|
Năm 2003, dự kiến sản xuất thép cũng chỉ đáp ứng hơn một nửa nhu cầu |
(VietNamNet) - Ông Nguyễn Kim Sơn, Tổng giám đốc Tổng công ty Thép Việt Nam tại một hội nghị gần đây của ngành công nghiệp cho rằng, khó khăn lớn nhất hiện nay của ngành thép là phụ thuộc quá lớn vào phôi thép nhập khẩu. Năm 2002, sản xuất phôi thép trong nước mới chỉ đáp ứng khoảng 25% nhu cầu, còn lại 75% phải nhập khẩu.
Phụ thuộc vào phôi thép nhập khẩu
Theo Tổng cục Thống kê, năm nay, cả nước đã nhập khẩu trên 4 triệu tấn sắt thép trị giá 1.055 triệu USD, tăng 34% giá trị so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, lượng phôi thép nhập khẩu khoảng 1,81 triệu tấn, trị giá hơn 400 nghìn USD, tăng 18% so với năm 2001 và gấp 4 lần so với lượng phôi thép sản xuất trong nước (450 nghìn tấn).
Năm 2002, sản lượng thép cán toàn ngành đạt 2,38 triệu tấn, tăng 25,4%. Trong đó, Tổng công ty Thép Việt Nam đạt 782 nghìn tấn, khu vực có vốn đầu tư nước ngoài 1.101,5 nghìn tấn, các thành phần khác 501 nghìn tấn. Riêng phôi thép sản xuất trong nước đạt 450 nghìn tấn, tăng 18% so với năm 2001, trong đó Tổng Công ty Thép Việt Nam 390 nghìn tấn. |
Điều bất hợp lý là sản xuất phôi thép trong nước mới chỉ đáp ứng được trên 10% tổng công suất thiết kế của toàn ngành thép (3 triệu tấn/năm). Hiện trong nước chỉ có Tổng công ty Thép Việt Nam đầu tư các cơ sở luyện thép quy mô công nghiệp với công suất 450.000 -500.0000 tấn phôi thép/năm, đáp ứng 50-55% nhu cầu cho các cơ sở cán thép của Tổng công ty. Nhiều DN chỉ muốn đầu tư vào lĩnh vực cán thép vì dễ làm, thu hồi vốn nhanh chứ không mấy ai đầu tư sản xuất phôi thép.
DN ngành thép bị lỗ
Giá thép thành phẩm sản xuất trong nước chủ yếu dựa vào giá nhập phôi thép (phôi thép chiếm 90% giá thành). Giá bán các loại thép hiện nay hầu hết đều vượt mức giá trần (5,1 triệu đồng/tấn thép dây, 4,9 triệu đồng/tấn thép thanh) do chi phí đầu vào như giá phôi, tỷ giá USD, giá điện, giá xăng dầu... đều tăng. Cuối tháng 12/2002, giá nhập phôi thép tăng lên vào khoảng 225-230 USD/tấn, do đó giá bán sắt thép hiện nay tại nhà máy vào khoảng 4,9-5,1 triệu đồng/tấn, giá thị trường bán lẻ vào khoảng 5-5,4 triệu đồng/tấn. Cuối quý IV/2002 đến nay, hầu hết các DN sản xuất thép đều bị lỗ (trừ Công ty Thép miền Nam, Công ty Gang thép Thái Nguyên do bảo đảm được 30% phôi thép tự sản xuất).
Khi Việt Nam thực hiện cắt giảm thuế các sản phẩm sắt thép gia nhập AFTA, giá nguyên liệu nhập khẩu để sản xuất thép sẽ giảm nhưng sản phẩm thép của các nước ASEAN sẽ thâm nhập vào thị trường Việt Nam do lợi thế giá rẻ. Hiện sản phẩm thép của Việt Nam có giá thành khoảng 280 USD/tấn, trong khi ở các nước ASEAN chỉ là 250 USD/tấn. Ngoài ra, theo ông Sơn, ngành thép cũng đang phải đối mặt với nạn thép giả, đội lốt thương hiệu của một số DN tư nhân; phần lớn công nghệ trong ngành thép còn quá lạc hậu, chiếm tới 63% năng lực sản xuất...
Sẽ nới lỏng giá trần thép xây dựng?
