''Quyết định sơ bộ của DOC là không công bằng''
08:14' 29/01/2003 (GMT+7)

(VietNamNet) - Ông Nguyễn Hữu Dũng, Tổng Thư ký Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thuỷ sản Việt Nam (VASEP), khẳng định tại trong cuộc họp báo chiều 28/1, ở TP.HCM. ''Chúng tôi cực lực phản đối quyết định sơ bộ của Bộ Thương mại Hoa Kỳ (DOC) trong vụ kiện cá tra, cá basa. DN thành viên VASEP không bán phá giá, và cũng không bán ở mức giá gây phương hại ngành sản xuất cá nheo Mỹ'' - ông Dũng nói.

Theo VASEP, quyết định không công bằng này của DOC sẽ gây ảnh hưởng nguy hại đối với cuộc sống của hàng trăm nghìn nông dân và người lao động nghèo ở ĐBSCL. Hiệp hội sẽ kiên quyết bảo vệ đến cùng quyền lợi chính đáng và hợp pháp của những người sản xuất cá tra, cá basa Việt Nam trong việc chống lại cáo buộc vô căn cứ của Hiệp hội các nhà nuôi cá nheo Mỹ (CFA) và kết luận không có cơ sở của DOC.

''Kết luận hoàn toàn không khách quan''

Đó chính là do Bộ Thương mại Hoa Kỳ đã không sử dụng phương pháp tính toàn bộ các yếu tố của quá trình sản xuất khép kín (từ sản xuất cá giống, nuôi thương phẩm đến chế biến xuất khẩu) đúng như các DN Việt Nam đang thực hiện và đã được VASEP báo cáo đầy đủ. Trái lại, theo VASEP, DOC chỉ tính toán giá thành cho một giai đoạn chế biến filê đông lạnh. Bằng cách đó, họ cố ý bỏ qua lợi thế cạnh tranh của các DN Việt Nam trong công nghệ nuôi cá mật độ cao, giá hạ.

Không những thế, theo VASEP, việc tính giá thành sản xuất cá của các nhà xuất khẩu Việt Nam cũng không công bằng. DOC cố tình không sử dụng các số liệu về giá cả nguyên vật liệu của loài cá Pangasius sản xuất tại Bangladesh do VASEP cung cấp, mà sử dụng số liệu khác với giá cao gấp đôi, hoàn toàn không hợp lý và không phản ánh đúng thực tế khách quan.
Trong quyết định sơ bộ công bố hôm 27/1, Bộ Thương mại Hoa Kỳ vẫn cho rằng ''Việt Nam đã bán phá giá một cách bất hợp pháp mặt hàng cá tra, cá basa vào thị trường Mỹ''. Theo đó, nước này có thể sẽ áp dụng 3 mức thuế trừng phạt dao động trong khoảng 38-64% đối với cá tra, cá basa Việt Nam nhập khẩu.

Doanh nghiệp sản xuất cá tra, basa Việt Nam bị áp dụng mức thuế 37,94-61,88% là 4 công ty chủ lực của Việt Nam: Agifish, Nam Việt, CATACO, Vĩnh Hoàn. Một số công ty khác sẽ bị áp mức thuế chống bán phá giá là 49,16%, như Afiex, CAFATEX, Seaprodex Đà Nẵng, MEKONIMEX, QVD Food Co.,Ltd, Việt Hải. Các công ty còn lại sẽ bị áp với mức thuế 63,88%.

''Chúng tôi lấy làm tiếc là DOC không dành đủ thời gian để xem xét các tư liệu mà các DN Việt Nam đã cung cấp đầy đủ, cụ thể, đúng thời hạn đặt ra. Tệ hại hơn, DOC còn phạm nhiều sai sót kỹ thuật không thể chấp nhận được khi tính toán biên phá giá cụ thể cho từng DN. Điều này ảnh hưởng nghiêm trọng đến tính nghiêm túc trong các quyết định của DOC khi thực hiện trách nhiệm pháp lý của mình và ảnh hưởng không tốt đến uy tín của chính phủ Hoa Kỳ đối với các DN Việt Nam'', ông Dũng nói.

Tại cuộc họp báo, VASEP đã yêu cầu DOC nghiêm túc xem lại quyết định của mình, sửa chữa ngay sai lầm trong việc lựa chọn phương pháp và số liệu tính toán. Hiệp hội Chế biến và xuất khẩu thuỷ sản Việt Nam sẽ tiếp tục và kiên quyết đấu tranh chống lại việc áp đặt thuế chống bán phá giá trong các giai đoạn tiếp theo của tiến trình vụ kiện trước DOC và Ủy ban Thương mại quốc tế Hoa Kỳ (USITC).

Thời gian tới, VASEP và các thành viên sẽ tích cực hợp tác với DOC để giải quyết các thắc mắc còn lại, vì họ biết rõ, khi áp dụng phương pháp tính toàn bộ quá trình sản xuất thì biên độ chống phá giá của tất cả các DN sẽ là 0%.

