|
Tại Ngân hàng Công thương Bắc Giang. | Cuối cùng thì ý tưởng thành lập Ngân hàng Xuất nhập khẩu (Eximbank) đã không thành hiện thực. Thay vào đó, Bộ Tài chính soạn thảo đề án khác nhằm thành lập một tổ chức thực hiện chính sách tín dụng hỗ trợ XNK, với tên gọi Ngân hàng Phát triển quốc gia.
Lý do khiến Bộ Tài chính kiến nghị thành lập Ngân hàng Phát triển quốc gia là trên thế giới, Eximbank thường được các nước thành lập sau khoảng 15 năm so với sự ra đời của ngân hàng phát triển. Trong thời gian chưa có Eximbank, việc hỗ trợ XNK thường được giao từng phần cho ngân hàng phát triển thực hiện.
Hơn nữa, để tận dụng tối đa lợi thế so sánh trong quá trình thâm nhập thị trường thế giới, Eximbank của hầu hết các nước đều tập trung hỗ trợ xuất khẩu các sản phẩm công nghiệp như cơ khí, điện tử, tin học... Còn tại Việt Nam, ở thời điểm hiện tại và tương lai gần, cơ cấu xuất khẩu chủ yếu vẫn là sản phẩm nông nghiệp, vốn đang được hỗ trợ xuất khẩu thông qua Quỹ Hỗ trợ phát triển.
Theo Ðề án trên, trong khả năng tài chính còn hạn hẹp của Việt Nam, nguồn lực tài chính cần phải được quản lý tập trung vào một đầu mối để sử dụng có hiệu quả nhất cho đầu tư phát triển và XNK. Hơn nữa, Quỹ Hỗ trợ Phát triển đang thực hiện chính sách hỗ trợ của Chính phủ đối với các dự án đầu tư trung và dài hạn như toàn bộ các dự án đầu tư tạo vùng nguyên liệu, sản xuất, chế biến hàng xuất khẩu; hỗ trợ vốn tín dụng ngắn hạn cho các hợp đồng xuất khẩu của các doanh nghiệp thuộc mọi thành phần kinh tế... Như vậy, trên thực tế, hoạt động của Quỹ Hỗ trợ Phát triển đã gần giống với một Eximbank.
Bà Lê Thị Băng Tâm, Thứ trưởng Bộ Tài chính cho rằng, việc thành lập Ngân hàng Phát triển quốc gia trên cơ sở tổ chức, sắp xếp lại hệ thống Quỹ Hỗ trợ Phát triển là hoàn toàn phù hợp với chủ trương cải cách hành chính của Nhà nước, tinh giản đầu mối cùng thực hiện nhiệm vụ hỗ trợ xuất khẩu (Quỹ Hỗ trợ Phát triển và Quỹ Hỗ trợ xuất khẩu), sẽ tiết kiệm được chi phí, tận dụng được mạng lưới, chi nhánh sẵn có của Quỹ trên 61 tỉnh, thành. Nếu Chính phủ đồng ý với đề xuất của Bộ Tài chính (sáp nhập Quỹ Hỗ trợ xuất khẩu vào Quỹ Hỗ trợ Phát triển), thì Ngân hàng Phát triển quốc gia hoàn toàn có thể triển khai thực hiện ngay từ năm 2003.
''Ðây là bước đi phù hợp với điều kiện thực tiễn của Việt Nam, khi mà cơ cấu xuất khẩu vẫn chủ yếu là nông sản. Trong tương lai, khi quy mô xuất khẩu đã đạt đến cấp độ lớn hơn, nhu cầu hỗ trợ xuất khẩu tăng, lúc đó sẽ xem xét việc thành lập một Eximbank - một tổ chức tín dụng của Chính phủ có nhiệm vụ hỗ trợ toàn diện cho xuất khẩu'', bà Tâm nói.
Tuy nhiên, nhiều chuyên gia kinh tế ủng hộ việc thành lập ngay một Eximbank theo đúng nghĩa hỗ trợ XNK, vẫn tỏ ra quan ngại rằng, theo những cam kết mà Chính phủ đã ký với các tổ chức quốc tế, Việt Nam sẽ phải hạn chế thực hiện chính sách trợ cấp xuất khẩu cho các doanh nghiệp và hộ nông dân (như thưởng xuất khẩu, trợ giá xuất khẩu sang thị trường mới, cho vay với lãi suất ưu đãi... ). Nếu thành lập Ngân hàng Phát triển quốc gia với nhiệm vụ hỗ trợ tín dụng trung, dài và ngắn hạn sẽ ảnh hưởng đến uy tín của Việt Nam trong việc đàm phán gia nhập Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO).
Còn theo Quỹ Hỗ trợ Phát triển, Chính phủ mới đồng ý cấp 5.000 tỷ đồng vốn điều lệ cho cơ quan này, song vẫn là chưa đủ để Quỹ thực hiện tốt trách nhiệm mà Chính phủ giao. Vì vậy, Quỹ Hỗ trợ Phát triển đề nghị được nâng vốn điều lệ lên 10.000 tỷ đồng để có thể đảm đương thêm nhiệm vụ: cho vay đầu tư, hỗ trợ lãi suất sau đầu tư, bảo lãnh tín dụng và cho vay ngắn hạn hỗ trợ xuất khẩu.
Câu hỏi đặt ra lúc này là với số vốn 10.000 tỷ đồng, liệu Ngân hàng Phát triển quốc gia có đủ sức để thực hiện các nhiệm vụ hỗ trợ xuất khẩu?
(Theo Đầu Tư) |