Theo dự báo của Ban Vật giá Chính phủ, năm 2003 dự kiến giá phôi thép trên thị trường thế giới có thể tăng. Trong khi đó, Bộ Tài chính đã có quyết định tăng thuế nhập khẩu phôi thép từ 7% lên 10% từ 1/1/2003 để hỗ trợ sản xuất trong nước, nên giá thành sản xuất thép trong nước sẽ đội lên rất cao. Do đó, các DN ngành thép đã có kiến nghị đưa thép xây dựng ra khỏi danh mục quản lý giá tối đa; trường hợp chưa giải quyết được thì nâng mức giá trần lên. Ngày 3/1/2003 mới đây, Bộ Công nghiệp đã có Công văn gửi Bộ Tài chính, Ban Vật giá Chính phủ nới lỏng thêm 10% giá bán thép xây dựng so với giá trần. Ban Vật giá Chính phủ cho biết sẽ nghiên cứu nâng mức giá trần lên nếu thấy cần thiết.
Hiện nay, 19 đơn vị thành viên của Hiệp hội Thép Việt Nam còn tồn kho thép cán khoảng 200 nghìn tấn, trong đó chủ yếu là do các nhà sản xuất chờ nhà nước điều chỉnh giá trần. Nếu không nới lỏng mức giá trần, các DN này sẽ phải giảm giá bán dưới mức giá đã thống nhất trong Hiệp hội Thép để có thể tiêu thụ được lượng thép tồn kho này.
Đẩy nhanh các dự án sản xuất phôi thép
Để giảm lượng thép nhập khẩu và tăng khả năng cạnh tranh cho sản phẩm, Tổng công ty Thép Việt Nam đưa ra các biện pháp: đầu tư trang bị lại dây chuyền công nghệ của một số nhà máy cán thép hiện có theo hướng hiện đại; tăng năng lực sản xuất phôi thép và cán thép để đáp ứng nguyên liệu đầu vào cho các nhà máy cán thép. Cụ thể, sẽ đầu tư xây dựng mới khoảng 1-2 cơ sở sản xuất phôi thép, nâng năng lực sản xuất phôi từ 390 nghìn tấn năm 2002 lên 1-1,4 triệu tấn vào năm 2005...
Theo Bộ Công nghiệp, năm 2003, nhu cầu thép các loại dự báo khoảng trên 5 triệu tấn, tăng 12,4% so với năm 2002. Dự kiến sản xuất trong nước khoảng 2,73 triệu tấn (chủ yếu là thép xây dựng). Nhu cầu nhập khẩu các loại thép tấm, thép lá, thép chế tạo vào khoảng 2,3 triệu tấn.
Về nguyên liệu, ngành thép sẽ đẩy mạnh sản xuất phôi trong nước nhưng do việc thu mua sắt thép phế liệu khó khăn nên dự kiến sản xuất khoảng 500 nghìn tấn, tăng 16,3%; nhập khoảng 2,1 triệu tấn phôi thép, tăng 13,5% so với năm 2002. |
Trong năm nay, sẽ có thêm một số năng lực cán thép mới như dây chuyền cán thép Công ty Gang Thép Thái Nguyên (dự kiến đi vào hoạt động từ tháng 11/2003), cán thép Sông Đà và cán thép Ninh Bình. Ngành thép sẽ hoàn thành công tác chuẩn bị đầu tư để sớm khởi công Nhà máy thép Cái Lân, Quảng Ninh; đẩy nhanh đầu tư Nhà máy thép cán nguội và Nhà máy thép Phú Mỹ; tập trung đầu tư hoàn thành trong năm các dự án đổi mới dây chuyền cán thép 300 nghìn tấn/năm tại Thái Nguyên, Nhà máy thép Đà Nẵng, mỏ sắt Ngườm Cháng (Cao Bằng...)
Từ năm 2003, cơ cấu các thành phần kinh tế sản xuất thép có sự chuyển dịch theo hướng giảm tỷ trọng của khối DNNN và tăng tỷ trọng của các thành phần kinh tế khác. Dự kiến sản lượng thép của Tổng công ty Thép Việt Nam là 910 nghìn tấn, của khối DN có vốn đầu tư nước ngoài 1.102 nghìn tấn và của các thành phần phần kinh tế khác là 723 nghìn tấn. Tuy nhiên, Bộ trưởng Bộ Công nghiệp Hoàng Trung Hải lưu ý rằng, một vấn đề cũng rất đáng quan tâm là việc quản lý chất lượng thép, quản lý nhãn hiệu hàng hoá cần được tăng cường hơn nữa.
|