Mứt thủ công vào mùa
14:14' 16/01/2003 (GMT+7)

 

Với một bao bì hấp dẫn, bánh mứt kẹo thủ công sẽ trở thành hàng cao cấp.

''Hiện gia đình tôi thuê khoảng 200 nhân công làm việc 3 ca suốt ngày đêm, lượng hàng xuất ra khoảng 5-7 tạ mứt, kẹo/ngày. Có khi xuất đến hàng chục tạ chỉ trong một ngày, vậy mà vẫn không đáp ứng đủ nhu cầu nhập hàng của các tỉnh lân cận'' - một chủ cơ sở sản xuất bánh, mứt, kẹo tại làng Lủ, Kim Giang, Hà Nội, cho biết.

Vào mùa mứt, kẹo năm nay, mỗi gia đình ở làng Lủ phải thuê ít nhất 30-50 nhân công từ các vùng nông nghiệp phụ cận. Cả làng trở thành nơi sản xuất kẹo, kho chứa nguyên liệu, kẹo thành phẩm, dây chuyền gói kẹo..., hoạt động nhộn nhịp suốt ngày đêm. Hầu hết các sản phẩm của làng đều được xuất đi các tỉnh phụ cận như Hà Tây, Hà Nam, Nam Định, Thái Bình... Chỉ một số ít sản phẩm kẹo quay trở lại thị trường Hà Nội. Những chiếc kẹo được nấu theo công thức rất đơn giản: bột mỳ, lạc, đường..., và được sơ chế theo cách thủ công. Sau đó, người sản xuất chỉ cần khoác lên chúng một nhãn mác hấp dẫn, bắt mắt là có thể bán ra thị trường như một loại hàng cao cấp.

Tại Hà Nội, làng Xuân Đỉnh (Từ Liêm) cũng nổi tiếng về nghề làm mứt Tết. Vào thời điểm này, cả làng đang chuẩn bị hàng, dân tứ xứ về lấy hàng nườm nượp. Anh Nghĩa, chủ một cơ sở mứt cho biết: ''Mỗi ngày thôn chúng tôi tiêu thụ 4-5 tấn hàng, chủ yếu xuất cho các chợ đầu mối của Hà Nội. Nhiều khi không đủ hàng''.

Một ông chủ chuyên làm ăn lớn của thôn còn cho biết, những lúc khan mứt, không ít công ty có tiếng cũng tìm về đây lấy hàng.

Vệ sinh an toàn thực phẩm - nỗi lo muôn thuở

Nếu được tận mắt nhìn sản phẩm mứt Tết được phơi trong sân các làng nghề, người tiêu dùng có lúc sẽ không khỏi rùng mình. Từ khâu lựa chọn hàng hóa, chế biến đến đóng gói sản phẩm đều thường xuyên diễn ra ngoài trời. Nhiều người cũng đặt vấn đề về nguồn nước, môi trường, việc sử dụng phẩm màu và chất xúc tác... Có những hộ làm mứt gia truyền ''tài'' đến mức, mứt sản xuất trước Tết vài ba tháng mà không hề thiu, mốc. Có cơ sở đáng ra dùng tới hàng tấn đường mà thực tế chỉ sử dụng vài ba tạ, vậy mà mứt vẫn ''đảm bảo độ ngọt, thơm ngon tinh khiết''...

Theo cơ quan quản lý thị trường, nhu cầu tiêu thụ mứt các loại của Hà Nội dịp Tết Quý Mùi này có thể đạt 1.400 tấn. Lượng mứt thập cẩm, ngũ vị đóng hộp hiện chỉ chiếm 50-60%, còn lại là mứt đơn. Giá mứt loại rẻ nhất là 4.000 đồng/hộp hoặc 1.000 đồng/100gram, loại cao cấp thì giá ''vô cùng'', có thể lên đến cả triệu đồng/hộp.

Theo thống kê mới nhất, Hà Nội hiện có 614 cơ sở sản xuất bánh, mứt, kẹo có giấy đăng ký kinh doanh, trong đó có đến 549 cơ sở ngoài quốc doanh. Đó là chưa kể hàng nghìn hộ sản xuất ''một mùa''.

(Theo Thương Mại)

  Gửi tin qua Mobile Gửi tin qua E-mail In tin Gửi phản hồi
CÁC TIN KHÁC:
Ban hành chương trình đào tạo nghiệp vụ du lịch (16/01/2003)
Quảng Ninh huỷ tour lữ hành qua biên giới Việt - Trung (16/01/2003)
13 DN đăng ký thuê đất tại Cam Ranh (16/01/2003)
Ngành thép gian nan trước thềm hội nhập (16/01/2003)
TP.HCM hướng tới một ''thiên đường mua sắm'' (16/01/2003)
Galileo chính thức khai trương văn phòng tại Việt Nam (15/01/2003)
447 DN hàng Việt Nam chất lượng cao năm 2003 (15/01/2003)
Phát hiện nhiều sai phạm của các tổ chức tín dụng (15/01/2003)
VMS sắp có thêm nhiều dịch vụ mới (15/01/2003)
Mở văn phòng xúc tiến du lịch ở Nhật Bản và Pháp (15/01/2003)
Lào Cai tích cực chuẩn bị cho 100 năm Sa Pa (15/01/2003)
Người Việt Nam mua ôtô ngày càng nhiều (15/01/2003)
Việt kiều đầu tư về nước tăng 10% (15/01/2003)
Tổ chức tín dụng phi ngân hàng được thành lập văn phòng đại diện (15/01/2003)
Xem tiep Tro ve dau trang