|
Cần phương pháp thích hợp hơn để hỗ trợ DN nhỏ. |
(VietNamNet) - Chính sách ưu đãi đối với doanh nghiệp (DN) vừa và nhỏ đã được Chính phủ quan tâm, thông qua việc ban hành khá nhiều văn bản pháp quy. Tuy nhiên, những hoạt động trợ giúp có ý nghĩa thiết thực dành cho đối tượng này lại chưa nhiều, đó là nhận định của nhiều chuyên gia trong và ngoài nước.
Tại cuộc gặp mặt do Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) tổ chức sáng nay, bà Phạm Chi Lan, Phó Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam nói: ''Theo đà cải cách ở Việt Nam, rất nhiều DN đã và có khả năng ra đời. Tuy nhiên, nhận thức và kỹ năng của người dân, thậm chí của chính quyền các địa phương, về chính sách, pháp luật còn kém''. Bà Phạm Chi Lan cho rằng, DN vừa và nhỏ cần được hỗ trợ mạnh mẽ, nhất là về kỹ năng khởi nghiệp.
Đồng tình với nhận xét trên, TS. Lê Đăng Doanh, cố vấn Bộ trưởng Bộ KH-ĐT cho rằng, tiềm năng DN vừa và nhỏ ở Việt Nam chưa được khai thác hết. Các chương trình hỗ trợ cần tập trung vào mục tiêu nâng cao khả năng nghiên cứu thị trường, tìm kiếm khách hàng, quảng bá sản phẩm, kỹ năng quản lý... TS Doanh cũng khẳng định, việc phổ biến kiến thức, kinh nghiệm làm ăn nhất thiết phải đi kèm với hình thức phù hợp. ''Không thể chỉ nhờ vào việc tổ chức một số hội thảo, hội nghị mà truyền bá được rộng rãi những kiến thức đó. Theo tôi, đài phát thanh là một phương tiện hiệu quả, đưa thông tin về tận những nơi thậm chí chưa có tivi'', TS Doanh nói.
Cũng về vấn đề này, một chuyên gia của UNDP tại Việt Nam nhấn mạnh: ''Báo chí, tivi, đài phát thanh cần được tận dụng triệt để hơn trong việc giúp người dân lập DN vừa và nhỏ''. Chuyên gia này còn nhận xét, văn bản pháp luật có tính khuyến khích không phải là ít, nhưng không nhiều trong số đó được truyền đạt tốt đến cơ sở. Một trong những nguyên nhân, theo ông này, là sự phối hợp chưa thật hiệu quả giữa các dự án, cũng như giữa các cơ quan Chính phủ tại Việt Nam.
|