(VietNamNet) - Bộ Thương mại vừa cho biết, kết quả hoạt động xuất khẩu tháng 1 rất khả quan, tổng kim ngạch đạt khoảng 1,73 tỷ, tăng 31% so với cùng kỳ năm 2002. Mặt hàng xuất khẩu khá nhất là lạc nhân với mức tăng 400%.
|
Bốc xếp hàng ở Cảng Sài Gòn |
Ngoài lạc nhân, có tới ba mặt hàng tăng kim ngạch xuất khẩu trên 2 lần so với tháng 1/2002: cao su (170,3%), hạt tiêu (150%), sản phẩm nhựa (100%). Tuy nhiên, tốc độ tăng về số lượng thấp hơn nhiều so với giá (cao su 87,8%, hạt tiêu 66,7%...). Hiện tượng này cho thấy, kim ngạch hàng xuất khẩu của Việt Nam, nhất là nông sản, vẫn phụ thuộc khá nhiều vào biến động giá thị trường thế giới. Ảnh hưởng tích cực do tìm được bạn hàng mới hay tăng lượng bán cho khách hàng cũ chưa được phát huy mạnh mẽ.
Mặt khác, theo dự báo của Bộ Thương mại, giá cả thị trường thế giới trong quý I sẽ biến động bất lợi. Nguy cơ chiến tranh tại Iraq ngày càng đến gần, người tiêu dùng và các nhà đầu tư ở khắp nơi tăng cường dự trữ (khiến giá vàng không ngừng lên cao), giảm chi tiêu, nhập khẩu. Vì thế, Bộ Thương mại cho rằng, mức tăng của đa số các mặt hàng trong quí I/2003 sẽ chững lại.
|
Thực hiện tháng 1/2003 (triệu USD) |
Ước thực hiện quý I/2003 (triệu USD) |
% quý I/2003 so với quý I/2002 |
1. Tổng trị giá XK hàng hóa
2. Thủy sản
3. Gạo
4. Cà phê
5. Rau quả
6. Cao su
7. Nhân điều
8. Giày dép
9. Thủ công mỹ nghệ |
1.730
120
17
40
14
30
21
200
27
|
4.720
340
85
133
56
71
34
500
75
|
123,1
110,5
83,3
164,6
100
158,3
121
115,5
111,9
|
Trong số các mặt hàng chủ lực, gạo có xu hướng giảm nhiều nhất. Tháng 1, số lượng xuất khẩu của mặt hàng này tăng tới hơn 47% so với cùng kỳ năm ngoái, nhưng giá trị chỉ tăng 16,4%. Giá xuất khẩu lại tiếp tục giảm, khiến kim ngạch xuất khẩu gạo cả quý I có thể giảm tới 17% so với quý I/2002.
Tuy vậy, xuất khẩu hạt tiêu, cà phê và cao su lại có dấu hiệu tích cực. Kim ngạch của cà phê tháng 1 tuy giảm mạnh so với năm 2002, nhưng chắc chắn sẽ tăng trong hai tháng tới. Theo Bộ Thương mại, số lượng xuất khẩu của ba mặt hàng trên sẽ tăng rất ít (thậm chí cà phê còn giảm 14%), nhưng kim ngạch vẫn tăng lần lượt là 88,2%; 64,6% và 58,3% so với quý I/2002. Như vậy, các nhà xuất khẩu Việt Nam sẽ thu lợi lớn nhờ giá thị trường thế giới tăng.
Bộ Thương mại dự báo, xuất khẩu các mặt hàng công nghiệp trong hai tháng tới tiếp tục tăng trưởng khá, tuy tốc độ không bằng tháng 1. Hàng dệt và may mặc vẫn dẫn đầu cả về giá trị và tốc độ tăng: tổng kim ngạch quý I có thể đạt 600 triệu USD, tăng gần 40% so với quý I/2003. Nhóm hàng điện tử và linh kiện máy tính tuy bị cạnh tranh khốc liệt, nhưng sẽ tăng khoảng 24% so với quý I/2003 (tháng 1, kim ngạch của mặt hàng này đạt 45 triệu USD, tăng 27% so với cùng kỳ năm ngoái).
Tuy nhiên, một quan chức Bộ Kế hoạch và đầu tư lưu ý, các doanh nghiệp không nên chủ quan, bởi bài học năm 2001 đã cho thấy, xuất khẩu mấy tháng đầu năm đạt tốc độ tăng trưởng khá cao, nhưng sau đó cứ giảm dần và kết cục cả năm chỉ còn tăng 3,8%.
DN có vốn đầu tư nước ngoài ngày càng xuất khẩu mạnh
Trong khi kim ngạch xuất khẩu của khối doanh nghiệp 100% vốn trong nước tháng 1 này chỉ đạt khoảng 741 triệu USD thì khu vực có vốn đầu tư nước ngoài (FDI) đạt 739 triệu USD. Có thể thấy, khu vực FDI ngày càng rút ngắn khoảng cách về kim ngạch và không ngừng chứng tỏ khả năng của mình trước khu vực trong nước (tháng 1/2002, hai con số trên lần lượt là 631 và 499 triệu USD).
Bộ Thương mại Việt Nam dự báo, xuất khẩu của khu vực FDI cả quý I sẽ vượt khu vực trong nước, với kim ngạch khoảng 2,1 tỷ USD (tăng 36% so với quý I/2002). Kim ngạch của các doanh nghiệp 100% vốn trong nước có thể chỉ đạt 1,9 tỷ USD (tăng 15,9%).
|