|
Lắp ráp ôtô tại Liên doanh Mercedes Benz | Tin từ Toyota Việt Nam, kể từ 12/2002, tất cả những người mua xe của công ty này đều phải chờ sang tháng 2/2003 mới được nhận hàng. Các cửa hàng của Toyota Việt Nam tại 11 đại lý trên toàn quốc hầu như không tồn một chiếc xe nào, xe mẫu cũng bày bán hết.
Năm 2002, liên doanh này đã bán ra 7.335 xe các loại, công xuất 30 chiếc/ngày của Nhà máy Toyota ở Mê Linh (Vĩnh Phúc) không đủ cung cấp cho thị trường đang rất nóng xe dịp cuối năm.
Không chỉ Toyota, các liên doanh ôtô khác cũng bán hàng khá chạy trong năm 2002.
Sau Toyota, Vidamco - với nhãn hiệu quen thuộc Deawoo, gồm nhiều loại xe có giá hợp lý - vẫn là nhà sản xuất bán được nhiều xe nhất: 3.719 xe (năm 2001 là 2.906 xe). Nổi bật trên thị trường là liên doanh Ford, đã bán được 3.685 xe so với 1.915 xe của năm trước. Xe cao cấp và đắt tiền của các liên doanh Mercedes và VMC (lắp ráp BMW) cũng có sự tăng trưởng rất cao. Nhà sản xuất Hino có số lượng xe bán ra thấp nhất: 156 xe, nhưng cũng nhiều gấp rưỡi năm trước: 103 xe.
Trong số những người mua xe, đáng phấn khởi là khách tư nhân và các DN chiếm rất cao. Khách hàng là các cơ quan hành chính sự nghiệp chiếm phần ngày càng nhỏ trong ố xe được bán ra trên thị trường. Thống kê của Toyota Việt Nam cho hay, năm 2001, 43% khách hàng là cơ quan, tổ chức nhà nước, 50% là cá nhân thì đến 2002, cơ quan nhà nước chỉ còn chiếm 38,2% khối tư nhân tăng lên 56%. Điều này cũng diễn ra tương tự ở các liên doanh khác như Vinastar (lắp ráp xe Mitsubishi), VMC (lắp xe Mazda, Kia, BMW)...
Theo một quan chức của VAMA, thành công này trước hết bắt đầu từ sự tăng trưởng của nền kinh tế Việt Nam và những chủ trương đúng đắn của Chính phủ. Nếu không có gì thay đổi về chính sách, với sự phát triển như hiện nay của nền kinh tế, nhiều khả năng thị trường ôtô tiếp tục tăng nhanh trong những năm tới.
(Theo Thanh Niên) |