Nhiều vướng mắc trong quản lý DN sau đăng ký
14:14' 09/01/2003 (GMT+7)

(VietNamNet) - Bộ trưởng Võ Hồng Phúc tại Hội nghị của Chính phủ với các địa phương bàn biện pháp triển khai nhiệm vụ kinh tế - xã hội năm 2003, hôm qua (8/1), đã nêu ra không ít vướng mắc trong việc quản lý doanh nghiệp sau đăng ký kinh doanh. Những vướng mắc đến từ hai phía, cả DN và cơ quan quản lý. Đây là nguyên nhân của hàng loạt bất cập trong sự phát triển của hệ thống DN vừa và nhỏ Việt Nam.

Nhiều DN ra đời, nhưng sự quản lý còn bất cập

Cơ quan quản lý lúng túng

Trước hết, theo Bộ trưởng Võ Hồng Phúc, nhiều đơn vị còn có nhận thức chưa đầy đủ về quyền hạn, trách nhiệm quản lý doanh nghiệp sau đăng ký kinh doanh. Một số ý kiến cho rằng quản lý sau đăng ký kinh doanh là trách nhiệm của Sở Kế hoạch và Đầu tư. Vì vậy nên nhiều vi phạm của doanh nghiệp đã không được phát hiện và xử lý kịp thời, đúng mức. 

Một số văn bản cần thiết cho công tác đăng ký kinh doanh vẫn chưa được ban hành. Việc thiếu Nghị định của Chính phủ về xử phạt vi phạm hành chính về đăng ký kinh doanh dẫn tới nhiều vi phạm hiện nay của doanh nghiệp chưa đến mức áp dụng hình phạt hình sự, nhưng không có chế tài xử phạt vi phạm hành chính để xử phạt; Quy định hướng dẫn cấp chứng chỉ hành nghề tư vấn pháp lý; Quy định về cơ quan nhà nước có thẩm quyền và cách thức xác nhận vốn pháp định đối với sản xuất, chế tác vàng... cũng chưa có. Do đó, cơ quan đăng ký kinh doanh chưa có đầy đủ công cụ để thực hiện Luật Doanh nghiệp. Chưa có quy định về cơ chế quản lý tài chính đối với doanh nghiệp tư nhân.

Bên cạnh đó, cơ quan đăng ký kinh doanh chưa được thiết lập đúng theo quy định về đăng ký kinh doanh. Cơ quan đăng ký kinh doanh từ trung ương đến cấp tỉnh và huyện còn thiếu và yếu về nhân lực. Mạng thông tin doanh nghiệp hiện nay mới kết nối với 10/61 tỉnh thành. Việc nối mạng thông tin giữa các cơ quan như thuế, hải quan, ngân hàng, công an và toà án với cơ quan đăng ký kinh doanh chưa thực hiện được. Trong không ít trường hợp, cả cơ quan nhà nước và doanh nghiệp chưa phân biệt được bản chất và ý nghĩa pháp lý của giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh và giấy phép kinh doanh. Vì vậy đã dẫn đến một số tranh chấp không đáng có giữa cơ quan nhà nước và doanh nghiệp.

Các quy định về thu hồi giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh còn có thiếu sót: Chưa quy định việc rút giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh đối với doanh nghiệp được thành lập không nhằm mục đích kinh doanh và doanh nghiệp đã đăng ký kinh doanh nhưng nội dung không trung thực. Trình tự thủ tục rút giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh còn kéo dài.

DN tư nhân có tốc độ tăng trưởng nhanh nhất

Hội nghị cũng đánh giá, số lượng doanh nghiệp dân doanh mà trong đó phần lớn là doanh nghiệp nhỏ và vừa tăng lên nhanh chóng, trong khi khu vực doanh nghiệp nhà nước được sắp xếp lại theo xu hướng giảm về số lượng. Loại hình doanh nghiệp tư nhân có tốc độ tăng trưởng nhanh nhất so với các loại hình doanh nghiệp khác... Toàn bộ khu vực DN vừa và nhỏ cả nước tạo ra khoảng 26% tổng sản phẩm trong nước, trong khi giá trị sản xuất toàn ngành công nghiệp khu vực DN vừa và nhỏ chiếm khoảng 35% giá trị sản xuất công nghiệp hàng năm. 

Phó Thủ tướng Vũ Khoan cũng thẳng thắn cho rằng, đã vào AFTA rồi nhưng nhiều ngành và nhiều doanh nghiệp còn lơ mơ và hầu hết còn chưa ''thấm'' mặt trái hội nhập. Ông dẫn chứng, 16% số doanh nghiệp hiểu lơ mơ về CEPT/AFTA, 60% doanh nghiệp chưa biết Hiệp định Thương mại Việt - Mỹ. Trong quý I này, Chính phủ sẽ có quy định mới về hỗ trợ xuất khẩu nhưng các bộ, ngành doanh nghiệp phải chủ động xúc tiến thương mại để vươn tới các thị trường.

