''Tài sản quan trọng nhất của doanh nghiệp là thương hiệu''
15:51' 18/01/2003 (GMT+7)

(VietNamNet) - Cuộc khởi động ''chiến dịch'' khuếch trương thương hiệu Việt Nam với tên gọi ''Vì thương hiệu Việt'' vừa diễn ra khá thành công tối qua (17/1). Trong buổi gặp gỡ này, các nhà quản lý cao cấp, các doanh nghiệp danh tiếng, nhà sử học... cùng trao đổi về thương hiệu của Việt Nam và tìm cách khuếch trương thương hiệu.

Ông Nguyễn Công Khế - TBT báo Thanh niên tại lễ phát động

VietNamNet đã có cuộc trao đổi với nhiều người trong số họ.

- Vì sao còn người tiêu dùng quay lưng với hàng Việt?

- Ông Võ Quốc Thắng, Giám đốc Công ty Gạch Đồng Tâm: Trước tiên, doanh nghiệp (DN) Việt Nam chưa chú tâm thực sự tới thương hiệu. Họ chưa đầu tư cho thương hiệu một cách tích cực. Thêm vào đó còn có những thành kiến của bản thân người tiêu dùng. Không ít người không thể quên những hàng hóa chất lượng rất thấp thời bao cấp, dù nay đã có nhiều hàng Việt Nam tốt nhưng họ chưa bỏ được thành kiến đó.

- Ông Nguyễn Trọng Bình, Giám đốc Công ty Biti's chi nhánh miền Bắc: Hãy nghĩ xem người tiêu dùng cần gì? Họ muốn những sản phẩm tốt, giá rẻ và có danh tiếng, mà những yếu tố đó thì hàng Việt Nam chưa có đủ.

Các nhà quản lý nói gì về thương hiệu Việt?

- Nguyên Thủ tướng Võ Văn Kiệt: Thực tế cạnh tranh đã giúp chúng ta hiểu thêm về tầm quan trọng của thương hiệu. Tôi hoan nghênh sáng kiến này, hoan nghênh những DN trẻ dám nghĩ, biết làm. Đó chính là những mũi nhọn của nền kinh tế đất nước.

- Thứ trưởng Bộ Thương mại Mai Văn Dâu: Việc quảng bá thương hiệu tại Việt Nam có ý nghĩa rất quan trọng nhưng chưa được quan tâm đúng mức. Chúng ta bắt đầu chậm, song chưa phải là muộn. Tôi đề nghị tất cả các DN Việt Nam hưởng ứng chương trình ''Vì thương hiệu Việt''.

- Bà Phạm Chi Lan, Phó Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam: Bản thân mỗi DN phải có cố gắng bảo vệ thương hiệu của mình, nhưng cả cộng đồng cần vào cuộc. Chính phủ nên có chính sách bảo hộ những thương hiệu lớn của Việt Nam, coi đó là tài sản chung của quốc gia. Bên cạnh đó, hàng Việt Nam rất cần sự ủng hộ của người tiêu dùng. Khó khăn hiện nay là chưa đủ công cụ pháp lý để DN có thể bảo vệ thương hiệu của mình. Các DN thường bức xúc về tình trạng hàng giả, hàng nhái, mà bản thân họ không thể một mình chống đỡ được...

- Doanh nghiệp của các ông mang thương hiệu đi đăng ký tại bao nhiêu nước? Khó khăn khi đăng ký thương hiệu tại nước ngoài?

- Ông Võ Quốc Thắng: Thương hiệu gạch Đồng Tâm đã được đăng ký tại khoảng 60 quốc gia trên khắp thế giới. Về mặt thủ tục, chúng tôi không gặp khó khăn nào lớn, có thể nhờ các công ty tư vấn, dịch vụ làm. Phí đăng ký thì tuỳ địa phương, nhưng chỉ khoảng vài trăm USD đến 1.000USD.

- Ông Nguyễn Trọng Bình: Sản phẩm của chúng tôi đã có mặt tại rất nhiều quốc gia, nhưng khi xuất khẩu dưới dạng gia công thì thương hiệu Biti's không được nhiều người biết đến. Tại Trung Quốc, chúng tôi đăng ký thương hiệu từ năm 1998, nhưng đến năm 2000 mới được cấp giấy chứng nhận do bị tranh chấp bởi một số thương hiệu có tên gọi tương tự.

