|
Nhà máy bia Hà Nam | Theo thống kê, mỗi năm ngành bia phải tốn đến 50 triệu USD nhập khẩu khoảng 120.000-130.000 tấn malt (nguyên liệu sản xuất bia). Nếu ngành rượu bia Việt Nam tự đáp ứng được nguyên liệu trong nước để phục vụ sản xuất ngành mình thì sẽ có thể giảm bớt sự phụ thuộc quá lớn vào nhập khẩu nguyên liệu ngoại và đỡ lãng phí ngoại tệ.
Theo Hiệp hội Rượu bia và nước giải khát (RB&NGK), hiện ở Việt Nam có tới 60-70% nguyên liệu cho sản xuất bia phải nhập khẩu. Với tốc độ tăng trưởng của ngành khoảng 10-12%/năm, nếu cứ giữ nguyên tình trạng này, Việt Nam sẽ phải bỏ khoảng 80 triệu USD vào năm 2005 và 100 triệu USD vào năm 2010 chỉ cho việc "nấu bia".
Nhận thức được vấn đề này, Chính phủ đã nhiều lần chỉ đạo Tổng công ty RB&NGK phối hợp với các địa phương nghiên cứu tiến hành trồng cây đại mạch trong nước để dần thay thế nguyên liệu nhập khẩu.
Năm 1999, Bộ KHCN&MT đã hỗ trợ tỉnh Cao Bằng và Viện Nghiên cứu RB&NGK số tiền khoảng 200 triệu đồng thực hiện dự án gieo trồng đại mạch để chế biến malt. Kết quả đạt được khá tốt, nhưng dự án cũng mới chỉ được thử nghiệm ở một số tỉnh như Sơn La, Lạng Sơn...
Trong khi đó, theo tính toán của các chuyên gia nông nghiệp, cây đại mạch rất thích hợp với khí hậu của các tỉnh miền núi phía Bắc và diện tích thuận lợi gieo trồng cây đại mạch ở đồng bằng Bắc bộ ước đạt 400.000ha; các tỉnh miền núi là khoảng 150.000ha. Tuy nhiên, đến nay, mọi thứ mới chỉ trên giấy.
Xét trên lý thuyết ngành bia có thể thay thế khoảng 30-40% malt nhập ngoại bằng khai thác chế biến đại mạch trồng được trong nước. Nhưng cứ đà này, như lời một quan chức ở Hiệp hội RB&NGK, để thay thế được khoảng 10% lượng malt nhập khẩu trong tương lai cũng là tốt lắm rồi nói gì đến 40% như dự định.
Vậy là chưa biết đến bao giờ ngành rượu bia Việt Nam mới tự đáp ứng được nguyên liệu trong nước để phục vụ sản xuất cho ngành mình.
(Theo Doanh Nghiệp)
|