(VASC Orient) - ''Trong những năm tới, Chính phủ tập trung phát triển một số chuyên ngành và sản phẩm cơ khí trọng điểm như thiết bị toàn bộ, máy động lực, cơ khí tàu thủy, cơ khí ôtô...''. Đây là nội dung Chiến lược phát triển ngành cơ khí Việt Nam đến năm 2010, tầm nhìn đến năm 2020.
Chiến lược này vừa được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt ngày 26/12 theo Quyết định 186/2002. Thủ tướng nhấn mạnh, cơ khí là một trong những ngành công nghiệp nền tảng của nền kinh tế Việt Nam. Thủ tướng cũng nêu rõ, mọi thành phần kinh tế được khuyến khích tham gia phát triển công nghiệp cơ khí. Việc cổ phần hóa các doanh nghiệp cơ khí (kể cả bán cổ phần cho người nước ngoài) sẽ được đẩy mạnh để tạo vốn đầu tư mới và đa dạng hoá nguồn vốn.
Cơ khí hiện chưa phải là một thế mạnh của công nghiệp Việt Nam. Phần lớn thiết bị, máy móc phục vụ sản xuất xi măng, đường, bia, thép, dầu khí... đều phải nhập khẩu. Đặc biệt, ngành sản xuất và lắp rắp ôtô, xe gắn máy đang phát triển nhanh chóng ở Việt Nam, nhưng thiết bị cho các nhà máy thì cơ khí nội địa đành để mất thị trường.
Nhận thức rõ tình trạng trên, trong Chiến lược phát triển ngành cơ khí, Chính phủ coi trọng sự tăng cường năng lực tự nghiên cứu, chế tạo của các cơ sở trong nước. Theo Quyết định 186, Chính phủ sẽ có cơ chế hỗ trợ về vốn lưu động cho các doanh nghiệp sản xuất thiết bị cơ khí, các công trình chế tạo thiết bị toàn bộ đòi hỏi lượng vốn lớn.
Về chính sách thuế, Chính phủ chỉ đạo việc miễn giảm thuế nhập khẩu nguyên liệu và linh kiện của sản phẩm cơ khí trọng điểm, phục vụ sản xuất trong nước. Các sản phẩm cơ khí lần đầu được sản xuất ở Việt Nam cũng sẽ được miễn giảm thuế có thời hạn.
Mục tiêu của ngành cơ khí là đến năm 2010 có thể thỏa mãn 45-50% nhu cầu trong nước. Đó là một mục tiêu nhiều tham vọng, bởi đến nay, con số này mới đạt hơn 10%. Khi Việt Nam thực hiện cắt giảm thuế theo cam kết trong AFTA, giảm bảo hộ theo WTO, ngành cơ khí sẽ càng khó khăn hơn.
Riêng với công nghiệp tàu thủy, Chính phủ đặt mục tiêu, vào năm 2010, Việt Nam sẽ có nền công nghiệp tàu thủy phát triển vào loại trung bình tiên tiến trong khu vực. Các cơ sở trong nước sẽ có đủ năng lực đóng mới hầu hết phương tiện thủy nội địa, tàu công trình, tàu biển trọng tải dưới 15.000DWT. Chính phủ cũng nêu rõ, vào cuối thập niên này, doanh nghiệp cơ khí Việt Nam phải đáp ứng 60-70% nhu cầu trong nước về máy động lực cỡ trung và cỡ nhỏ, sản xuất động cơ thủy 400 mã lực trở lên với tỷ lệ nội địa hóa từ 30 đến 40%.
|