Đồng Nai: Doanh nghiệp bông vải ''tranh cướp'' nguyên liệu
14:18' 20/01/2003 (GMT+7)
Tình hình tranh giành thu mua bông vải hạt giữa các doanh nghiệp (DN) vẫn diễn ra gay gắt tại 3 huyện: Xuân Lộc, Long Thành và Long Khánh, tỉnh Đồng Nai. Các doanh nghiệp nhà nước đầu tư cho nông dân trồng bông để cuối cùng nông dân bán cho các thương nhân khác.
Điểm thu mua bông của Công ty Bông Đồng Nai tại xã Lâm San, huyện Xuân Lộc, Đồng Nai.

Hợp đồng bị phá vỡ

Vụ bông vải 2002-2003, Công ty Bông Đồng Nai đã ký hợp đồng với 1.176 hộ nông dân thuộc 2 huyện Xuân Lộc và Long Khánh trồng 642ha bông vải. Hợp đồng được ký theo phương thức: Công ty đầu tư 983 triệu đồng (trung bình 1,5 triệu đồng/ha) để ứng trước giống, vật tư, hướng dẫn kỹ thuật và bao tiêu 1.100 tấn bông hạt theo giá thỏa thuận từ đầu vụ. Nông dân, sau thu hoạch phải bán sản phẩm theo hợp đồng đã ký và trả nợ vốn đầu tư cho công ty. Hiện nay, bông đang vào vụ thu hoạch, Công ty Bông Đồng Nai tiến hành thu mua và đã gặp sự ''cạnh tranh'' quyết liệt với các thương nhân tổ chức thu mua ngay trên vùng nguyên liệu do công ty đầu tư. Nhiều hộ nông dân không những đã phá vỡ hợp đồng, bán nguyên liệu cho thương nhân, mà còn tự đứng ra thu mua bông để bán lại cho các công ty khác ngoài địa bàn tỉnh để hưởng chênh lệch. 

Tính đến thời điểm này, vùng bông nguyên liệu của công ty đã thất thoát khoảng 30%, tương đương 350 tấn. Vốn đầu tư cho nông dân cũng không thu hồi được. Tại 4 xã: Lâm San, Sông Ray, Xuân Đông, Xuân Tây của huyện Xuân Lộc, công ty mới chỉ thu hồi được 82% vốn đầu tư.

Chi nhánh Công ty Bông Việt tại Đồng Nai cũng rơi vào trường hợp tương tự. Chi nhánh đã đầu tư 500 triệu đồng cho 500 hộ dân tại 2 xã Bàu Cạn và Cẩm Đường, của huyện Long Thành, để trồng 200ha. Hiện nay, sản lượng bông thất thoát do các thương nhân tranh mua đã là 80 tấn và vốn đầu tư cho dân mới chỉ thu hồi được 60%.

''Lý'' của nông dân


Anh Đặng Văn Thân, ở ấp 3, xã Sông Ray, huyện Xuân Lộc cho biết, gia đình anh được công ty đầu tư 700.000 đồng để trồng 0,5 ha. Toàn bộ sản phẩm thu họach được anh đã bán cho thương nhân. ''Biết làm vậy là vi phạm hợp đồng, nhưng giá mua ở ngoài thường cao hơn 200.000 đồng/tấn và họ mua luôn cả bông xô, không cần phân loại. Nghèo túng quá nên đành phải liều...'' - anh Thân nói. Anh Trần Huy Cáp, một nông dân xã Lâm San, Xuân Lộc, cũng nằm trong diện hợp đồng trồng bông với Công ty Bông Đồng Nai, cho biết hầu hết các hộ gia đình tự ý phá vỡ hợp đồng, bán cho các thương nhân, chính là để trốn nợ công ty.

 

Sẽ kiện ra tòa


Ông Nguyễn Ngọc Doan, Phó Giám đốc Công ty Bông Đồng Nai, bức xúc: ''Hậu quả của tình hình trên là rất lớn, không những làm cho tình hình sản xuất của công ty gặp khó khăn do thiếu nguyên liệu mà vốn đầu tư dân còn nợ của công ty. Riêng tại 2 huyện Long Khánh, Xuân Lộc, nợ của nông dân lên đến trên 1 tỷ đồng, mỗi năm đơn vị phải trả lãi cho ngân hàng 105 triệu đồng''.

Hiện Công ty Bông Đồng Nai đang tiến hành thủ tục để kiện các hộ nông dân không chịu trả nợ và vi phạm hợp đồng ra tòa.

(Theo NLĐ)

  Gửi tin qua Mobile Gửi tin qua E-mail In tin Gửi phản hồi
CÁC TIN KHÁC:
Hàng nghìn du khách Trung Quốc ách tại Móng Cái (20/01/2003)
Lượng mẫu D tăng gấp đôi (20/01/2003)
Được dùng điểm kinh doanh tại chợ để vay tiền ngân hàng (20/01/2003)
Việt Nam - điểm đến an toàn và thân thiện ngay từ sân bay (20/01/2003)
Giá vàng cao, giao dịch bất động sản giảm mạnh (20/01/2003)
''Trước khi rút ví mua thực phẩm, hãy xem kỹ nhãn hàng'' (20/01/2003)
Tôm Mỹ đã chọn được luật sư (20/01/2003)
Lùi thời điểm kiểm tra DN sản xuất xe máy (20/01/2003)
Mở thêm 5 đường bay quốc tế trong năm 2003 (20/01/2003)
4000 cây si cảnh đi Hàn Quốc (20/01/2003)
Nước sôi lửa bỏng (19/01/2003)
Lãng mạn Dung Quất! (19/01/2003)
Làm sao Việt kiều có thể mua nhà, mua đất? (19/01/2003)
Những dự án lớn năm 2003 (19/01/2003)
Xem tiep Tro ve dau trang