TTCK Việt Nam:
Chưa thấy ''ánh sáng cuối đường hầm''
08:23' 17/01/2003 (GMT+7)

Các nhà đầu tư nhỏ ít tham gia mua bán trên thị trường.

(VietNamNet) - Đóng cửa phiên hôm qua (16/1), chỉ số VNIndex giảm 3,32 điểm (1,88%), xuống mức 173,11 điểm. Chỉ số này đã giảm 10 phiên liên tiếp, phá vỡ ''đáy'' trước đó (174,62 điểm vào ngày 7/11/2002), và đạt kỷ lục xuống mức thấp nhất kể từ khi thị trường mở cửa đến nay.

VNIndex sụt giảm mạnh chủ yếu là giao dịch cổ phiếu GMD không hưởng cổ tức (tỷ lệ 20%) nên giá tham chiếu GMD phiên hôm nay giảm đi 2.000 đồng. Dù GMD có tăng giá 100 đồng/cổ phiếu so với giá tham chiếu nhưng so với giá phiên trước đó vẫn giảm 1.900 đồng/cổ phiếu, tương ứng 5,01%. GMD là cổ phiếu giá cao thứ hai trên thị trường (36.000 đồng, sau GIL: 43.500 đồng/cổ phiếu), chiếm trọng số lớn trong cách tính VNIndex.

Giá VNIndex giảm mạnh còn một nguyên nhân nữa là 8 cổ phiếu giảm giá trong phiên. 4 cổ phiếu giảm nhiều nhất (900-1.100 đồng/cổ phiếu) là TRI, LAF, GIL, BPC, với TRI và BPC giảm giá sàn. Biến động của VNIndex trong những phiên đầu năm phản ánh xu hướng thị trường đi xuống, nhưng việc các công ty lần lượt trả cổ tức khiến cho mức giá tham chiếu sụt giảm tương ứng cũng đã ảnh hưởng xấu đến chỉ số này.

Chỉ số VNIndex giảm mạnh nhưng giá trị toàn thị trường phiên hôm qua lại đạt hơn 3,8 tỷ đồng, gấp 2,5 lần phiên trước đó và là giá trị cao nhất kể từ 19 phiên vừa qua (phiên ngày 2/1 đạt chỉ giá trị 651.250.000 đồng). Phiên này, REE được giao dịch tới 103.000 cổ phiếu (tính cả giao dịch khớp lệnh và giao dịch thoả thuận), chiếm hơn 48% thị phần, đứng đầu thị trường. Tuy nhiên, giá REE vẫn giảm 100 đồng/cổ phiếu, giảm phiên thứ ba liên tiếp. 

Một nhà đầu tư tại Sàn giao dịch Bảo Việt đánh giá, TTCK hiện nay đang thiếu sinh khí, thiếu động lực. Tâm lý chán nản của các nhà đầu tư một phần bắt nguồn từ chính sách thiếu thực tế và không nhất quán của các nhà quản lý, chẳng hạn như việc ban hành quy định về phí và lệ phí chứng khoán, việc áp dụng tăng số lần khớp lệnh trong phiên... Cũng có ý kiến cho rằng, vì hiện sắp đến Tết Nguyên đán nên các nhà đầu tư có vẻ ''lơi là'' đầu tư chứng khoán. 

Trong khi đó, năm 2002, tình hình sản xuất kinh doanh của các công ty niêm yết rất khả quan. Các công ty này đều chia cổ tức 9-30%, đặc biệt Công ty cổ phần Giấy Hải Phòng (HAPACO) chia cổ tức ở mức cao nhất 30% (3.000 đồng/cổ phiếu). Công ty đầu tiên công bố kết quả kinh doanh cả năm 2002 là Kho vận Giao nhận Ngoại thương Sài Gòn (TRANSIMEX) đạt lợi nhuận sau thuế 8 tỷ đồng. Đây là cơ sở để các nhà đầu tư ''an tâm'' nắm giữ các cổ phiếu mà không muốn bán ra do khó bán và giá ''quá bèo'' (đa phần ở khoảng 15.000 - 20.000 đồng/cổ phiếu).

Công ty Chứng khoán Ngoại thương nhận xét, ''có thể thấy thị trường đã có dấu hiệu đổi chiều trong vài phiên tới''.

(Bạn có thể bấm vào đây để xem chi tiết giá các loại chứng khoán)

  • Văn Tiến
  Gửi tin qua Mobile Gửi tin qua E-mail In tin Gửi phản hồi
CÁC TIN KHÁC:
Trái phiếu kho bạc khó bán (17/01/2003)
Đông Á cần chú trọng hơn đến công nghệ (16/01/2003)
Trồng ngô rau lãi gấp 3 lần trồng lúa (16/01/2003)
EAB phát hành thẻ thanh toán tiếng Việt (16/01/2003)
Giá dầu thô lên trên 33 USD/thùng (16/01/2003)
Cuộc đua trà túi lọc (16/01/2003)
Bốn phẩm chất tạo nên sức cạnh tranh (16/01/2003)
Lại đề nghị tăng thuế nhập khẩu phân bón (16/01/2003)
Mứt thủ công vào mùa (16/01/2003)
Ban hành chương trình đào tạo nghiệp vụ du lịch (16/01/2003)
Quảng Ninh huỷ tour lữ hành qua biên giới Việt - Trung (16/01/2003)
13 DN đăng ký thuê đất tại Cam Ranh (16/01/2003)
Ngành thép gian nan trước thềm hội nhập (16/01/2003)
TP.HCM hướng tới một ''thiên đường mua sắm'' (16/01/2003)
Xem tiep Tro ve dau trang