(VietNamNet) - Các mặt hàng xuất khẩu của Việt Nam sang Trung Quốc có tốc độ tăng trưởng cao là dầu thô, thủy sản, rau quả nhiệt đới, cao su, hồ tiêu... Những mặt hàng nhập khẩu tăng mạnh là xe máy, xăng dầu, máy móc, phân bón, hàng dệt may và thép...
|
Hàng dệt may Trung Quốc có sức cạnh tranh rất lớn |
Năm 2002 là một năm đáng nhớ trong quan hệ thương mại Việt Nam-Trung Quốc. Bên cạnh kỷ lục về kim ngạch, đầu năm, Trung Quốc cam kết dành cho Việt Nam quy chế Tối huệ quốc (MFN) theo tiêu chuẩn WTO. Đến cuối năm (tháng 11/2002), Trung Quốc cùng các nước ASEAN ký kết Hiệp định khung về thành lập khu vực mậu dịch tự do Trung Quốc-ASEAN (ACFTA). Và lần đầu tiên, Bộ trưởng Bộ Kinh mậu Trung Quốc Thạch Quảng Sinh sang thăm và làm việc theo lời mời của Bộ Thương mại Việt Nam. Cuộc hội đàm giữa hai Bộ trưởng đã đạt được rất nhiều thỏa thuận quan trọng.
Trung Quốc đã trở thành bạn hàng lớn thứ hai của Việt Nam. Tuy vậy, 3 tỷ USD vẫn là một con số khiêm tốn so với chỉ tiêu 5 tỷ USD năm 2005 mà Đảng và Chính phủ hai nước đề ra. Để đạt mục tiêu, trong thời gian tới, hai bên sẽ tiếp tục đưa ra nhiều biện pháp thúc đẩy quan hệ thương mại song phương theo thông lệ quốc tế, đa dạng hóa phương thức buôn bán bao gồm buôn bán thông thường, đổi hàng, chuyển khẩu, quá cảnh...
Theo ông Đào Ngọc Chương, chuyên viên Vụ Châu Á-Thái Bình Dương phụ trách Trung Quốc, thuộc Bộ Thương mại, hai Chính phủ sẽ đôn đốc các ngành ngân hàng, hải quan, giao thông vận tải hợp tác... tháo gỡ khó khăn, trở ngại trong thanh toán, thủ tục, vận chuyển hàng hóa, nâng cấp cơ sở hạ tầng các cửa khẩu, khu kinh tế cửa khẩu, để tạo điều kiện cho doanh nghiệp hai nước dễ dàng trong trao đổi hàng hóa.
Trước thực tế là diện mặt hàng trao đổi chưa vững chắc, khối lượng chưa lớn, Việt Nam và Trung Quốc sẽ thỏa thuận thống nhất một danh mục hàng hóa trao đổi, để định hướng cho doanh nghiệp hai nước hợp tác sản xuất và ký kết hợp đồng. Hai bên sẽ chỉ định các doanh nghiệp lớn, uy tín, có sản phẩm nằm trong danh mục trên ký kết các hợp đồng thương mại dài hạn. Sau đó, Bộ Thương mại Việt Nam và Bộ Kinh mậu Trung Quốc có trách nhiệm đôn đốc và giám sát việc thi hành hợp đồng.
Việt Nam cũng đề nghị Trung Quốc tạo điều kiện thuận lợi cho việc xuất khẩu một số sản phẩm của Việt Nam như than đá, dầu thực vật và rau quả nhiệt đới... và hợp tác gia công hàng xuất khẩu, sản xuất chế biến nông-lâm-hải sản. Sự xuất hiện của nhóm công tác nhằm phối hợp nghiên cứu, đề xuất một số định hướng và vận động các doanh nghiệp triển khai là cần thiết.
Ngoài ra, hàng năm, cơ quan xúc tiến thương mại Trung Quốc sẽ tổ chức cho nhiều doanh nghiệp Trung Quốc tham gia các Hội chợ thương mại quốc tế do Bộ Thương mại Việt Nam chủ trì. Cục Xúc tiến thương mại Việt Nam cũng sẽ tạo điều kiện cho các doanh nghiệp Việt Nam tham gia những hội chợ lớn của Trung Quốc.
"Để đạt được kim ngạch thương mại 5 tỷ USD, chúng ta sẽ phải phối hợp hiệu quả hơn. Trung Quốc luôn ủng hộ mong muốn của Việt Nam là gia nhập Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) càng sớm càng tốt."
Bộ trưởng Bộ Kinh mậu Trung Quốc Thạch Quảng Sinh |
|