''Chuyển dịch cơ cấu phải thành phong trào rộng khắp''

''Chuyển dịch cơ cấu kinh tế phải gắn với nâng cao hiệu quả, chất lượng, khả năng cạnh tranh. Tôi đề nghị, khâu này phải trở thành phong trào rộng khắp, nhuần nhuyễn ở các địa phương, DN. Làm sao để từng làng, từng xóm, từng gia đình cùng nhau bàn cách thức làm ăn thế nào, xóa đói nghèo ra sao, sản xuất cây con gì''.

Thủ tướng Phan Văn Khải đã chỉ đạo với Hội nghị như vậy. Thủ tướng cho rằng, việc chuyển dịch cơ cấu mạnh mẽ không chỉ làm cho năm 2003, mà là về lâu dài. Ông lưu ý, cần chú ý bốn điều kiện trong chuyển dịch cơ cấu: thứ nhất, công tác quy hoạch phải gắn với thị trường trong và ngoài nước; thứ hai, xây dựng cơ sở hạ tầng giúp dân chuyển dịch (cả trung ương, địa phương và nhân dân cùng làm); thứ ba, đẩy mạnh lai tạo giống cây con, phát triển khoa học công nghệ. Cuối cùng là nguồn vốn. Không chỉ bốn nhà (nhà nước, nhà nông, nhà DN, nhà khoa học) mà phải thêm nhà ''băng'', cùng kết hợp lại mới chuyển dịch cơ cấu kinh tế nhanh được.

Bịt ''lỗ hổng
'' thất thoát trong xây dựng cơ bản

Thủ tướng Phan Văn Khải cũng xác định, thất thoát trong xây dựng cơ bản là lỗ hổng lớn cần bịt ngay để ngân sách Nhà nước không bị rò rỉ. Qua kiểm tra, công trình nào cũng thấy có thất thoát, tuy mức độ thế nào chưa xác định được, Quốc hội và dư luận xã hội đang rất gay gắt về vấn đề này. Đồng tình với ý kiến trên, một đại biểu của TP. Đà Nẵng khẳng định ''không có giải pháp nào quan trọng bằng giải pháp khắc phục cho được vấn đề trách nhiệm cá nhân. Đó là giải pháp của mọi giải pháp''.

Theo Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Võ Hồng Phúc, khắc phục tình trạng này phải bao gồm hàng loạt các khâu từ thông qua chủ trương đầu tư, chuẩn bị đầu tư, thẩm định và phê duyệt quyết định đầu tư, thiết kế kỹ thuật, tổ chức đấu thầu, triển khai thực hiện dự án cho đến công đoạn nghiệm thu dự án, công trình. Người có thẩm quyền quyết định ở khâu nào thì phải chịu trách nhiệm về các quyết định của mình ở khâu đó. Người đứng đầu đơn vị phải chịu trách nhiệm khi để xảy ra tiêu cực, thất thoát ở các dự án, công trình thuộc phạm vi quản lý. 

  • Hồng Phúc
  Gửi tin qua Mobile Gửi tin qua E-mail In tin Gửi phản hồi
CÁC TIN KHÁC:
''Nơi nào không đáp ứng được tiêu chuẩn lao động sẽ không nhận được đầu tư'' (09/01/2003)
10.000 ha mạ xuân chết do trời lạnh (09/01/2003)
Khi du khách mê nông dân (09/01/2003)
Thâm thủng, lãi suất và đồng USD (09/01/2003)
Rút ngắn lộ trình cắt giảm thuế tham gia AFTA (09/01/2003)
Vốn đầu tư giao thông công chính TP.HCM: Giao 10, dùng hết 4 (09/01/2003)
Giá vàng lại tăng cao (09/01/2003)
AFP: Việt Nam được lợi từ những ''bất an'' trong khu vực (09/01/2003)
Lực cản xuất hiện nhiều hơn (09/01/2003)
Xuất khẩu cà phê khó đạt kế hoạch (09/01/2003)
Mối ''giao duyên'' Sony-Ericsson không mấy sáng sủa (09/01/2003)
Đế chế Visa vươn ra toàn cầu (09/01/2003)
Chính phủ khuyến khích đẩy mạnh CPH các DN cơ khí (09/01/2003)
Hoãn thi hành tăng thuế nhập khẩu linh kiện ôtô (09/01/2003)
Xem tiep Tro ve dau trang