Kinh doanh đất trái phép tại Huyện Bình Chánh, TP.HCM:
Siêu lợi nhuận từ các vụ chuyển nhượng
14:59' 18/01/2003 (GMT+7)
Lần theo những cuộc mua bán chuyển nhượng đất tại khu vực ấp 2, xã Bình Hưng Hoà, huyện Bình Chánh, mới thấy được mức siêu lợi nhuận khiến cho nhiều người lao vào kinh doanh đất đai trái phép. Với sự tiếp tay của mốt số cán bộ địa phương, hàng trăm người dân đã bị lừa.

Hiện trường vụ giải toả tại ấp 2, xã Bình Hưng Hoà.

Theo kết quả điều tra sơ bộ của Đoàn Thanh tra huyện Bình Chánh, chỉ trong một thời gian ngắn từ tháng 4 đến tháng 10/2001, tại khu vực ấp 2, xã Bình Hưng Hoà đã có hàng  chục vụ chuyển nhượng đất với quy mô rất lớn. Nổi cộm nhất là vụ chuyển nhượng hơn 29.000m2 đất giữa các ông Diệp Mao Hồng, Trực Vi Toàn và một "tập đoàn" mua đất phân lô gồm các ông Lê Trung Thao, Trương Doãn Đông, Nguyễn Bá Đệ với giá chuyển nhượng là 17 tỷ đồng. Nhiều vụ chuyển nhượng khác cũng có quy mô khá lớn trị giá khoảng từ 2 tỷ đồng trở lên mỗi vụ.

Theo ước tính, sau khi phân lô, với giá 1,5-1,7 triệu đồng/m2 (thời điểm trước khi vụ việc chưa được thanh tra và báo chí lên tiếng) thì toàn bộ khu đất này, sau khi trừ đi một ít diện tích đất để làm đường, ít nhất cũng được chuyển nhượng với giá lên đến 35 tỷ đồng. 

Tất nhiên, nếu việc phân lô và bán đất cho người dân "thuận buồm xuôi gió" thì lợi nhuận mà các chủ đầu tư thu được trong một thời gian ngắn phải gấp 3-4 lần, một mức lợi nhuận mà các doanh nghiệp làm ăn chính đáng nằm mơ cũng không có được. Thế nhưng các chủ đầu tư lại chẳng phải đóng một đồng tiền thuế nào cho Nhà nước. 

Mặt khác, theo ông Võ Văn Von, Chánh Thanh tra huyện Bình Chánh, đa số các chủ đầu tư mua đất phân lô ở đây đều làm ăn theo kiểu "mượn đầu heo nấu cháo", tức là thoả thuận với các chủ đất trả trước một khoản tiền bằng 1/3 tổng giá trị mua bán, sau đó phân lô bán cho người dân rồi mới gom tiền trả tiếp. Hình thức kinh doanh này khiến cho các chủ đất hiện nay như ngồi trên đống lửa vì không biết bao giờ bên mua mới trả được tiền cho mình khi hầu hết các chủ đầu tư đều đang nằm trong diện bị điều tra.

Trong quá trình điều tra vụ kinh doanh đất đai tại khu vực ấp 2, xã Bình Hưng Hoà, được biết ngay từ tháng 2/2001, UBND huyện Bình Chánh đã chấp nhận cho Công ty Sản xuất, kinh doanh xuất nhập khẩu, dịch vụ và đầu tư Tân Bình (Tanimex) mở rộng Khu Công nghiệp Tân Bình với diện tích khoảng 100ha (sau đó điều chỉnh lại 68ha). Thế nhưng chính quyền xã Bình Hưng Hoà, huyện Bình Chánh và đặc biệt là Phòng Quản lý đô thị lại không có biện pháp gì quản lý khu đất nói trên để cho hàng chục chủ đầu tư san lấp, phân lô và xây nhà ồ ạt. Không những thế, khi phát hiện việc hàng trăm người dân xây dựng nhà trái phép trong khu vực quy hoạch mà Phòng Quản lý đô thị chỉ lập biên bản xử phạt chứ không báo cáo, tham mưu cho huyện rà soát việc quản lý đất đai của chính quyền xã. 

Hàng loạt vấn đề nêu trên cho thấy việc quản lý đất đai của bộ máy chính quyền huyện Bình Chánh là rất yếu kém, và càng khẳng định rằng nhiều ý kiến nghi ngờ có sự tiếp tay cho chủ đầu tư của một số cán bộ địa phương là có cơ sở.

(Theo Thanh Niên)

  Gửi tin qua Mobile Gửi tin qua E-mail In tin Gửi phản hồi
CÁC TIN KHÁC:
45 triệu USD cải cách hành chính công (18/01/2003)
Giá vàng lại tăng mạnh (18/01/2003)
Đà Nẵng khởi công cầu Thuận Phước (18/01/2003)
Sân bay Nội Bài có hệ thống giám sát hải quan hiện đại (18/01/2003)
Tăng trưởng tín dụng của VCB đứng đầu khối ngân hàng (17/01/2003)
FAO hỗ trợ khẩn cấp cho người nghèo ĐBSCL (17/01/2003)
''Doanh nghiệp Việt Nam không vi phạm quy định BTA'' (17/01/2003)
EU kiện Việt Nam bán phá giá ocid kẽm (17/01/2003)
Các siêu thị Hà Nội hối hả chuẩn bị Tết (17/01/2003)
Việt Nam sẽ xuất khẩu 200.000 tấn đường (17/01/2003)
DN vừa và nhỏ cần được phổ biến kiến thức kinh doanh (17/01/2003)
360 doanh nghiệp tham gia Hội chợ Xuân 2003 (17/01/2003)
''Vì thương hiệu Việt'' (17/01/2003)
Cần phải hơn một chỗ ''chui ra chui vào'' (17/01/2003)
Xem tiep Tro ve dau trang