''DOC có thể sang Việt Nam điều tra vào cuối tháng 2''

Sau khi DOC đưa ra kết luận sơ bộ về vụ kiện chống bán phá giá cá tra, cá basa Việt Nam vào thị trường Mỹ, tại cuộc gặp với báo chí do Thương vụ Mỹ tổ chức chiều 28/1 ở Hà Nội, một quan chức Chính phủ Mỹ khẳng định: ''Quyết định sơ bộ trên chưa phải là kết quả cuối cùng''.

Theo quan chức này, USITC sẽ có trách nhiệm xác định thiệt hại mà họ cho rằng cá tra, cá basa nhập từ Việt Nam gây ra. Nếu thiệt hại không đáng kể, mức thuế được áp dụng đối với sản phẩm này có thể bằng 0%. Và trong trường hợp ngược lại, thuế sẽ cao hơn mức mà Bộ Thương mại Mỹ đề nghị ở trên. Trong khi chờ đợi kết luận cuối cùng, các doanh nghiệp Việt Nam vẫn có quyền xuất khẩu cá tra, cá basa vào thị trường Mỹ.

''VASEP lo ngại quyết định sai lầm này của DOC sẽ gây bất lợi lớn đến quan hệ giữa 2 nước. Đây thực chất là biện pháp bảo hộ trá hình, đi ngược lại tinh thần tự do thương mại mà Mỹ thường rao giảng''.
Một phái đoàn của Mỹ sẽ sang Việt Nam vào cuối tháng 2, chậm nhất là tháng 3, để xác minh thêm dữ liệu xung quanh vụ kiện. Kết quả điều tra này sẽ được Bộ Thương mại Mỹ công bố công khai đến các bên liên quan. Tuy nhiên, các bên vẫn có quyền đàm phán, tự giải quyết vụ kiện thông qua thương lượng, trước khi Bộ Thương mại Mỹ công bố kết luận cuối cùng.

Trả lời câu hỏi: Tại sao 4 doanh nghiệp Việt Nam lại bị áp dụng mức thuế cao, quan chức của Đại sứ quán Mỹ cho biết, Bộ Thương mại Hoa Kỳ đã dựa trên ''tình trạng khẩn cấp'' (critical circumstances) mà các doanh nghiệp này gây ra. Họ cho rằng, trong vòng ba tháng kể từ khi bắt đầu cuộc điều tra, 4 nhà xuất khẩu trên đã bán giá thấp mặt hàng cá tra, basa filê đông lạnh với một lượng lớn vào Mỹ, gây thiệt hại cho các nhà sản xuất nước này.

Kể từ ngày ra quyết định sơ bộ này cho đến tháng 6/2003, DOC sẽ áp đặt một mức thuế suất mới thông qua một khoản tiền ký quỹ mà các nhà nhập khẩu ở Mỹ phải trả khi nhập khẩu sản phẩm từ Việt Nam. Quyết định này được thực thi sẽ là một bất lợi lớn cho cá tra, basa Việt Nam, vì giá bị đẩy lên cao sẽ không còn hấp dẫn đối với các nhà nhập khẩu và người tiêu dùng Mỹ.

Bà Nguyễn Thị Hồng Minh, Thứ trưởng Bộ Thủy sản kiêm Chủ tịch VASEP: ''Quyết định sơ bộ của DOC, nếu không được xem xét thỏa đáng, sẽ làm phương hại đến quan hệ thương mại song phương giữa hai nước và gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến đời sống của hàng trăm nghìn người dân nuôi trồng loại cá này ở ĐBSCL. Một vài ngày tới, Chính phủ Việt Nam sẽ chính thức có phản ứng cụ thể về vấn đề này với chính phủ Hoa Kỳ''.
  • Lê Hồng Hạnh - Trịnh Hằng
  Gửi tin qua Mobile Gửi tin qua E-mail In tin Gửi phản hồi
TIN LIÊN QUAN:
Cá tra, basa Việt Nam có thể phải chịu thuế từ 38 đến 64%
CÁC TIN KHÁC:
Chọn ngày phát lộc phát tài (29/01/2003)
Vàng trong nước bất ngờ giảm giá (29/01/2003)
Thuế nhập khẩu xăng dầu thấp nhất trong vòng hơn 1 năm qua (28/01/2003)
Thị trường Tết: Thương hiệu Việt Nam thắng lớn (28/01/2003)
Cá tra, basa Việt Nam có thể phải chịu thuế từ 38 đến 64% (28/01/2003)
Giá mai tăng vọt (28/01/2003)
Bùng nổ thị trường quà biếu (28/01/2003)
Cần Thơ có thể là thành phố trực thuộc Trung ương (28/01/2003)
Đặc sản Hà Nội chiếm lĩnh thị trường TP.HCM (27/01/2003)
Tháng 1, xuất khẩu dệt may sang Mỹ đạt 26 triệu USD (27/01/2003)
Gas lại tăng giá (26/01/2003)
Ký thỏa thuận hợp tác lập báo cáo khả thi Lọc hóa dầu Nghi Sơn (25/01/2003)
Thông xe kỹ thuật toàn tuyến đường xuyên Á (25/01/2003)
Honda VN sẽ xuất khẩu 50.000 xe Wave Alpha (25/01/2003)
Xem tiep Tro ve dau trang