập DN ''ma'' với mục đích bất chính...

Tuy nhiên, theo bà Phạm Chi Lan, Phó Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam, nguyên nhân thực chất của tình trạng trên, trước hết nằm ở khả năng quản lý yếu kém của các cơ quan công quyền. Công tác hậu kiểm đã được tiến hành, nhưng kết quả còn hạn chế. Nạn tham nhũng, quan liêu đang tiếp tay cho bọn làm ăn gian lận. Mặt khác, nhiều vụ việc vi phạm pháp luật do những DN ra đời trước Luật DN thực hiện, nhưng hậu quả lại bị quy cho Luật DN...

Năm thứ tư - sẽ đưa Luật DN về nông thôn?

Lực lượng lao động dôi dư hiện khá nhiều. Trong khi đó, số DN được lập ở nông thôn lại quá ít. Có huyện thậm chí không hề có một DN tư nhân nào. Hai thành phố Hà Nội và TP.HCM chiếm tới hơn 60% số DN và số vốn đăng ký. Bất hợp lý này cần sớm được khắc phục. Theo một số chuyên gia, để phát triển kinh tế và giải quyết lao động vùng nông thôn, miền núi, hướng giải quyết cơ bản nhất là đưa Luật DN về nông thôn.

Được biết, Bộ NN-PTNT đang dự định trình Chính phủ đề án thúc đẩy thành lập DN tại nông thôn. Đề án này có thể được xem xét trong năm tới.

  • Trịnh Hằng

  Gửi tin qua Mobile Gửi tin qua E-mail In tin Gửi phản hồi
CÁC TIN KHÁC:
Xuất khẩu cà phê khó đạt kế hoạch (09/01/2003)
Mối ''giao duyên'' Sony-Ericsson không mấy sáng sủa (09/01/2003)
Đế chế Visa vươn ra toàn cầu (09/01/2003)
Chính phủ khuyến khích đẩy mạnh CPH các DN cơ khí (09/01/2003)
Hoãn thi hành tăng thuế nhập khẩu linh kiện ôtô (09/01/2003)
Các DN Triết Đông kêu gọi đầu tư tại Việt Nam (09/01/2003)
Mỹ đang thúc Việt Nam đàm phán Hiệp định Dệt may (09/01/2003)
Giá đường giảm, giá cà phê chập chờn (09/01/2003)
Thị trường xe máy - một năm chao đảo (09/01/2003)
Giày Hiệp Hưng không được bù lỗ bằng ngân sách (09/01/2003)
Tỷ giá ít biến động trong dịp Giáng sinh (09/01/2003)
Nhiều khó khăn trong xây dựng làng nghề tập trung (08/01/2003)
Việt Nam vẫn chưa áp dụng biểu thuế mới cho AFTA (08/01/2003)
Việt Nam được phép xuất thịt gia cầm sang Nhật (08/01/2003)
Xem tiep Tro ve dau trang