|
Hải quan sẽ kiểm tra toàn bộ lô hàng nếu phát hiện có dẫu hiệu gian lận | Ông Nguyễn Ngọc Túc, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Hải quan, cho biết, mặc dù hình thức kinh doanh chuyển khẩu áp dụng khá hiệu quả tại một số quốc gia. Song, do tính đặc thù kinh tế cũng như vị trí địa lý của Việt Nam, hình thức chuyển khẩu rất dễ bị lợi dụng, đưa lượng lớn hàng hóa chuyển khẩu quay lại thẩm lậu vào thị trường nội địa.
Trên thực tế, hàng hóa chủ yếu kinh doanh dưới hình thức này là thuốc lá, xăng dầu, đường..., đặc biệt là hàng điện tử đã qua sử dụng, sau khi giữa năm 2002, Bộ Thương mại cho phép một số doanh nghiệp trong nước được kinh doanh chuyển khẩu các mặt hàng này. Một quan chức thuộc Cục Điều tra chống buôn lậu (Tổng cục Hải quan) nhận định, đây là những mặt hàng rất ''nhạy cảm''. Sau khi được phép kinh doanh chuyển khẩu, khu vực biển phía Đông Bắc bắt đầu gia tăng hiện tượng: các đối tượng lợi dụng địa hình phức tạp có nhiều đảo, bãi cạn, luồng lạch... để quay tàu hàng như kiểu xuất đi, rồi dừng tàu ở ngoài phao số 0, sau đó dỡ hàng xuống tàu cao tốc để vận chuyển ngược lại đất liền.
Trong năm 2002, Cục Điều tra chống buôn lậu đã phá hơn 10 vụ buôn lậu sử dụng thủ đoạn này, với số hàng trị giá hàng chục tỷ đồng, trong đó chủ yếu là hàng điện tử đã qua sử dụng.
Quan chức trên cũng cho biết, một ''chiêu'' lợi dụng kinh doanh chuyển khẩu khác là doanh nghiệp đưa hàng vào Việt Nam qua một cửa khẩu, sau khi xuất hàng qua một cửa khẩu khác lại tìm cách khai báo gian dối trong tờ khai thực xuất nhằm ''găm'' hàng để tiêu thụ trên thị trường nội địa.
Chuyển khẩu là hình thức thương nhân mua hàng ở một nước rồi bán sang một nước khác. Hình thức này tương tự như hình thức tạm nhập - tái xuất, nhưng thương nhân không phải làm những thủ tục nhập khẩu hay xuất khẩu thông thường ở Việt Nam. |
Trước tình hình đó, mới đây, Tổng cục Hải quan đã ban hành Công văn số 6656 nhằm chấn chỉnh và quản lý chặt hoạt động làm thủ tục, giám sát đối với hình thức kinh doanh chuyển khẩu. Theo đó, trong trường hợp doanh nghiệp xin điều chỉnh hàng hóa thực xuất, phải có công văn gửi cơ quan hải quan nơi làm thủ tục trước khi kiểm tra thực tế hàng hóa, hoặc trước khi hàng thực xuất tại cửa khẩu. Việc chỉ đạo này giúp cơ quan hải quan cơ sở có được sự chuẩn bị đầy đủ thông tin về số liệu hàng hóa thực nhập và thực xuất của doanh nghiệp.
Mặt khác, trong trường hợp phát hiện có dấu hiệu gian lận, cơ quan hải quan sẽ tiến hành biện pháp kiểm tra toàn bộ hàng hóa, xử lý theo pháp luật và không chấp nhận việc điều chỉnh số hàng thực xuất của doanh nghiệp. Cơ quan hải quan cũng không chấp nhận doanh nghiệp xin điều chỉnh về chất lượng hay chủng loại hàng hóa chuyển khẩu nhằm tránh sự khai báo gian dối, tráo đổi hàng tiêu thụ trên thị trường nội địa.
Bên cạnh đó, Tổng cục Hải quan cũng có văn bản đề nghị Bộ Thương mại nghiên cứu lại, và nếu cần thiết thì ban hành một quy chế mới với nội dung quản lý chặt chẽ hơn, lập lại kỷ cương đối với hình thức kinh doanh xuất - nhập khẩu mới này.
(Theo Đầu Tư) |