- Những giá trị mà thương hiệu mang lại cho DN của các ông?

- Ông Võ Quốc Thắng: Cách đây 7 năm, có bạn hàng nước ngoài yêu cầu tôi mở L/C với lô hàng chỉ 2000 USD. Nay khi Đồng Tâm đã có tiếng, chỉ cần một bản fax, tôi có thể bán được lô hàng trị giá 500.000 USD.

- Ông Nguyễn Trọng Bình: Theo tôi, tài sản quan trọng bậc nhất, cũng là tài sản cuối cùng của DN chính là thương hiệu.

- Phải chăng quảng cáo là con đường ngắn nhất để khuếch trương thương hiệu?

- Ông Nguyễn Trọng Bình: Thương hiệu phải có giá trị đích thực. Nó được tạo nên và khuếch trương nhờ rất nhiều yếu tố, trước hết là giữ gìn uy tín thông qua chất lượng. Thêm vào đó, DN cần liên tục kiểm tra xem hàng của mình có bị làm giả không, bởi người tiêu dùng nhiều khi dễ mắc lừa, dẫn đến hiểu lầm thương hiệu của DN.

- Ông Võ Quốc Thắng: Để có thương hiệu tốt, DN phải kết hợp hài hoà cả chất lượng sản phẩm, chất lượng dịch vụ đi kèm, nhất là tạo được lòng tin cho người tiêu dùng. Nhiều sản phẩm đã được quảng cáo rùm beng rồi ''chết yểu'' vì làm người tiêu dùng thất vọng.

- DN dành tỷ lệ bao nhiêu trong doanh số chi cho thương hiệu của mình?

- Ông Võ Quốc Thắng: Chỉ khoảng 2-3%, nhưng trong tương lai chắc chắn là nhiều hơn. Quy định của Bộ Tài chính chỉ cho phép chi 5%, không thể đủ để các DN khuếch trương thương hiệu của mình.

- Ông Đỗ Yên Sơn, Giám đốc Công ty may Việt Tiến chi nhánh Hà Nội: Chúng tôi thường xuyên đầu tư khoảng 3-5% cho quảng bá thương hiệu, nhưng không chỉ thông qua quảng cáo mà còn bằng nhiều hình thức. Ví như, chúng tôi sử dụng nhiều kênh thông tin, tiếp cận với người tiêu dùng, lấy ý kiến của họ nhằm cải tiến sản phẩm của mình. Tuy nhiên, quy định của Bộ Tài chính chỉ cho phép dành 5% tổng chi để quảng cáo, theo tôi là chưa đủ.

- Ông Nguyễn Trọng Bình: Biti's dành khoảng 5-10% doanh số để khuếch trương thương hiệu. Thậm chí chúng tôi sẵn sàng chi nhiều khoản lớn, đưa các đoàn công tác đi những thị trường trọng điểm khi thương hiệu của mình bị đe doạ.

  • Trịnh Hằng - Đặng Hương
  Gửi tin qua Mobile Gửi tin qua E-mail In tin Gửi phản hồi
CÁC TIN KHÁC:
Siêu lợi nhuận từ các vụ chuyển nhượng (18/01/2003)
45 triệu USD cải cách hành chính công (18/01/2003)
Giá vàng lại tăng mạnh (18/01/2003)
Đà Nẵng khởi công cầu Thuận Phước (18/01/2003)
Sân bay Nội Bài có hệ thống giám sát hải quan hiện đại (18/01/2003)
Tăng trưởng tín dụng của VCB đứng đầu khối ngân hàng (17/01/2003)
FAO hỗ trợ khẩn cấp cho người nghèo ĐBSCL (17/01/2003)
''Doanh nghiệp Việt Nam không vi phạm quy định BTA'' (17/01/2003)
EU kiện Việt Nam bán phá giá ocid kẽm (17/01/2003)
Các siêu thị Hà Nội hối hả chuẩn bị Tết (17/01/2003)
Việt Nam sẽ xuất khẩu 200.000 tấn đường (17/01/2003)
DN vừa và nhỏ cần được phổ biến kiến thức kinh doanh (17/01/2003)
360 doanh nghiệp tham gia Hội chợ Xuân 2003 (17/01/2003)
''Vì thương hiệu Việt'' (17/01/2003)
Xem tiep Tro ve dau trang